Thiếu tướng, Nhà văn Nguyễn Chí Trung: Chiến công và giai thoại

Thời chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Chí Trung ở chiến trường gian khổ ác liệt Khu 5, tuy viết không nhiều, song các tác phẩm của bác đều được dư luận đánh giá cao về chất lượng.

Ngày trước, tôi hay giáp mặt bác Nguyễn Chí Trung. Mỗi khi tôi đi công tác về, gặp lúc bác đang đứng vẩn vơ dưới bóng cây đại già ở cổng tòa soạn Văn nghệ quân đội (VNQĐ), bao giờ bác cũng kéo tôi lại hỏi vài câu: "Buổi ngăn sông Đà có vui không, liệu hồ thủy điện sau này có đủ khả năng cắt lũ cho hạ du không? Anh đi làm việc với nhà máy quân giới về à, có thấy sự đổi mới hiện đại hóa trong dây truyền sản xuất, liệu Quân đội ta có đủ khả năng tự sản xuất các loại vũ khí hiện đại không? Mùa này ở vùng bãi nổi Đồng Tháp Mười là có sếu đầu đỏ về ăn cỏ năn đấy, vào đấy anh có gặp đàn nào...?". Bởi tôi làm việc ở Báo Quân đội nhân dân, nhà số 8 phố Lý Nam Đế, bác là hàng xóm kề bên, từ nhiều năm nay sống trong một căn buồng nhỏ ở VNQĐ, thỉnh thoảng buổi chiều thư giãn bác hay ra đứng trước cổng, hễ gặp tôi đi ngang qua là túm lấy hỏi những chuyện về thời cuộc kiểu như vậy.

 Nhà văn Nguyễn Chí Trung bế chắt nội (năm 2015).

Nhà văn Nguyễn Chí Trung bế chắt nội (năm 2015).

Tính ra tôi gặp bác trong quãng thời gian rải ra khoảng 10 năm, từ lúc ve áo bác đeo quân hàm Thượng tá, Phó tổng biên tập Tạp chí VNQĐ, đến lúc ve áo bác đeo Thiếu tướng, là trợ lý cho Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Mà chẳng khi nào nói chuyện được lâu quá mười lăm, hai mươi phút, tôi thì nghĩ được bác quan tâm hỏi han vậy cũng là vui rồi!

Đến giữa năm 2012, lúc tôi đã nghỉ hưu được mấy năm, trong một lần tình cờ gặp bác ở trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), tôi liền lấy trong cặp ra cuốn tiểu thuyết mới in còn thơm mùi giấy mực, tựa là "Đánh đu cùng số phận" (NXB Văn học 2012), rút bút ghi thoắng mấy lời đề tặng, bác nhận gật đầu rồi "đút tọt" vào túi xách của mình.

Thế rồi sau đấy khoảng một tuần, Chi hội Nhà văn Quân đội họp tổng kết nhiệm kỳ, tôi đến nơi gặp bác ngồi lừng lững ở cửa hội trường, bác hỏi ngay: "Anh đã đọc cái truyện ngắn... ở VNQĐ số mới chưa?". Từ khi nghỉ tôi không có tạp chí này, nên bảo: "Em chưa ạ!". Bác gằn giọng, chết thật, viết còn sơ hở quá. Tôi chẳng hiểu gì cứ gật đầu chào bác, vào họp.

Đến phần phát biểu góp ý cho chi hội trong nhiệm kỳ hoạt động vừa qua, bác đứng lên nói gay gắt một thôi một hồi về truyện ngắn đó, phân tích chủ đề tư tưởng của truyện bác cho là chưa chuẩn mực, mà có lúc không kìm được bác hét váng cả hội nghị. Anh Ngô Vĩnh Bình ngày ấy là Tổng biên tập kiêm chi hội trưởng, mấy lần muốn cắt lời bác không được, đã vụt đứng lên cũng to tiếng chỉ tay bắt bác phải dừng lại ngồi xuống, có lẽ đấy là lần bất kính hy hữu của anh với một bậc trưởng thượng như bác.

Đại tá, nhà văn Vũ Thị Hồng ngồi bên nói với tôi: “Tính bác Trung hay bất chợt nổi đóa thế đấy”. Chả là những năm trước 1975 chị cũng ở trại viết Quân khu 5, bác là Trung tá, Trưởng tiểu ban văn nghệ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5, cấp trên nên các trại viên khá là thuộc tính nết thủ trưởng. Tôi còn được anh bạn viết ở VNQĐ cho biết, trong đời thường bác hay có những “bất thường” kiểu như vậy và còn có cả những chuyện “thật như đùa” nữa. Chẳng hạn, hồi ở cứ, bác để ý đến một cô còn khá trẻ, khi cô đi học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, bác hẹn gặp ở cửa rừng và trao một món quà kỷ niệm gói kỹ, giở ra là cuốn... điều lệ Đảng.

Thời đánh Pôn Pốt ở Campuchia, bác lăn lộn với chiến trường quen thân người lính đến nỗi, một lần trực thăng đưa cán bộ về nước có việc gì đó bác ra chậm vài phút, máy bay cất lên cao rồi, bác vẫy vẫy mũ cối mấy cái, anh phi công liền hạ máy bay xuống đón (Vẫy được cả máy bay trên trời, trường hợp của bác quả là hiếm thấy!).

Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh, trong hồi ký Một thời trận mạc có nhắc đến người bạn cùng chiến trường Nguyễn Chí Trung: “Năm đó anh đã ngoài 50 tuổi, nhưng không vợ con, không nhà riêng, chẳng có tài sản gì đáng kể chỉ có một cái tủ cá nhân chứa đầy sách. Chúng tôi thường trao đổi tâm đầu ý hợp nhiều chuyện, duy chỉ có chuyện vợ, nhắc đến là anh gạt đi. Lại có người bảo anh Chí Trung ái nam ái nữ nữa chứ. Một lần anh cùng tôi xuống cao điểm 492, nơi anh em đang chốt giữ. Muốn xuống đó phải lội qua sông. Sông sâu ngang bụng phải cởi quần lội qua. Ở đây toàn ta với ta nên cứ cởi hết, vượt qua. Tôi dặn anh em: Quan sát anh Trung xem thế nào nhé. Lúc đầu anh Trung ngại không cởi. Tôi bảo, ở đây chỉ ta với ta, xuống chốt vài ngày lấy đâu ra quần áo mà thay. Cuối cùng anh cũng cởi và lội qua. Sau chuyến đi đó, chúng tôi kết luận: Anh Trung vẫn bình thường”.

Đấy là những chuyện đời thường, ngoài lề. Đặc điểm nổi bật trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Chí Trung là tận tụy với công việc, chiến đấu dũng cảm, quên mình vì Tổ quốc và nhân dân.

Nhà văn sinh năm 1930 tại Hòa Phước, Hòa Vang, Quảng Nam. 16 tuổi nhập ngũ, làm liên lạc sau đó là tuyên truyền viên thuộc Phòng Chính trị, Khu 6. Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, bác tập kết và học Trường Sĩ quan Lục quân (Khóa X). Bác trở lại miền Nam chiến đấu rất sớm, là Thượng úy, Ủy viên Ban biên tập Báo Quân Giải phóng Khu 5. Những năm ở chiến trường bác cầm bút là “phụ” thôi, chủ yếu đi cơ sở, nhiều khi cầm súng trực tiếp chiến đấu.

Đại tá, Nhà văn Lương Sĩ Cầm, bạn tâm giao với bác từ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã kể trong một bài viết: “Đầu năm 1947, thủ trưởng chúng tôi là nhà thơ Trần Mai Ninh, Trưởng ban tuyên truyền Khu 6 cử hai chúng tôi xuống tiểu đoàn 4 Lư Giang tham gia trận đánh đồn Phú Cốc. Đơn vị phát cho mỗi người hai quả lựu đạn và con dao găm. Nhiệm vụ là từ trên cao ném lựu đạn vào xe cơ giới địch. Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, bạn Trung đã làm nổ tung một xe cơ giới địch... Còn có hai chuyến đi mặt trận của Nguyễn Chí Trung gây ấn tượng mạnh cho cơ quan phòng chính trị Liên khu 5. Chuyến thứ nhất anh vào mặt trận Đèo Cả, đi qua vùng không người ở ngoại vi đồn Núi Hiềm, cùng du kích trinh sát cách bố phòng của địch để cung cấp thông tin cho bộ đội sau đó hạ được đồn. Chuyến thứ hai, anh ra mặt trận Quảng Nam, len lỏi vào vùng địch hậu thành phố Đà Nẵng để tìm hiểu dân tình. Lòng dũng cảm cùng sự xông xáo của anh để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi. Sau này, trong hai cuốn tiểu thuyết "Trận đầu" và "Đèn kéo quân" tôi đã lấy anh làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật”.

Nhà văn Nguyễn Bảo một thời là “lính” của bác Nguyễn Chí Trung, cũng đã từng lấy “thủ trưởng” làm nguyên mẫu cho một nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết Thượng Đức của anh. Trận ấy nhà văn Nguyễn Chí Trung vốn am tường địa hình, lại đã tham chiến một số trận công kiên đồn địch, nên với tư cách là “phái viên của Quân khu” đã góp ý với người tiểu đoàn trưởng, chọn hướng cửa mở khác, trận đánh kết thúc thắng lợi, ta ít tốn xương máu...

Thời chống Pháp và chống Mỹ, nhà văn Nguyễn Chí Trung ở chiến trường gian khổ ác liệt Khu 5, tuy viết không nhiều, song các tác phẩm của bác đều được dư luận đánh giá cao về chất lượng. Văn bác chắt lọc súc tích, có chất trí tuệ và hầu như không cần phải hư cấu, cứ bê nguyên mẫu những con người bình dị, gan dạ, giàu lòng yêu nước mà bác từng sống chiến đấu cùng họ, đưa lên trang giấy là thành tác phẩm xuất sắc. Đó là: Đà Nẵng (bút ký, 1950); Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964); Hương cau (truyện ngắn, 1975); Khi dòng sông ra đến cửa (ký, 1981); Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, 2007)...

Sau ngày nước nhà thống nhất bác không nghỉ ngơi, nhà văn-chiến sĩ ấy lại có mặt ở điểm nóng biên giới Tây Nam và chiến trường Campuchia. Trong trận đánh Pôn Pốt ngày 29-3-1986, bác đã bị thương khá nặng. Nhà thơ Thu Bồn cũng đi thực tế chiến trường chuyến ấy trong một bài viết đã kể lại sự việc: “Nguyễn Chí Trung mải cùng một phân đội giang thuyền tiến sâu vào sào huyệt bọn Pôn Pốt, trúng ổ phục kích, một viên đạn quân thù xuyên qua phổi đi tiếp làm gãy cánh tay phải của anh. Người chỉ huy giang thuyền phải lấy lá cờ chiến thuyền mới băng nổi máu trào ra từ ngực anh. Một chiếc trực thăng từ mặt trận đến cấp cứu. Người lái phụ dao động trước trận chiến ác liệt định cướp máy bay qua Thái Lan. Hắn ta đã đạp hai chiến sĩ bảo vệ rơi xuống máy bay và cưỡng chế buộc một bác sĩ phải nhảy xuống bãi lầy. Người lái chính đã nhanh ý kéo cần lái cho máy bay đâm xuống sông. Một chiếc trực thăng khác được lệnh cất cánh, cứu được Nguyễn Chí Trung...”.

Hôm ấy, sau cuộc họp của chi hội Nhà văn Quân đội, bác ra về gặp tôi, bảo nhỏ: Vào chỗ mình, có chuyện này muốn nói với Phạm Quang Đẩu. Vừa ngồi vào bàn tiếp khách, tôi tưởng bác có vài lời phàn nàn về sự việc vừa xảy ra trong cuộc họp, thì bất ngờ bác lấy trong tủ một tấm ảnh đưa tôi và bảo rằng, mình vừa nhận được tin buồn về Alăng Bhuôch. Tôi nhìn ảnh, hẳn người trong ảnh đứng bên bác là Alăng Bhuôch: Cao gầy, mặc cái áo phông cũ, đôi mắt bị mù lòa. Tôi phải thú thực là chưa từng biết gì về Alăng Bhuôch. Nhà văn Nguyễn Chí Trung nói ngay, đây là một anh hùng tải đạn độc nhất vô nhị trên thế gian này. Suốt từ năm 1958 đến năm 1972, riêng Alăng Bhuôch với cây gậy nhỏ dẫn đường đã gùi được tổng cộng 182 tấn hàng là vũ khí và lương thực cho bộ đội giải phóng. Ông ấy là nguồn cảm hứng cho tôi viết truyện "Chỉ có hai người" thông qua nhân vật Kơ Liu, tiếng Cơ Tu, Kơ Liu nghĩa là mù...

Nhà văn Nguyễn Chí Trung và anh hùng tải đạn Alăng Bhuôch (Năm 2012).

Nhà văn Nguyễn Chí Trung và anh hùng tải đạn Alăng Bhuôch (Năm 2012).

Nhà văn im lặng rót nước mời tôi, sự đau buồn hiện rõ trên đôi mắt có ngấn nước, và nhỏ nhẹ kể: “Alăng Bhuôch kém tôi 1 tuổi, ông vừa qua đời tại quê ở tuổi 84. Ông sinh ra trong một gia đình Cơ Tu, làng A Dứt, xã A Vương, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Tôi lần đầu gặp ông trên dãy Trường Sơn, lúc ông đang tải đạn cho bộ đội trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968). Theo lời ông kể, thì năm 10 tuổi, hai mắt bị đau kéo dài nhiều tháng, thầy lang trong bản nhỏ một loại nước giã từ rễ cây rừng, mắt sưng vù, cứ mờ dần đến khi không nhìn thấy gì nữa. Thời kỳ giặc Mỹ tàn phá quê hương, ông nhiều lần nghe tiếng máy bay gầm rú trên trời, tiếng trực thăng phành phạch rà sát ngọn cây, tiếng bom nổ rền, dân làng báo là nhà Gươn bốn mái bị bay tung rồi, nhà dài mấy chục sải tay cũng bị cháy rụi rồi. Ngày ấy ông cùng một số bà con chạy được vào rừng, tụ tập lại bảo nhau gùi vũ khí, lương thực cho bộ đội đánh giặc. Alăng Bhuôch cũng muốn đi gùi, nhưng nhiều người e ngại, mù hai mắt sao lội được suối, leo được dốc, luồn được bụi rậm? Ông nói: Cái mắt mình chết, nhưng mình không chết. Ngày với mình cũng là đêm thôi, mình còn gùi được cả ban đêm nữa. Không cho mình đi, nếu giặc đến nó có tha cho người mù như mình không? Cái lý ấy đã thuyết phục được mọi người, ông tham gia đoàn dân công tải đạn".

Những ngày đầu, trên vai hàng nặng 30-40kg ông theo không kịp, nhiều lần bị rớt lại, nhưng ông không chịu bỏ cuộc. Với cây gậy gỗ nhỏ trong tay, ông đã vượt qua bao trở ngại trên đường, để cũng đến được đích như mọi người. Năm 1963, đoàn dân công của Alăng Bhuôch được điều đi tải súng đạn từ trạm A Rớt, xã A Nông đến trạm Cơrveh xã A Tiêng. Ông được bổ sung vào đoàn Trung Sơn thuộc tỉnh đội Quảng Đà, vận chuyển vũ khí, lương thực cho kho 31 đóng tại hang Khỉ ở giữa huyện Hiên (Quảng Đà) và huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế).

Trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông gùi liên tục cả ngày lẫn đêm, lúc nào trên vai cũng có 70kg vũ khí. Có lúc ông còn cõng cả thân và đầu súng DKZ nặng ngót trăm cân. Sau chiến dịch năm ấy, ông đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Quân khu 5. Năm 1972, miền Tây Quảng Nam giải phóng, Alăng Bhuôch trở về quê cùng bà con xây dựng lại bản làng. Ông leo lên tận đầu nguồn thác tìm nước đưa về đồng ruộng, tự bỏ tiền túi mua ống nhựa dẫn nước và vận động mọi người trồng lúa nước, dẫn đầu huyện Tây Giang về tự túc lương thực.

Tháng 8-2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và sách Kỷ lục Việt Nam công nhận ông là dân công mù vận chuyển số vũ khí, lương thực lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Lần cuối cùng tôi gặp Alăng Bhuôch là lúc ông đã bị bệnh nặng, đi lại khó khăn. Ông bảo vợ lấy ra hai thứ mòn bóng dấu tay: Cây gậy gỗ và cây đàn Tâm Brê. Gậy là “con mắt” dò đường. Đàn Tâm Brê, chỉ riêng người Cơ Tu có. Những khi nghỉ giải lao trên đường ông thường đàn cho dân công, bộ đội nghe cho đỡ mệt. Ông run run cầm hai thứ đó trao tận tay tôi, không nói lời nào. Tôi cảm nhận được đầy đủ sự tin cậy của tình bạn, tình đồng chí. Khi trở về Hà Nội, tôi đã đem hai kỷ vật ấy tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Đó là hình ảnh sống động của người anh hùng huyền thoại từng bao năm nhẫn nại, gan góc đi tải đạn giữa đại ngàn Trường Sơn”.

Khi tôi ra về, bác lấy ra trong tủ sách tặng tôi một tập truyện-ký mới xuất bản trong đó có truyện ngắn về Kờ Liu, người tải đạn mù lấy từ nguyên mẫu anh hùng Alăng Bhuôch, đoạn kết thật cảm động: “Ngày giao hàng, nghĩa là ngày giao đạn, giao súng ríu ran tiếng người con gái Kinh, Tiểu đoàn cô Thao đó mà! Họ reo: Kờ Liu ơi! Người con gái Kinh không thua con trai Kờ Tu mô, con gái Kinh sẽ cõng viên đạn ĐKB của Kờ Liu về tận Hòa Hải bên sông Cổ Cò... Khi Liêm và Kờ Liu ngồi trò chuyện trong chòi riêng, người ở dưới xa vẫn đang chờ. Dù ngày, đối với Kờ Liu cũng là đêm. Đêm đen mù mịt nhưng đối với Kờ Liu lại là ngày. Đôi mắt Kờ Liu chết, mà Kờ Liu còn, lòng anh không chết. Tiếng hát của Kờ Liu lại nghẹn ngào. Tiếng đàn cũng nghẹn ngào theo”.

Đến lúc chia tay tôi vẫn không dám hỏi bác, đã đọc Đánh đu cùng số phận của em chưa? Đây là tiểu thuyết tôi viết về thời hiện đại, con người bị tha hóa do nhiều thứ, trong đó có sự lạm dụng tình dục một cách quá thái trở nên vô đạo đức, cái chủ đề tuy chẳng có gì mới nhưng có tính thời sự. Cuốn sách vừa ra đã bán chạy, số lượng phát hành gấp đôi bình thường. Tôi đồ rằng, bác đã đọc nhưng đấy không phải chủ đề bác quan tâm vì thế chẳng có gì để nói lại với tôi.

Bác Nguyễn Chí Trung sống độc thân, lúc cuối đời đau yếu bác có bạn bè cháu chắt luôn bên cạnh nâng giấc. Ngày bác cấp cứu vào Viện Quân y 108, nằm thiêm thiếp mê man một thời gian. Biết mình sắp đi xa, lúc khỏe lại bác có nguyện vọng muốn trở lại căn nhà của mình trong TP Hồ Chí Minh - hồi bác còn ở Mặt trận 719 Campuchia hay đi về. Một ngày cuối mùa xuân 2016, bác đã ra đi mãi mãi, hẳn hồn bác trên cao xanh kia sẽ tìm gặp lại người thầy đầu tiên về văn học, nhà thơ, liệt sĩ Trần Mai Ninh, cùng bao bạn văn chiến đấu một thời như: Thu Bồn, Phan Tứ, Nguyễn Mỹ... Và cả với người bạn già, anh hùng tải đạn Alăng Bhuôch nữa, cũng vừa về cõi thiên thu trước bác không lâu.

PHẠM QUANG ĐẨU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-nha-van-nguyen-chi-trung-chien-cong-va-giai-thoai-741031