Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh: Sâu sát, gắn bó địa bàn làm dân vận

Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh, Chính ủy Quân đoàn 3, đó là sâu sát, gắn bó địa bàn, đến với đồng bào, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để tuyên truyền, vận động nhân dân giúp đỡ bộ đội, ủng hộ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

 Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh.

Lần đầu tiên tôi gặp Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh vào năm 2008, khi đó, anh mang quân hàm Thượng tá, Phó trưởng phòng Tuyên huấn thuộc Cục Chính trị, Quân đoàn 3. Anh Nguyễn Văn Lanh thông tin cho tôi nhiều mô hình, cách làm hay của các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đoàn, nhất là trong công tác dân vận.

Hồi đó, các đơn vị Quân đoàn 3 đã thành lập và cử hàng chục Đội công tác 123 đến cơ sở làm công tác dân vận. Gọi là Đội công tác 123 vì các đội thành lập để thực hiện Chỉ thị số 123/2002/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về “Tổ chức và hoạt động của các đội công tác tăng cường cơ sở” giai đoạn 2002-2012.

Các đội công tác 123 hoạt động hiệu quả, góp phần tạo niềm tin và cầu nối giữa người dân với Đảng, với cấp ủy, chính quyền địa phương. Cán bộ, nhân viên Đội công tác 123 của Quân đoàn 3 tích cực học tiếng, nắm bắt phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn. Với chức trách, nhiệm vụ được giao, anh Lanh thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, các tập thể, cá nhân làm tốt để tham mưu với trên biểu dương, khen thưởng; xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình ra toàn Quân đoàn.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tập bài của cán bộ chính trị. Ảnh: Nguyễn Anh Sơn

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tập bài của cán bộ chính trị. Ảnh: Nguyễn Anh Sơn

“Đặc điểm đóng quân của Quân đoàn trải rộng trên địa bàn Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn rất nhiều khó khăn. Kẻ thù luôn lợi dụng những yếu kém trong quản lý, đầu tư và đời sống khó khăn của nhân dân để kích động, lôi kéo người dân chống phá Đảng, Nhà nước; thậm chí manh động phá hoại trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn xác định phải làm tốt, nâng cao chất lượng công tác dân vận, đưa các nội dung, việc hoàn thành công tác dân vận là một trong những tiêu chí bình xét phong trào thi đua và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Là chỉ huy Phòng Tuyên huấn, tôi tham mưu với cấp trên khi lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương; tiến hành tuyên truyền, vận động nhân dân nghe, tự giác chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Để tuyên truyền, vận động hiệu quả, một mặt Quân đoàn tổ chức các lớp tập huấn nội dung, phương pháp và học tiếng đồng bào dân tộc tập trung; các cơ quan, đơn vị tổ chức học tiếng tại chỗ, nơi nào có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì ưu tiên học tiếng dân tộc đó”, anh Nguyễn Văn Lanh cho biết.

Những kinh nghiệm trong tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào được anh Nguyễn Văn Lanh tích lũy qua những năm tháng và trên từng cương vị công tác. Anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Phòng không (nay là Học viện Phòng không-Không quân) năm 1988, được điều về giữ cương vị Trung đội trưởng Trung đội súng máy 12,7mm thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.

Về đơn vị mới nhận nhiệm vụ, cũng là khi toàn Quân đoàn đã hành quân từ miền Bắc trở lại đứng chân trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lanh có chuyên môn tốt trong huấn luyện quân sự, đồng thời còn làm tốt việc giáo dục, nắm tư tưởng, động viên bộ đội và năng nổ công tác Đoàn Thanh niên, nên hơn 3 năm sau, anh được trên lựa chọn đi đào tạo lớp cán bộ chuyển loại chính trị.

Từ ấy, anh gắn bó với nghiệp vụ của người cán bộ công tác Đảng, công tác chính trị. Anh từng đảm nhiệm các cương vị ở cơ sở như Phó đại đội trưởng về chính trị, Phó tiểu đoàn trưởng về chính trị, Phó trung đoàn trưởng về chính trị; là chỉ huy cơ quan chính trị Sư đoàn 10; Phòng Tuyên huấn, Phòng Cán bộ thuộc Cục Chính trị, Quân đoàn 3. Khi được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3, anh đang giữ chức vụ Chính ủy Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3). Trong 2 năm (2020-2021), anh lần lượt giữ các chức vụ Phó chính ủy, Chính ủy Quân đoàn 3 và được phong quân hàm Thiếu tướng năm 2021.

“Từ khi là cán bộ sĩ quan đến nay, ngoài mấy năm đi đào tạo ở các học viện quân đội và Trường Cán bộ Thanh Thiếu niên Trung ương (nay là Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam), cả cuộc đời tôi gắn bó với vùng đất Tây Nguyên. Tôi nhớ những năm 1994-1995, khi tôi là trợ lý Phòng Chính trị Sư đoàn 10, tôi thường xuyên tham gia các đoàn công tác của sư đoàn, Tỉnh đoàn Kon Tum đi làm công tác dân vận, tuyên truyền và giúp đỡ đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Những đợt đi công tác kéo dài hàng tháng, thậm chí từ 3 đến 6 tháng, để giúp đồng bào ổn định đời sống; giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Tôi nhớ đợt đi công tác dân vận ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum), đoàn chúng tôi chia nhau ở nhà dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Chúng tôi không nề hà công việc nặng nhọc, khó khăn. Ban đầu, bà con còn ngại ngần, chưa muốn tiếp xúc với cán bộ, bộ đội, song chúng tôi đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giúp dân sửa nhà, vệ sinh môi trường, làm đường giao thông, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Bà con từ đó quý mến, khi chia tay thì lưu luyến, cứ muốn bộ đội, cán bộ đoàn công tác ở thêm thời gian với bản, với xã", Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh tâm sự.

- Trưởng thành từ cán bộ cơ sở, kinh qua nhiều cương vị công tác, vậy điều quan trọng nhất khi tiến hành công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn Tây Nguyên là gì? Tôi hỏi Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Lanh trả lời luôn: "Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ của Quân đoàn và trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân đoàn 3, tôi cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện nhiệm vụ. Cùng với làm tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu, thì công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị an toàn trên địa bàn đóng quân là nhiệm vụ rất quan trọng. Khi tổ chức bộ đội đi làm dân vận, trước hết cơ quan, đơn vị phải quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương để xác định nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Trên cơ sở nội dung, địa điểm, kế hoạch thời gian xác định, cơ quan, đơn vị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ tham gia đoàn công tác phù hợp; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn dân vận và hướng dẫn xử lý các tình huống. Đến địa phương, đoàn công tác phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, mời cán bộ và các tổ chức đoàn thể quần chúng ở địa phương tham gia, tránh việc bộ đội làm, nhân dân địa phương đứng xem… Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời sau mỗi đợt, mỗi đoàn công tác, để phát huy ưu điểm, khắc phục những điểm yếu tồn tại.

Trong tiến hành công tác dân vận, nhất là khi tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phải kiên trì, lắng nghe và giải quyết thấu đáo những kiến nghị, thắc mắc của người dân. Tôi có kỷ niệm sâu sắc vào năm 2010, khi đó tôi là Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 10, được giao làm trưởng đoàn công tác vận động cán bộ, nhân dân xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, tham gia giải phóng mặt bằng để xây dựng doanh trại, di chuyển Trung đoàn 66 về vị trí mới. Đoàn công tác gồm 5 đồng chí. Ở đây, đoàn gặp khó khăn khi đến buôn Săm B, bà con ban đầu cơ bản chưa nhất trí trong việc giải phóng mặt bằng. Bà con thường đi làm từ sáng sớm, chiều về mới nấu nướng, sinh hoạt gia đình. Tôi chỉ huy đoàn công tác kiên trì tìm cách tiếp cận bà con, trước hết là vận động, kết hợp với cán bộ cấp ủy, trưởng bản, già làng để vận động. Chúng tôi cùng ăn ở với bà con địa phương, giải thích, vận động, cuối cùng các hộ dân của buôn Săm B nhất trí, giao lại đất cho bộ đội xây dựng doanh trại. Đoàn công tác hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 và chỉ huy Sư đoàn 10 khen thưởng”…

Bài, ảnh: ĐÌNH XUÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-nguyen-van-lanh-sau-sat-gan-bo-dia-ban-lam-dan-van-755270