Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình - Sự hòa quyện giữa nhạc và thơ

Ở Vũ Hiệp Bình, khi mới gặp anh, người ta nhận ra ngay 'cái tạng' của người cán bộ chính trị nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, tiếp xúc lâu mới thấy hé dần sự cởi mở, nhiệt thành xúc cảm 'nghệ sĩ'.

Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình trong một chuyến công tác tại Mường Tè, Lai Châu (năm 2012). Ảnh: Văn Đông

Cố Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình (tức Lê Hòa Bình), Phó Chính ủy BĐBP, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sinh năm 1953 tại Thanh Hóa, lớn lên ở vùng đất mỏ Quảng Ninh. Anh thuộc thế hệ thanh niên trưởng thành trong khí thế hào hùng của dân tộc trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước. Đầu năm 1971, anh xung phong nhập ngũ, được biên chế vào lực lượng Công an vũ trang Quảng Ninh, thế là nghiệp Biên phòng đã lựa chọn anh và anh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

17 tuổi đã phát lộ năng khiếu và say mê nghệ thuật từ trong nhà trường phổ thông, Vũ Hiệp Bình mang tố chất ấy tự học, tự trau dồi kiến thức nghệ thuật để cống hiến và tỏa sáng. Ở Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Quảng Ninh, từ chiến sĩ thông tin trở thành hạt nhân Đội Tuyên văn, những nẻo đường biên giới gian nan vất vả, những tấm gương hy sinh dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu biên cương, hải đảo đã bồi đắp cho anh tình yêu thương đồng chí, đồng bào, tạo cảm xúc cho anh có những bài thơ, nét nhạc đầu tiên...

Là chiến sĩ xuất sắc, năm 1974, anh được lựa chọn đi đào tạo sĩ quan khóa 7 Trường sĩ quan CANDVT (nay là Học viện Biên phòng). Những năm tháng học tập, rèn luyện thực tế gian khổ ở môi trường "luyện thép" đã bồi đắp cho anh tố chất kiên định vững vàng; truyền thống gia đình tạo cho anh đức tính chịu thương chịu khó; môi trường văn hóa, văn nghệ của nhà trường là mảnh đất màu mỡ cho "chất" nghệ sĩ của anh phát triển. Anh trở thành nhạc sĩ, nhạc công kiêm ca sĩ của Đội Tuyên truyền văn hóa của Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Tốt nghiệp sĩ quan, Vũ Hiệp Bình đi thực tế tại Đồn Biên phòng Hoành Mô, Quảng Ninh và sau đó trở thành Trợ lý Văn nghệ của nhà trường.

Những chuyến công tác tại các đồn Biên phòng, tiếp xúc với đồng bào, đồng chí ở khu vực biên giới, những lần "cầm quân" tham gia các kỳ hội diễn văn nghệ toàn lực lượng, toàn quân, toàn quốc, đã tạo cảm xúc mạnh mẽ trong anh. Thơ và nhạc như đã là "cái nghiệp" vận vào anh, không thể dứt ra, dẫu sau này đã là chỉ huy, lãnh đạo. Nhận ra tài năng và sự ham mê học tập từ người Trợ lý Văn nghệ của Trường sĩ quan CANDVT, anh được cử học tiếp Đại học Văn hóa (tốt nghiệp năm 1985), rồi sau này là Cử nhân chính trị (năm 1996), Thạc sĩ triết học (năm 2006).

Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa, anh được phân công về công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP, đảm nhiệm chức trách từ Trợ lý đến Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng. Đi thực tế các cương vị chỉ huy: Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Sơn La, Phó Chỉ huy về Chính trị BĐBP Quảng Ninh. Về cơ quan là Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy BĐBP, được Đảng, Nhà nước phong hàm Thiếu tướng.

Nếu như trước đây, từ thực tế cuộc sống, những hiểu biết bản năng đã cho anh cảm xúc để tạo nên những tác phẩm sơ khai mộc mạc, thì sau khi được đào tạo cơ bản tại Đại học Văn hóa cũng như các kiến thức lý luận của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội, những ca khúc, bài thơ của anh dần dần mang chất học thuật, có chiều sâu triết lý, cảm xúc bay bổng, lắng đọng tâm hồn.

Từ nét chấm phá mộc mạc, dung dị mà chân thực trong cảm xúc âm nhạc của anh về một không gian vùng nắng lửa, sỏi đá khô căn mà người học viên sĩ quan Biên phòng từng nếm trải ở mảnh đất Sơn Tây trong những tháng ngày đổ mồ hôi, công sức rèn luyện trên thao trường (ca khúc "Đã rằng nề chi"; "Khúc ca học viên Biên phòng"); đến những cảm xúc mãnh liệt trước những hy sinh, thử thách của chiến sĩ Biên phòng và nhân dân các dân tộc vùng biên giới, những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ hòa quyện vào cuộc sống, chiến đấu của họ: "Chân đạp mây bay/tóc vờn gió núi... Chan chứa tình yêu thương/Biên giới là quê hương... Xin hiến dâng tuổi xuân/Giữ trọn từng tấc đất nơi biên thùy" (ca khúc "Khúc hát lính Biên phòng" - Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

Giai điệu biên cương hòa theo bước chân tuần tra của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Ảnh: Đình Phúc

Khi đã là cán bộ chỉ huy Biên phòng ở địa bàn Tây Bắc hay Đông Bắc Tổ quốc, anh hăm hở đi vào thực tế cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ của các đơn vị Biên phòng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực biên giới. Thấu hiểu cuộc sống chiến đấu của chiến sĩ, cảm động trước những tình cảm, ân tình của đồng bào, cảm xúc nghệ sĩ của Vũ Hiệp Bình lại thăng hoa: "Vành ô lượn múa theo tiếng khèn" (ca khúc "Chiến sĩ Biên phòng và mùa Xuân"); "Xuân Nha, Pa Khôm, Nà Đít, qua Chiềng Khương đến Mường Lèo..." (ca khúc "Người ơi, người ở"). Đặc biệt, ca khúc "Chiều biên giới" (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã thể hiện hết chất lãng mạn, bay bổng, tình tứ nhưng cũng rất lạc quan của vị chỉ huy - nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình.

Khi là vị tướng, Phó Chính ủy BĐBP, anh được Thường vụ Đảng ủy BĐBP phân công chỉ đạo công tác tư tưởng - văn hóa. Là người có nhiều đóng góp xây dựng chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương "xây dựng điểm sáng văn hóa trên biên giới, biển, đảo"; "xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới", Vũ Hiệp Bình đi nhiều, có mặt ở những giai đoạn khó khăn nhất của phong trào. Anh đã đi bộ vào những bản làng heo hút nhất của Mường Tè (Lai Châu), Y Tý (Lào Cai), Bảo Lạc (Cao Bằng), Mường Lát (Thanh Hóa)... Dấu chân anh đã đến các đảo Cô Tô, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc, quần đảo Trường Sa...

Dường như sự dấn thân vì nhiệm vụ chung càng làm cho cảm xúc của anh dâng trào, sáng tác của anh thời gian này đã vượt khỏi lĩnh vực biên phòng, mà "lấn sân" sang nhiều đề tài khác, cũng đạt hiệu quả cao, như các ca khúc: "Bài ca Trường Sa"; "Bài ca Kiểm toán viên Nhà nước"; "Bến dân ca"; "Hành khúc người lính không mang quân hàm" và nhất là ca khúc "Tây Hồ hoài niệm" (Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam) - một ca khúc đánh dấu thành công của anh trong việc xử lý chất liệu dân ca nhuần nhụy mà sâu lắng, thể hiện độ chín trong tư duy nghệ thuật, được bạn nghề đánh giá cao. Cũng cần nói thêm rằng, tình cảm của anh dành cho những người thân yêu cũng được thể hiện ở "Niềm vui cô gái thống kê" (nơi công tác trước đây của chị Cường, vợ anh) và "Em chào năm học mới" cho cháu nội Vũ Nguyên Khánh.

Nếu như sáng tác âm nhạc là bề nổi, thì thơ anh là giọng điệu thâm trầm, sâu lắng. Như dòng sông ầm ào sóng nhạc, thì lòng sông từng hạt phù sa thơ ca lặng lẽ đắp bồi cho cảm xúc của người nghệ sĩ. Thơ Vũ Hiệp Bình cũng vậy, không ồn ào, khoa trương chỉ như những mạch nguồn lặng lẽ: "Nếu Tổ quốc là tình yêu bất tử/Là cội nguồn vô tận của thơ ca/Là gia tài truyền lại của ông cha/Thì biên giới - nơi bắt đầu Tổ quốc" (thơ "Tổ quốc, biên giới và người chiến sĩ Biên phòng"). Hầu hết ca từ cho ca khúc âm nhạc đều gần gũi với thơ, nên cảm xúc nên những vần thơ của anh luôn có giai điệu âm nhạc. Thơ và nhạc trong tâm hồn, cảm xúc của Vũ Hiệp Bình luôn hòa quyện vào nhau....

Cuộc đời Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình gắn bó trọn vẹn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Với trọng trách được giao, ở cương vị nào anh cũng đau đáu, tận tụy, hết lòng vì nhiệm vụ chung, khi mắc bệnh hiểm nghèo, những tháng ngày cuối cùng anh vẫn trăn trở những điều còn dang dở... Cùng với chức trách, nhiệm vụ chính trị đầy trách nhiệm, "thiên chức" nghệ sĩ trong anh luôn say sưa miết mải. Sống và viết đối với anh như là lẽ tự thân. Chính vì vậy, những ca khúc, bài thơ của anh luôn được lưu giữ trong lòng người đọc, người nghe với nhiều cảm tình và mến mộ.

Trung tướng Phạm Huy Tập, nguyên Chính ủy BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thieu-tuong-nhac-si-vu-hiep-binh-su-hoa-quyen-giua-nhac-va-tho-post472943.html