Thiếu tướng Phạm Gia Triệu với ngành quân y

Cuộc đời của Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Phạm Gia Triệu (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) là sự tận hiến với cách mạng. Đến với ngành quân y từ những ngày chính quyền cách mạng còn non trẻ, ông đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đặc biệt quan trọng này.

Ông sinh ngày 15-1-1918 (theo lưu trữ gia đình là năm 1917) tại làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được chú nuôi cho học đến hết bậc trung học. Sau đó ba anh chị em tự đùm bọc nuôi dưỡng nhau và đi làm kiếm sống lấy tiền học tiếp. Năm 1937, Phạm Gia Triệu vào học tại Trường Y khoa Hà Nội để rồi đúng tháng 9-1945, khi cách mạng thành công, ông tốt nghiệp bác sĩ, vào phục vụ ở Cục Quân y với chuyên ngành ngoại khoa, một ngành cứu chữa chủ chốt đang rất cần cho kháng chiến.

 Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Phạm Gia Triệu.

Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Phạm Gia Triệu.

Ngay trong năm 1945, ông nhận lệnh ra Đông Triều, Quảng Ninh thành lập cơ sở quân y đầu tiên của Đệ tứ Chiến khu (quân y Trung đoàn 96 sau này). Tháng 3-1947, thực dân Pháp tấn công Đường 18, bệnh xá do Phạm Gia Triệu phụ trách đang ở làng Đại Bộ bị địch vây ráp. Tuy chưa học qua trường lớp chỉ huy quân sự nhưng Phạm Gia Triệu vẫn bình tĩnh tổ chức cho đơn vị cơ động phòng tránh hiệu quả. Nhân viên và bệnh nhân rút vào rừng an toàn.

Vợ ông - bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, người con gái Hà Nội sinh trưởng trong một gia đình khá giả quyết theo chồng đi kháng chiến, lúc này mới sinh con đang trong cữ còn rất yếu nhưng cũng nhanh chóng thoát ra bìa rừng. Vai đeo ba lô, tay bế con nhỏ, ông cùng đồng đội luồn rừng tránh địch. Quân Pháp bao vây và đốt sạch bệnh xá, rắp tâm xóa sổ quân y Trung đoàn 98 và bệnh xá dân y. Nhưng dưới sự chỉ huy của Phạm Gia Triệu, chỉ vài ngày sau, lều lán lại dựng lên, các ca phẫu thuật lại được tiến hành. Vòng vây kẻ thù ngày càng chặt, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đơn vị càng gian khổ.

“Giữa lúc ấy, tên quan Pháp ở Đông Triều bí mật gửi đến Phạm Gia Triệu lá thư chiêu hồi. Kẻ địch chắc mẩm, một người có trình độ cao như ông, lại từng là học trò cũ của giáo sư Huard sẽ không chống nổi sức hút về suất học bổng hấp dẫn tại châu Âu cùng những ưu đãi xa hoa mà chúng dành cho. Nhưng cuộc sống yên bình, giàu sang, hứa hẹn nhiều danh vọng ấy không khuất phục nổi anh. Lá thư chiêu hồi của quân thù được vợ chồng bác sĩ Phạm Gia Triệu gửi ngay lên chỉ huy Trung đoàn 96” - Đồng chí Trần Nghiêm, một cộng sự thân thiết với đồng chí Phạm Gia Triệu trong những năm kháng chiến chống Pháp từng kể.

Lòng yêu nước đã được tôi luyện, cùng sự ủng hộ của vợ và gia đình, bác sĩ Phạm Gia Triệu càng vững bước theo kháng chiến. Năm 1949, ông được điều về làm Hiệu trưởng Trường Y tá trưởng (Bắc Giang); sau đó là Viện trưởng Viện Thực hành, giảng viên Trường Quân y sĩ (Thái Nguyên) rồi được cử tham gia Chiến dịch Biên giới với Đội điều trị 1, phục vụ từ trận mở màn đánh Đông Khê cho tới khi kết thúc chiến dịch. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lại cùng với bác sĩ Vũ Đình Tụng tham gia chỉ đạo kỹ thuật mổ cho các cơ sở cấp cứu. Sau năm 1954, bác sĩ công tác tại các bệnh viện 108, 103 và đã có nhiều thành tích trong tham gia xây dựng chuyên khoa phẫu thuật thần kinh và chỉ đạo liên khoa ngoại Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) nghiên cứu có kết quả công trình khoa học về u gai, não thất IV, u huyết quản não, chấn thương sọ não nặng. Bác sĩ Phạm Gia Triệu còn có sáng kiến làm hộp dây phục kéo tay để chụp mạch máu não một lần ba cái thay cho máy chụp hàng loạt.

Hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Liên Xô, về nước, ông được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Quân y 108 kiêm Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật thần kinh và chuyên viên đầu ngành ngoại khoa toàn quân. Tham gia công tác điều trị từ năm 1961 tới năm 1966, bác sĩ Phạm Gia Triệu bảo đảm cứu chữa tốt các loại vết thương về sọ não, cứu sống được nhiều trường hợp nguy kịch, tỷ lệ tử vong ít. Trong 116 vết thương sọ não nặng do hòa khí gây nên, ông đã cứu được 103 trường hợp, tỷ lệ cứu sống là 88%; 246 trường hợp chấn thương sọ, cứu được 226, tỷ lệ cứu sống 92%; 26 vết thương bỏng buốt nặng, phải điều trị bằng phẫu thuật, cứu được 24, tỷ lệ cứu sống 92,3%; 14 trường hợp mổ u não, cứu được 13, tỷ lệ cứu sống 92,8%. Trong công tác xây dựng chuyên khoa, thầy thuốc Phạm Gia Triệu đào tạo được 8 bác sĩ và biên soạn một số tài liệu có giá trị như: Chấn thương thần kinh, u não, vết thương do bom bi, các phương pháp chẩn đoán phù trợ về phẫu thuật thần kinh, cấp cứu ngoại khoa chấn thương.

Năm 1968, ông vào Mặt trận B5 – Quảng Trị phục vụ. Giữa lúc Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đang vô cùng nóng bỏng, ông chỉ đạo cấp cứu ngoại khoa chung và trực tiếp phẫu thuật các ca liên quan đến sọ não, cột sống với hàng trăm ca mổ thành công, giành được sự sống về cho hàng trăm thương binh, bệnh binh.

Bác sĩ Phạm Gia Triệu (thứ hai, từ phải sang) trong một ca phẫu thuật thần kinh.

Bác sĩ Phạm Gia Triệu (thứ hai, từ phải sang) trong một ca phẫu thuật thần kinh.

Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang ném bom trở lại phá hoại miền Bắc. Tháng 4-1972, tại Viện Quân y 108, ca phẫu thuật áp xe sọ não cho thương binh Lò Văn Phèn do bác sĩ Phạm Gia Triệu đang tiến hành thì máy bay Mỹ bắn phá. Mảnh vỡ rơi trúng khu vực phòng mổ làm kính đèn mổ vỡ vụn. Cả kíp mổ kịp thời che chắn cho thương binh. Một mảnh bắn vào trán gây thương tích trên mặt của TS, bác sĩ Phạm Gia Triệu nhưng ông vẫn bình tĩnh lệnh cho kíp mổ sơ tán, còn bản thân ở lại với thương binh. Buổi tối hôm đó, ông tiến hành mổ lại và thương binh Lò Văn Phèn được cứu sống…

Những năm sau này, GS Phạm Gia Triệu cùng đồng nghiệp công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã xây dựng bệnh viện với nhiều chuyên ngành mới mẻ trong nền y học nước ta. Đặc biệt là các phương pháp phẫu thuật tiên tiến ứng dụng vào những vùng tổn thương rất dễ gây tử vong với tỷ lệ thành công ngày càng cao. Ông cùng với Khoa Ngoại thần kinh của bệnh viện hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu xuất sắc. Là chuyên viên đầu ngành ngoại khoa lúc bấy giờ, từ thực tế công tác điều trị, ông còn cùng tập thể phẫu thuật viên đã biên soạn cuốn “Điều lệ xử lý vết thương chiến tranh”. Đây là cuốn tài liệu không chỉ có giá trị trong ngành quân y mà còn phát huy tác dụng trong kết hợp quân dân y theo đường lối quốc phòng toàn dân của Đảng ta.

Thiếu tướng Phạm Gia Triệu đã nêu tấm gương sáng của người thầy thuốc với trách nhiệm trước Đảng, trước quần chúng, dám nghĩ dám làm, bền bỉ sáng tạo trong công tác, mưu trí dũng cảm trong chiến đấu, tận tình cứu chữa thương binh, bệnh binh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Ông đã vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ngày 1-1-1967, Thượng tá Phạm Gia Triệu là bác sĩ quân y đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

 Bộ dụng cụ phẫu thuật của Thiếu tướng Phạm Gia Triệu.

Bộ dụng cụ phẫu thuật của Thiếu tướng Phạm Gia Triệu.

Khi còn sống, với mong muốn giáo dục cho thế hệ sau những bài học, kinh nghiệm của cha anh đi trước, nhiều hiện vật quý mang về từ chiến trường đã được Thiếu tướng Phạm Gia Triệu hiến tặng các bảo tàng quân đội. Trong đó có bộ dụng cụ phẫu thuật gồm 5 hiện vật (dao mổ, kẹp mạch máu, kìm cặp kim, cào xương, panh). Đặc điểm chung của các dụng cụ phẫu thuật là có đầu hoạt động thanh mảnh, cấu tạo tinh xảo, đóng mở nhẹ nhàng và đa số là chuyên dụng. Dao mổ dài 15cm; kẹp mạch máu (dài 18cm) có tác dụng làm ngưng dòng máu, dự phòng mạch co rút, giữ các đầu mạch ở tư thế thuận lợi cho việc khâu; kìm cặp kim dài 14cm, cào xương dài 20cm, panh dài 15cm. Bộ dụng cụ phẫu thuật này đã được Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Phạm Gia Triệu sử dụng cứu sống biết bao thương binh, bệnh binh đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội.

Ngoài ra, tháng 10-2020, với mong muốn chia sẻ một phần hồi ức của cha ông và cũng là một những ký ức hào hùng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, gia đình cố giáo sư, Thiếu tướng Phạm Gia Triệu đã trao tặng kỷ vật là khẩu súng Carbin bán tự động (của quân đội Mỹ) tặng phòng truyền thống của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Đây là chiến lợi phẩm ông mang về sau chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Và cũng là một hiện vật quý, minh chứng cho tinh thần của người bác sĩ - chiến sĩ quân y trong hoàn cảnh gian khổ và nguy hiểm vẫn kiên cường vừa hết lòng cứu chữa thương binh vừa dũng cảm trực tiếp chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ đơn vị.

NGUYỄN THƠM - TRẦN SÂM

Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-pham-gia-trieu-voi-nganh-quan-y-752489