Thiếu tướng Huỳnh Thủ - Người hết lòng vì thế trận Biên phòng

Gần 50 năm hoạt động cách mạng, trong đó 25 năm gắn bó với biên cương, với lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Thiếu tướng Huỳnh Thủ dấu ấn ông để lại là hình ảnh sâu đậm luôn sống mãi trong tâm trí đồng đội.

Thiếu tướng Huỳnh Thủ sinh ngày 15-9-1915 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Quê nghèo, năm 14 tuổi ông phải bỏ học vào Sài Gòn kiếm sống, làm phu khuân vác, thợ giặt ủi, bốc hàng thuê ở bến cảng, đã khiến người thanh niên trưởng thành trong muôn vàn cực nhọc, gian khó, sớm tiếp cận được tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân. Tháng 8-1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và bị địch bắt năm 1942.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ông và đồng đội được cách mạng đón về. Với niềm tin tưởng vào người cán bộ được thử thách, tổ chức đã giao cho ông đảm trách công tác quân sự ở mặt trận Cần Thơ, Hậu Giang, Rạch Giá... Khí thế tiến công như bị nén lại bấy lâu, cộng với mưu trí, khéo léo đọ sức với quân thù khi ở Côn Đảo, ông đã mau lẹ tính kế luồn sâu vào lòng địch, "xả một trận cho chúng biết tay". Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành tốt. Trận đánh nào ông cũng làm cho kẻ địch tổn thất nặng nề.

Cuối năm 1946, đoàn quân chân đất của ông trên danh nghĩa là "Chi đội vũ trang tuyên truyền", được lệnh tiến quân. Vũ khí thô sơ, chỉ đại đao, phi tiêu, mã tấu... nhưng nhiệm vụ lại quá nặng nề: Diệt tề, trừ gian, xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng. Tháng ngày đơn vị ông luồn vào tận các khóm ấp, vừa tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ quyết tâm chống Pháp bảo vệ nền độc lập, vừa xây dựng cơ sở chính trị, củng cố chính quyền.

 Thiếu tướng Huỳnh Thủ, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (1980-1981). Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Huỳnh Thủ, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (1980-1981). Ảnh tư liệu

Vùng sình lầy gian khổ, khó khăn, việc đi lại liên lạc giữa các cứ phức tạp, ông nhặt ra một nhóm trong số quân eo hẹp, tổ chức thành đội quân "cơ động chiến", nhằm nhanh chóng hỗ trợ các căn cứ khi cần. Và thực tế này đã được chứng minh trong nhiều trận đánh thắng lợi. Từ đó, cái tên "bộ đội ông Thủ" nổi danh khắp vùng rừng U Minh.

Năm 1950, ông được trên tín nhiệm giao chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn chủ lực miền Tây Nam Bộ, thuộc Quân khu 9. Lối đánh sở trường của ông là không dàn trận trực tiếp xáp mặt giáp lá cà, mà phân cụm, chia điểm, tập kích cắt rời đội hình địch, diệt gọn, rồi rút nhanh, đã nhiều lần làm cho địch bị động, lúng túng, trở tay không kịp. Năm 1951, ông được bổ nhiệm là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Cần Thơ. Ông giữ chức vụ này được gần 4 năm. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ông tạm biệt gia đình và quê hương yêu dấu, cùng đồng đội tập kết ra miền Bắc.

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời binh nghiệp của ông là ngày ông được Bộ Quốc phòng điều chuyển sang công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang theo Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 19-11-1958.

Với tinh thần trách nhiệm cao, vận dụng kinh nghiệm của những năm tháng trực tiếp tổ chức các đơn vị chiến đấu trên khắp chiến trường miền Tây Nam Bộ, cùng với đức tính thận trọng, chính xác, ông đã góp công rất lớn vào việc xây dựng bản "Đề án xây dựng lực lượng Cảnh vệ Nội địa và Biên cương", sau đổi thành lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Nhiệm vụ bảo vệ Nội địa được Đảng ta hết sức coi trọng. Nghị quyết số 58/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 nhiệm vụ cụ thể để lực lượng Công an nhân dân vũ trang tổ chức thực hiện. Ngày 23-4-1959, Bộ Công an đã ra Nghị định số 24, thành lập Cơ quan chỉ đạo công tác bảo vệ Nội địa, nằm trong Cục Tham mưu.

Với phương châm đánh địch từ xa, chủ động bảo vệ biên giới, đồng chí Huỳnh Thủ đã đề xuất với Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương triển khai hai hướng chiến đấu mang tính chất sách lược, rất có hiệu quả. Là cơ quan được Bộ tư lệnh giao theo dõi nắm tình hình địch và chỉ huy, chỉ đạo công tác chiến đấu, đồng chí Huỳnh Thủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng kết các trận đánh, từ đó rút ra ưu điểm, nhược điểm của ta trong chống gián điệp biệt kích và phát hiện quy luật hoạt động của địch, để kịp thời chỉ đạo các đơn vị. Sự chỉ đạo nhạy bén, kịp thời ấy đã giúp cho nhiệm vụ chống gián điệp biệt kích của lực lượng Công an nhân dân vũ trang giành thêm nhiều thắng lợi. Từ năm 1961 đến 1964, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã làm nòng cốt, cùng "phòng tuyến nhân dân" và các lực lượng khác, bắt 59 toán gián điệp biệt kích, gồm 427 tên, thu nhiều vũ khí, điện đài, phương tiện khác của địch, bảo vệ an toàn biên giới, bờ biển, nội địa, khu vực giới tuyến tạm thời.

Năm 1974, đồng chí Huỳnh Thủ được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Phó tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Trên cương vị mới, đồng chí Huỳnh Thủ đã chỉ đạo các tỉnh từ Lai Châu đến Quảng Ninh phát động phong trào "Toàn dân làm tốt công tác quản lý biên giới", nhằm phát huy sức mạnh nhân dân vào việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Năm 1975, đất nước thống nhất, nhưng ông vẫn chưa có được những giây phút nghỉ ngơi. Một dải biên giới phía Nam Tổ quốc còn đầy phức tạp; đang bỏ ngỏ, cần ông và đồng đội bảo vệ... "Phải tổ chức triển khai khẩn trương các đồn, trạm biên phòng toàn tuyến biên giới phía Nam!". Đó là nhiệm vụ và quyết tâm được xác định tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang và Tiểu ban An ninh vũ trang Miền, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Văn Tuy, Phó chính ủy, Bí thư Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang.

Với kinh nghiệm tổ chức xây dựng đồn, trạm ở các tuyến biên phòng phía Bắc, Phó tư lệnh Huỳnh Thủ lại một lần nữa được hội nghị nhất trí đề nghị chủ trì việc nghiên cứu hệ thống tổ chức các đơn vị phía Nam. Sau khi Bộ tư lệnh phát động phong trào "Hai tình nguyện", hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị phía Bắc đã tình nguyện lên đường nhận nhiệm vụ tại các tỉnh biên giới phía Nam. Một kế hoạch xây dựng đồn, trạm của tuyến biên phòng phía Nam cũng được triển khai thực hiện. Từ tuyến biên giới Việt - Lào, Việt Nam - Campuchia, đến tuyến bờ biển, hải đảo, các đơn vị bảo vệ cảng Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, có 143 đồn, 25 trạm và một số tiểu đoàn, đại đội cơ động cùng cơ quan thường trực đại diện Bộ tư lệnh ở phía Nam bắt đầu đi vào hoạt động.

Đến cuối năm 1975, lực lượng Công an nhân dân vũ trang cơ bản đã hoàn chỉnh bộ máy tổ chức, từ cơ quan Bộ tư lệnh đến các đồn, trạm biên phòng trong toàn quốc. Để đáp ứng kịp thời công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vùng mới giải phóng, đấu tranh chống lại kế hoạch "hậu chiến" của địch, được Bộ tư lệnh ủy quyền, ông đã trực tiếp chủ trì Hội nghị chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh, thành phía Nam để quán triệt tình hình và giao nhiệm vụ cho các đơn vị. Thay mặt Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh, ông nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo: Phải khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của gián điệp Mỹ và các thế lực thù địch; trấn áp kịp thời bọn phản động, tổ chức FULRO; cải tạo các phần tử xấu; tham gia đấu tranh chống các loại tội phạm hình sự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, đập tan mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của địch, góp phần tích cực xây dựng, ổn định các vùng giải phóng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng.

Nước nhà vừa giành được độc lập, thống nhất chưa được bao lâu thì đầu năm 1977 đã xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây - Nam do bè lũ Pôn Pốt gây ra. Bộ tư lệnh đã chỉ thị cho các đơn vị tuyến biên giới Tây Nam cảnh giác cao độ; điều Trung đoàn 2 ở tuyến biển lên Tây Ninh; thành lập Trung đoàn 4, cơ động hoạt động ở 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.

Đồng chí Tư lệnh Trần Quyết và Phó tư lệnh Huỳnh Thủ cùng đồng chí Phó tư lệnh Lê Thanh, phân công nhau đến các tỉnh và nhiều đồn biên phòng tuyến biên giới Tây Nam, kiểm tra, đôn đốc và bàn kế hoạch phối hợp với Quân khu V, Quân khu VII và Quân khu IX trong tổ chức hiệp đồng chiến đấu. Do chủ động chuẩn bị thế trận, các đồn biên phòng thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo là: táo bạo tiến công, chủ động phản tập kích, cơ động bám địch, đánh địch, nên đã cùng các lực lượng khác đánh bại các cuộc tấn công của địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Dưới chế độ diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt, leng Xa Ri, Khiêu Xăm-phon, đất nước Campuchia ngập trong đau thương và mất mát. Đáp ứng lời kêu gọi, lời đề nghị của cách mạng Campuchia; chấp hành Chỉ thị của trên, đầu năm 1979, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã tổ chức 8 trung đoàn, với hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ cùng Đoàn quân tình nguyện của Quân đội nhân dân Việt Nam sang làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Các đơn vị đã anh dũng chiến đấu, truy quét tàn quân, bảo vệ chính quyền các cấp và góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội, đồng thời triển khai giúp Bạn bảo vệ các tuyến biên giới.

Cũng trong thời điểm này, lực lượng công an nhân dân vũ trang phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc rất ác liệt, Phó tư lệnh Huỳnh Thủ đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo các đồn Biên phòng từ Quảng Ninh đến Lai Châu kiên cường bám trụ, đẩy lùi nhiều đợt tấn công với quy mô lớn của quân xâm lược, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một cố gắng rất lớn của Đảng ủy, Bộ tư lệnh, các cấp chỉ huy, trong đó có phần đóng góp tích cực, đáng ghi nhận của đồng chí Phó tư lệnh Huỳnh Thủ.

Khi tổ chức lực lượng dần ổn định, ông đã cùng Bộ tư lệnh ban hành nhiều chỉ thị về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; tổ chức huấn luyện cho các đơn vị luôn sẵn sàng chiến đấu cao, đồng thời chỉ đạo các đơn vị triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đấu tranh chống "Chiến tranh phá hoại nhiều mặt" của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới trong tình hình mới. Ông đã cùng một số cán bộ Tham mưu, Trinh sát xuống chỉ đạo trực tiếp các điểm xung yếu như Na Hình, Hành Thành (Lạng Sơn), Xín Mần, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) và một số điểm ở Cao Bằng... Đồng thời chỉ thị cho các đơn vị miền Trung và Tây Nguyên sẵn sàng truy quét địch, đấu tranh phòng chống kế hoạch "Lan tỏa dây chuyền" của địch. Từ đó, các đơn vị phía Bắc đã tập trung cao độ vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên phòng, phát hiện, truy bắt 59 vụ mệnh danh "Đội du kích Hoàng Văn Hoan", "Đội vũ trang cứu quốc"; phát hiện và vô hiệu hóa 28 vụ gián điệp Trung Quốc xâm nhập xây dựng cơ sở ngầm, 14 vụ âm mưu tổ chức gây bạo loạn.

Tháng 7-1981, Thủ tướng Chính phủ quyết định điều ông sang làm phái viên cho Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông công tác ở cơ quan Bộ Quốc phòng cho đến lúc nghỉ hưu. Trong hành trình tham gia cách mạng, ông đã có 23 năm gắn bó với biên cương, gắn bó với lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng. Trái tim ông luôn nhớ về một chặng đường vừa vất vả, gian lao, vừa nồng ấm nghĩa tình đồng đội.

Trung tướng Đinh Văn Tuy, một cộng sự đắc lực của Thiếu tướng Huỳnh Thủ (thời gian ở Cục Tham mưu), sau này giữ chức Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ: "Thiếu tướng Huỳnh Thủ là một người thẳng thắn, trung thực, giản dị và rất thực tế; có nhiều suy nghĩ sáng tạo và quyết đoán nhanh. Đồng chí là người hết lòng chăm lo xây dựng cho lực lượng, cả về tổ chức lực lượng và cả về kỹ chiến thuật, cùng với các phương án, thế trận chiến đấu phù hợp với thực tiễn của Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng".

SƠN TÙNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-huynh-thu-nguoi-het-long-vi-the-tran-bien-phong-768398