Thỏa thuận con tin Israel - Hamas: Bước tiến nhỏ, ý nghĩa lớn

Thỏa thuận trao đổi con tin Israel - Hamas là bước đột phá sau nhiều tuần xung đột, song còn đó quãng đường dài phía trước.

Israel - Hamas vừa đạt được một thỏa thuận ngừng bắn 4 ngày và trao trả con tin quan trọng. Trong ảnh, khẩu hiệu kêu gọi trao trả con tin ở Tel Aviv, Israel. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Ngày 22/11, sau quá trình đàm phán ở Qatar, với sự đóng góp của Mỹ và Ai Cập, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza đã đạt thỏa thuận về trao đổi con tin và tạm ngừng bắn. Thỏa thuận chính thức có hiệu lực ngày 23/11 (giờ địa phương). Theo giới quan sát, đây là đột phá về mặt ngoại giao đáng kể nhất kể từ khi xung đột bùng phát 45 ngày trước.

Cụ thể, hai bên sẽ ngừng bắn bốn ngày. Quan trọng hơn, thỏa thuận bao gồm việc trả tự do cho 50 phụ nữ và trẻ em hiện đang bị giữ làm con tin ở Dải Gaza. Đổi lại, Israel trả tự do cho 150 phụ nữ và trẻ em người Palestine. Nếu tình hình thuận lợi, Hamas tiếp tục trao đổi 50 con tin lấy 150 tù nhân trong tháng 11.

Về hình thức, các con tin ở Dải Gaza sẽ được trả tự do theo nhóm 10-12 người/ngày trong các ngày liên tiếp. Israel sẽ làm điều tương tự khi con tin đầu tiên của mình trở về. Một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, ba công dân của họ dự kiến được trả tự do trong đợt này, trong đó có một bé gái ba tuổi. Israel sẽ tạo điều kiện để lượng lớn hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm nhiên liệu, tới Dải Gaza.

Hiện có thông tin cho rằng, các bên đã thảo luận về việc kéo dài lệnh ngừng bắn, với điều kiện 10 người Israel được trả tự do cho mỗi ngày thỏa thuận có hiệu lực.

Nhiều phản ứng

Sau khi đạt thỏa thuận, các bên liên quan và cộng đồng quốc tế nhanh chóng có phản ứng.

Công chúng Israel ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận trả tự do cho con tin. Trong tấm áp phích của người dân trong các cuộc tuần hành ở Tel Aviv những ngày qua viết: “Đưa họ trở về nhà”. Thân nhân của họ cho rằng, đây là “thỏa thuận tốt nhất”, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Về phía chính phủ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, thỏa thuận giải cứu con tin là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, cho phép Israel tiếp tục xung đột với Hamas.

Tuy nhiên, một số quan chức cứng rắn trong nội các của ông phản đối, coi đây là thỏa thuận “tồi” khi không thể trả tự do cho toàn bộ con tin, làm giảm cơ hội để loại bỏ hoàn toàn Hamas. Tướng Herzi Halevi, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng IDF, đánh giá: “Hoạt động trên bộ tạo điều kiện tốt hơn để con tin có thể trở về nhà. Chúng gây thiệt hại cho Hamas và tạo ra áp lực cần thiết. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục áp lực này”.

Hiện tại, lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza, ông Yahya Sinwar, người được cho là chịu trách nhiệm cho quá trình thương thảo về con tin, chưa đưa ra bình luận chính thức. Tháng trước, quan chức này từng khẳng định “đã sẵn sàng trao đổi con tin ngay lập tức với Israel”. Toàn bộ con tin tại Dải Gaza sẽ được trả tự do đổi lấy tù nhân Palestine tại Israel, ước tính lên tới 6.000 người.

Cộng đồng quốc tế cũng nhanh chóng có phản ứng.

Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Palestine (PA) Hussein al-Sheikh viết: “Tổng thống Mahmoud Abbas và lãnh đạo Palestine hoan nghênh lệnh ngừng bắn nhân đạo và đánh giá cao nỗ lực của Qatar và Ai Cập”. Bộ Ngoại giao Jordan hy vọng thỏa thuận là bước đầu chấm dứt hoàn toàn xung đột.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh thỏa thuận và khẳng định: “Thỏa thuận sẽ mang thêm các con tin Mỹ về nước. Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tất cả họ được thả”. Coi đây là “kết quả của nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của chính phủ”, Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định nước này sẽ “không ngừng nghỉ chừng nào Hamas tiếp tục bắt giữ các con tin ở Gaza”.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho rằng đây là “bước đi quan trọng hướng tới việc xoa dịu nỗi đau của gia đình các con tin và giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza”. Ông kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhiệt liệt hoan nghênh thỏa thuận, gửi lời cảm ơn tới các bên và khẳng định “sẽ làm mọi thứ trong khả năng, tận dụng thời gian này để tổ chức viện trợ nhân đạo cho Gaza”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: “Moscow hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn bốn ngày giữa Israel và Hamas. Đó chính xác là điều Nga kêu gọi kể từ khi xung đột leo thang”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hoan nghênh thỏa thuận và mong nó “góp phần giải quyết thảm họa nhân đạo và hạ nhiệt căng thẳng”.

Xe của Hội Chữ thập đỏ chứa các con tin ở Dải Gaza được trả tự do, đã tới biên giới Ai Cập ngày 24/11. (Nguồn: Reuters)

Còn đó khó khăn

Mặc dù vậy, điều này đồng nghĩa rằng, còn hơn 200 người Israel và công dân nước ngoài bị giữ làm con tin. Theo Financial Times (Anh) hai bên có thể thương thảo thêm về trả tự do cho công dân nước ngoài, bao gồm người Nepal và người Thái.

Song, số phận của những người Do Thái còn lại phức tạp hơn. Các Bộ trưởng Israel có quan điểm cứng rắn có lẽ chưa sẵn sàng trả tự do cho toàn bộ tù nhân Palestine. Ngoài ra, theo giới phân tích an ninh, một khi Hamas trả tự do cho toàn bộ con tin, IDF có thể đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch đổ bộ, với trọng tâm là hệ thống đường hầm dài hơn 500km nằm dưới Dải Gaza.

Bên cạnh đó, câu chuyện viện trợ nhân đạo cũng là yếu tố đáng chú ý. Theo Financial Times, dưới áp lực từ Mỹ, Israel đã cho phép nhiều xe chở viện trợ nhân đạo và nhiên liệu hơn tới Dải Gaza. Với thỏa thuận trên, Nhà nước Do Thái sẽ “mở cửa” cho hàng trăm xe tải chở hàng hóa nhân đạo, vật tư y tế, nhiên liệu cùng nhiều mặt hàng khác tiến vào khu vực này trong bốn ngày.

Dù vậy, hiện chưa rõ các viện trợ này có đủ để đáp ứng nhu cầu ngày một cấp thiết ở Gaza không. Ước tính, 1/2,3 triệu người dân của khu vực này đã phải di dời khỏi phía Bắc và tìm chỗ trú ẩn trong các trường học, bệnh viện ở phía Nam.

Các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi số lượng viện trợ được đáp ứng, chưa có gì bảo đảm rằng số hàng hóa này sẽ được phối hợp phân phát tới tay người cần trong bối cảnh nhiên liệu thiếu thốn và dân cư tản mát như hiện nay. Đây sẽ là những bài toán cho các nhà đàm phán về xung đột ở Qatar thời gian tới.

Như vậy, có thể thấy, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và trao trả con tin giữa Israel và Hamas là bước tiến nhỏ nhưng cần thiết trong hành trình chấm dứt hoàn toàn xung đột ở Dải Gaza, đem lại hòa bình tại đây nói riêng và Trung Đông nói chung.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-con-tin-israel-hamas-buoc-tien-nho-y-nghia-lon-251383.html