Thỏa thuận quốc tế ràng buộc – Chìa khóa ứng phó với Covid-19 và đại dịch tương lai

Việc các quốc gia cùng hướng tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đối phó với Covid-19 và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine

Trong gần hai năm vừa qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nhiều quốc gia vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Làn sóng dịch thứ năm đã làm tăng số lượng các ca mắc, thậm chí nhiều nước ghi nhận những con số kỷ lục kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là những khu vực phải chịu tác động nặng nề nhất.

Các nước cùng hướng tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc có ý nghĩa quan trọng để đối phó với Covid-19. Ảnh minh họa: Getty Images

Các nước cùng hướng tới một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc có ý nghĩa quan trọng để đối phó với Covid-19. Ảnh minh họa: Getty Images

Xu hướng này xuất phát từ sự thiếu hụt vaccine và tình trạng trì trệ trong nỗ lực đạt được miễn dịch cộng đồng. Tại đa số quốc gia châu Phi, chưa tới 6% dân số được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Theo Liên minh Vaccine Gavi và các đối tác, hiện chỉ có khoảng 20% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm mũi vaccine đầu tiên, trong khi tỷ lệ này ở các nước có thu nhập cao hơn là 80%.

Những nước này có đủ khả năng tiếp cận số lượng vaccine cần thiết cho người dân của mình qua các nhà sản xuất, cũng như thông qua cơ chế COVAX toàn cầu, nhưng vì nhiều lí do mà việc này chưa thể thực hiện. Một phần lớn trong những lý do đó đến từ sự phân bổ chưa đồng đều, cũng như việc thiếu sự chuẩn bị và hợp tác từ các quốc gia trên thế giới.

Dù nhiều nước phát triển đang có thừa vaccine đã đề xuất hỗ trợ các nước có thu nhập thấp nhưng sự giúp đỡ này còn mang tính thời vụ và thiếu sự bền vững. Đây là một trong những lí do then chốt dẫn đến sự thiếu hụt vaccine ở các khu vực chưa phát triển.

Đối phó với Covid-19 và ngăn chặn các đại dịch tương lai

Trên thực tế, các đợt bùng phát dịch bệnh thường bắt đầu mà không có cảnh báo. Do đó, sự chuẩn bị và sẵn sàng của các quốc gia là điều cần thiết để có những phản ứng nhanh chóng. Đã đến lúc để các quốc gia thành viên trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hướng tới một thỏa thuận quốc tế ràng buộc nhằm chuẩn bị đối phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 cũng như các đại dịch trong tương lai.

Các quốc gia đã kêu gọi tổ chức một phiên họp đặc biệt với Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) từ ngày 29/11 để bàn về các điều kiện của thỏa thuận. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, thỏa thuận cần đặt ra các nguyên tắc mang tính cam kết cao nhằm tăng cường sự đoàn kết, công bằng và vì sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, những bước đi như vậy được cho là vô cùng quan trọng khi đại dịch đang hoành hành ở nhiều quốc gia và cần sự phối hợp của những người đứng đầu nhằm ngăn chặn thảm kịch toàn cầu xảy ra một lần nữa.

Một thỏa thuận quốc tế cũng phải dựa trên việc mọi người được tiếp cận vaccine công bằng, phù hợp với khả năng của nền kinh tế và quyền con người. Đồng thời, nội dung thỏa thuận cần nêu rõ cách tiếp cận chung để sử dụng và phân phối công bằng các nguồn lực, đảm bảo sức khỏe cho không chỉ riêng một quốc gia, mà cho cả cộng đồng.

Đây sẽ là cơ hội quan trọng để thế giới tránh khỏi các thảm họa bệnh truyền nhiễm tiếp theo và xây dựng một cơ chế nền tảng vững chắc cho thế hệ tương lai./.

CTV Thúy Quỳnh/VOV.VN (biên dịch) Theo SCMP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/thoa-thuan-quoc-te-rang-buoc-chia-khoa-ung-pho-voi-covid-19-va-dai-dich-tuong-lai-908227.vov