Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-quần đảo Solomon: Tác nhân 'tạo sóng' ở Thái Bình Dương

Australia đang 'đứng ngồi không yên' vì hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc với quần đảo Solomon. Mỹ, Nhật Bản có cùng quan ngại trước những bước đi ngày càng táo bạo của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.

Australia, Mỹ và các đồng minh lo ngại Solomon có thể cho phép Trung Quốc xây cảng quân sự. (Nguồn: The Guardian)

"Lằn ranh đỏ"

Trong cuộc tranh luận nảy lửa trước bầu cử Australia (dự kiến diễn ra vào ngày 21/5), Thủ tướng Scott Morrison ngày 8/5 tuyên bố, Australia sẽ làm việc với các đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã trở thành một vấn đề chính trị nóng ở Australia, sau tuyên bố của Bắc Kinh vào tháng trước về việc ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon.

Thỏa thuận an ninh Trung Quốc-quần đảo Solomon chưa được công bố công khai, nhưng một bản dự thảo bị rò rỉ đã cảnh báo các nước trong khu vực, đặc biệt là các điều khoản cho phép Trung Quốc triển khai hải quân đến quần đảo Solomon, chỉ cách Australia chưa đầy 2.000 km.

Thủ tướng Morrison đã bị chỉ trích vì không ngăn được Trung Quốc ký thỏa thuận ở một khu vực mà theo truyền thống, Australia có ảnh hưởng khá lớn.

Trong cuộc tranh luận trên truyền hình, lãnh đạo Công đảng đối lập Anthony Albanese đã mô tả đây là một "thất bại lớn về chính sách đối ngoại". Trong khi đó, Thủ tướng Morrison cảnh báo rằng việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở Solomon sẽ là một hành động vượt qua “lằn ranh đỏ".

Bị gây sức ép trong cuộc tranh luận về ý nghĩa của “lằn ranh đỏ”, ông Morrison nói: "Australia sẽ làm việc với các đối tác để đảm bảo rằng hành động đó sẽ phải bị ngăn chặn".

Tuy nhiên, ông Morrison nói thêm rằng sẽ là "không khôn ngoan" nếu suy đoán về các biện pháp cụ thể mà Australia có thể thực hiện để ngăn chặn việc thiết lập một căn cứ quân sự trên quần đảo Solomon.

Ông nói: "Chính phủ quần đảo Solomon đã nói rất rõ với chúng tôi rằng đó không phải là kết quả mà họ đang tìm kiếm hay ủng hộ. Tôi tin rằng việc có sự hiện diện như vậy không mang lại lợi ích cho họ".

Trong cuộc tranh luận gay cấn ngày 8/5, Thủ tướng Morrison và lãnh đạo phe đối lập cũng đề cập chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, về cách tốt nhất để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu và các biện pháp chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ảnh hưởng về chính trị và quân sự của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương đã nổi lên như một mối quan tâm lớn trong chính sách đối ngoại của Australia.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã hội đàm với người đồng cấp Solomon Jeremiah Manele tại thành phố Brisbane ngày 6/5, trong đó, bà nhắc lại "mối lo ngại sâu sắc" của Australia về hiệp ước an ninh Trung Quốc-quần đảo Solomon và "sự thiếu minh bạch" về nội dung của thỏa thuận này.

Bà Marise Payne cho biết, Ngoại trưởng Solomons đã trấn an rằng Australia vẫn là "đối tác được lựa chọn" của quốc gia Thái Bình Dương này.

Mối quan ngại chung

Nếu hải quân Trung Quốc có được chỗ đứng ở đảo quốc Solomon, họ có thể chặn các tuyến đường tiếp cận hàng hải tới Australia, cả về mặt thương mại và quân sự.

Từ Solomon, Trung Quốc có thể quan sát tốt hơn các cuộc tập trận và hoạt động trên biển của các đối thủ, từ đó vươn dài sức mạnh khắp Thái Bình Dương.

Không dừng lại ở đó, nếu Bắc Kinh viện trợ Solomon, các quốc gia khác như Papua New Guinea, Vanuatu và Kiribati mà Bắc Kinh đang tăng cường can dự cũng có thể quan tâm đến các thỏa thuận tiếp cận tương tự.

Ông Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương của Viện phương Đông thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga nhận định, không loại trừ khả năng Mỹ và Australia phản ứng mạnh mẽ trước thỏa thuận an ninh này.

Ông nhấn mạnh: “Dù sao thì lời cảnh báo đối với quần đảo Solomon cũng đã được công bố, họ nhận thức được hậu quả.

Thủ tướng Australia kêu gọi phản ứng bình tĩnh trước tình hình, có thể hiểu là Australia và Mỹ sẽ theo dõi việc Solomon thực hiện thỏa thuận với Trung Quốc.

Nếu chính quyền quần đảo Solomon không chú ý đến cảnh báo và dựa vào sự hỗ trợ an ninh của Trung Quốc thì sẽ có một tình huống xảy ra. Nếu nước này phần nào ‘hạ nhiệt’ quan hệ với Trung Quốc, từ chối các khoản vay cho mục đích phát triển, thì tình hình sẽ khác".

Không chỉ có Mỹ và Australia, Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại đối với thỏa thuận an ninh này. Phát biểu ngày 8/5 khi kết thúc chuyến công du tới Fiji và Palau, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết, có 3 quốc gia chia sẻ mối quan ngại về hiệp ước an ninh mà Trung Quốc ký gần đây với quần đảo Solomon.

Ông Hayashi nói: "Nhật Bản lo ngại thỏa thuận liên quan đến hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và quần đảo Solomon có thể tác động đáng kể đến môi trường an ninh của khu vực này. Các đảo quốc Thái Bình Dương này (Fiji và Palau) cũng cho thấy quan điểm tương tự".

Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ, Australia và New Zealand để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

(theo AFP, Sputnik, Financial Times)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-an-ninh-trung-quoc-quan-dao-solomon-tac-nhan-tao-song-o-thai-binh-duong-182905.html