'Thở phào' khi con được miễn giảm học phí

Với những gia đình thu nhập thấp, có nhiều con đi học, vấn đề học phí cùng các khoản chi phí khác tạo ra sức ép không nhỏ. Vì thế, trước chính sách miễn giảm học phí ở một số địa phương, nhiều phụ huynh mừng vui vì giảm bớt được phần nào gánh nặng.

LỜI TÒA SOẠN

Hai năm qua, để giảm bớt khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả địa phương miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông với mức 50-100%. Năm học 2023-2024, nhiều địa phương đã dừng chính sách này. Tuy nhiên Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nam, Quảng Bình vẫn tiếp tục miễn học phí cho học sinh. Chuyên gia đánh giá đây là "một tín hiệu vui" bởi việc các tỉnh, thành dành ngân sách địa phương để ưu tiên cho giáo dục thể hiện rõ định hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Dù chính sách miễn giảm học phí mới chỉ được thực hiện ở một số địa phương nhưng điều này sẽ là "cú huých" để các tỉnh, thành khác tiếp nối, sớm trở thành xu hướng có lợi cho xã hội.

Có 3 con trong độ tuổi đi học, chị Phương Hoa (TP Đồng Hới) vui mừng khi biết tin tỉnh Quảng Bình sẽ miễn học phí kỳ I hoặc cả năm cho học sinh các cấp, tùy vào khu vực thành thị, nông thôn hay miền núi. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh thực hiện chính sách miễn giảm học phí.

Trước đó, các trường nơi con chị theo học cũng gửi phiếu khảo sát tới từng phụ huynh. “Trong bối cảnh dù dịch bệnh đã đi qua nhưng vẫn gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của từng gia đình, đa phần cha mẹ đều mong muốn tiếp tục được miễn giảm 100% học phí. Nhưng thực tế, điều này cũng sẽ gây khó khăn cho tỉnh”, chị Hoa nói với VietNamNet.

Thuộc vùng thành thị, nếu áp dụng mức thấp nhất theo Nghị định 81, học phí chị Hoa phải đóng cho mỗi con là 300.000 đồng/tháng. Như vậy, tổng số tiền học chị phải đóng cho con gái lớn đang học lớp 6 và hai bé mầm non là gần chục triệu đồng mỗi năm.

“Chi phí này chưa bao gồm các khoản đóng góp khác như tiền ăn bán trú (với hai bé mầm non), tiền đồng phục, quỹ hội phụ huynh, đóng góp mua sắm trang thiết bị trường học, tiền học thêm của bé lớn. Nếu không được giảm, đây sẽ là áp lực đối với kinh tế gia đình làm công chức như chúng tôi”.

Do đó, chị Hoa cho rằng động thái tích cực của tỉnh phần nào chia sẻ khó khăn, giúp người dân vơi bớt gánh nặng. Song chị cũng băn khoăn sau kỳ học miễn giảm, mức học phí quay trở lại áp dụng theo Nghị định 81 là 300.000 đồng/tháng (tức tăng gấp 3 so với mức trước đây là 96.000 đồng/tháng) sẽ tiếp tục là gánh nặng cho gia đình.

Khung học phí (mức sàn - mức trần) năm học 2022-2023 theo Nghị định 81. Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5%/năm. Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng.

Ngoài Quảng Bình, trong năm học này, Hải Phòng cũng dự chi hơn 400 tỷ đồng ngân sách địa phương để miễn học phí cho toàn bộ học sinh đang học tại các cấp trên địa bàn. Trước đó, việc miễn giảm 100% học phí cho học sinh bậc mầm non và THCS được Hải Phòng thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Đến năm học 2021 - 2022, có thêm học sinh bậc THPT được miễn học phí.

“Chúng tôi đồng thuận và biết ơn chủ trương của thành phố. Có thể với những gia đình khá giả, vài trăm nghìn học phí/tháng không phải là vấn đề nhưng với nông dân hay những gia đình thu nhập thấp, đó thực sự là gánh nặng”, chị Đặng Ngọc Ánh (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nói.

Có con gái vào lớp 4 và con trai 3 tuổi đang đi nhà trẻ, vợ chồng chị Ánh – cùng là giáo viên phổ thông - cũng phải chật vật với các khoản đóng góp khi hai con cùng đi học.

“Học phí nếu phải đóng cũng không quá lớn, nhưng ngoài tiền học còn vô vàn các khoản chi khác là “cơn đau đầu” đối với phụ huynh. Do đó miễn giảm được khoản nào, phụ huynh cũng đều thấy mừng vui”.

Theo chị Ánh, miễn giảm học phí là chủ trương đúng đắn, đảm bảo 100% trẻ được đến trường, giúp các em được bình đẳng trong giáo dục. Bên cạnh đó, những gia đình thu nhập thấp cũng vơi bớt áp lực trong cuộc sống; gánh nặng trên vai mỗi gia đình có con đi học cũng dần được trút xuống.

Trong năm học này, nhiều địa phương khác cũng tiếp tục duy trì chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh các cấp. Trong đó, Đà Nẵng dự kiến hỗ trợ hơn 408,2 tỷ đồng, gồm hơn 316 tỷ đồng cho học sinh công lập và hơn 92,2 tỷ đồng cho học sinh ngoài công lập.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh này cũng miễn toàn bộ học phí cho trẻ em 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2022-2025. Dự kiến, ngân sách tỉnh sẽ chi hơn 568 tỷ đồng cho giai đoạn 3 năm này.

Tỉnh Hà Nam cũng quyết định hỗ trợ một phần học phí cho học sinh các cấp trên địa bàn sau khi công bố mức học phí mới. Mức hỗ trợ đúng bằng mức tăng học phí khi thực hiện theo Nghị định 81.

Dù không được miễn toàn bộ học phí nhưng mức hỗ trợ này cũng khiến chị Nguyễn Quỳnh Chi (Lý Nhân, Hà Nam) cảm thấy vui vì trong bối cảnh dịch bệnh vừa dứt chưa lâu, kinh tế còn khó khăn, các gia đình đông con cùng đi học sẽ rất căng thẳng trong vấn đề học phí.

“Ngoài học phí còn biết bao chi phí khác, từ quần áo, sách vở, học thêm… Có khi một đứa trẻ đi học cũng tốn tới 4 - 5 triệu/tháng. Do đó, miễn giảm được khoản nào, tốt khoản đó”, chị Chi nói.

Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục thuộc Học viện Quản lý Giáo dục, việc miễn giảm học phí là tin vui và cũng là mong ước từ lâu của các gia đình khó khăn nhưng không thuộc đối tượng miễn giảm.

“Khi được miễn khoản tiền này, các gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập thấp, sẽ giảm được gánh nặng rất lớn. Ngoài ra, việc các tỉnh dành ngân sách địa phương để ưu tiên cho giáo dục cũng thể hiện rõ định hướng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Dù chính sách miễn giảm học phí mới chỉ được thực hiện ở một số địa phương có điều kiện nhưng bà Huyền kỳ vọng điều này sẽ là "cú huých" để các tỉnh thành khác tiếp nối, sớm trở thành xu hướng có lợi cho xã hội.

“Đầu tư cho giáo dục là việc làm đúng đắn. Mong rằng một ngày gần nhất, mọi tỉnh thành đều làm được như vậy. Chính sách ấy sẽ tạo điều kiện cho mọi học sinh được đến trường, phổ cập giáo dục sẽ thực hiện toàn diện”.

Dù còn nhiều khó khăn trong thời điểm hồi phục sau đại dịch Covid-19 nhưng lãnh đạo một số tỉnh, thành vẫn quyết tâm duy trì các chính sách an sinh xã hội nhân văn, trong đó có chính sách về giáo dục, đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Mời độc giả đọc tiếp bài 2 của tuyến bài vào ngày mai, 12/10: Chính sách nhân văn của Đà Nẵng, Quảng Bình - hàng nghìn gia đình nghèo bớt gánh nặng.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phu-huynh-vui-mung-vi-con-duoc-mien-giam-hoc-phi-2200454.html