Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện- Tấm gương đoàn kết Việt - Lào

Nói về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: 'Đồng chí Hoàng Thế Thiện là một cán bộ cao cấp của Đảng, một vị tướng của Quân đội. Đồng chí đã từng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Đồng chí có ưu điểm nổi bật là dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu'

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (1922 - 1995) tên thật là Lưu Văn Thi, sinh trưởng ở thành phố cảng Hải Phòng. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, từng bị bắt giam tại các nhà tù của chính quyền thực dân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Đảng tin cậy giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, ở cương vị nào ông cũng thể hiện được bản lĩnh, tài năng, nhân cách và vai trò hạt nhân của một người tổ chức, chỉ huy xuất sắc. Đặc biệt là thời gian công tác và chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn từ tháng 5-1970 đến tháng 2-1975. Đồng chí Hoàng Thế Thiện lần lượt giữ các chức vụ: Phó chính ủy Mặt trận Nam Lào, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn kiêm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Khu vực 470, Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn. Tại chiến trường khốc liệt này, ông đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng cùng tập thể Bộ tư lệnh Trường Sơn mở rộng, phát triển tuyến chi viện chiến lược trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Thượng tá Hoàng Thế Thiện (hàng hai, thứ tư từ phải sang) vinh dự được chụp ảnh với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ trao quân hàm cho cán bộ cấp cao toàn quân tại Phủ Chủ tịch, ngày 22-12-1958.

Sinh thời, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng nhiều lần bày tỏ sự trân trọng đối với Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, người cộng sự ông hết mực tin tưởng. Ông kể: “Quân ủy Trung ương điều anh Thiện vào làm Phó chính ủy Bộ đội Trường Sơn, tham gia Đảng ủy, khi đó tôi là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Anh vào Trường Sơn giữa lúc tuyến chi viện đang phát triển mạnh cả thế và lực, nhưng phía đối phương cũng đang tăng cường đánh phá quyết liệt không kém. Bộ tư lệnh thường phân công anh và Phó tư lệnh Hoàng Kiện ở Sở Chỉ huy Tiền phương phụ trách bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân, dân bạn ở Trung, Hạ Lào; tổ chức các chiến dịch tác chiến để tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng và bảo vệ vững chắc tuyến hành lang chi viện chiến lược phía Tây, giúp xây dựng cơ sở cách mạng của bạn Lào. Anh là cán bộ chỉ huy chiến đấu giỏi, đã có công trong việc tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng và bảo vệ vững chắc tuyến hành lang đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn”.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên báo cáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chuẩn bị vận chuyển chiến lược cho Chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào. Đồng chí Hoàng Thế Thiện ngồi thứ hai, từ phải sang. Ảnh tư liệu

Với mưu đồ “trước hết phải cắt đứt vĩnh viễn tuyến chi viện chiến lược từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam và hai nước bạn”, để kéo dài chiến tranh, làm yên lòng ngụy quân, ngụy quyền, đầu năm 1971, Mỹ-ngụy và một số nước chư hầu đưa hàng chục vạn quân bao gồm hải, lục, không quân, đặc biệt là lực lượng trực thăng hùng hậu, tiến hành cuộc hành quân Lam Sơn 719 đại quy mô ở cả hai hướng Đông và Tây Trường Sơn. Ta mở chiến dịch phản công Đường 9-Nam Lào.

Bộ Chỉ huy chiến dịch phân công cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách đánh địch ở cánh phía Tây. Bộ tư lệnh Trường Sơn đã lập Chỉ huy sở Tiền phương đóng ở huyện Sê Pôn nằm trên Đường 9 của bạn Lào do đồng chí Hoàng Thế Thiện và Nguyễn Hòa phụ trách chỉ huy. Lực lượng gồm Sư đoàn 2 của Quân khu 5, Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam-Lào, các trung đoàn bộ binh, các trung đoàn cao xạ và lực lượng tác chiến tại chỗ của Bộ đội Trường Sơn. Sau hơn một tháng, ta dồn dập tấn công địch ở cả hai hướng, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, đập tan lực lượng trực thăng hùng hậu của chúng, giải phóng Mường Pha Lan, Mường Phìn (Lào). Quân địch hoảng hốt rút lui, tan tác “giấc mơ vàng” hòng cắt đứt vĩnh viễn tuyến chi viện chiến lược của ta.

Sau thắng lợi của chiến dịch Đường 9-Nam Lào, đồng chí Hoàng Thế Thiện cùng Sở Chỉ huy Tiền phương tổ chức đợt chiến đấu mới, tiêu diệt một số chiến đoàn chủ lực của quân ngụy Lào và quân Thái Lan, giải phóng Đồng Hến, đảm bảo an toàn cho hành lang phía Tây của tuyến chi viện chiến lược. Từ tháng 10-1971, đồng chí được phân công kiêm Chính ủy Sư đoàn 470, khu vực cuối của Đường Trường Sơn, trực tiếp phục vụ chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia. Thời gian này, địch đánh phá ác liệt khu vực Sư đoàn 470. Có lúc đường bị tắc, đơn vị thiếu xăng dầu, lương thực.

Với tư cách là một bạn chiến đấu, một cấp dưới của đồng chí Hoàng Thế Thiện, Đại tá Đồng Văn Thịnh, nguyên Tham mưu phó kiêm Trưởng ban Quân lực, Bộ tư lệnh Khu vực 470 (đã mất) từng kể với chúng tôi nhiều kỷ niệm về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong thời gian ở Bộ tư lệnh Khu vực 470. Đó là thời gian xa Tổ quốc, gian khổ, ác liệt, có nhiều sự kiện lịch sử mà Đại tá Thịnh và nhiều đồng đội không thể quên. Nhất là những hình ảnh về Chính ủy Hoàng Thế Thiện, ngay khi tới vị trí đóng quân của Bộ tư lệnh Khu vực 470 đã không hề cần thời gian nghỉ ngơi mà lập tức yêu cầu các đơn vị trong Bộ tư lệnh báo cáo, tìm hiểu tình hình thực tế ngay.

Đại tá Đồng Văn Thịnh nhớ lại: “Từ ngày tôi chia tay anh ở Cục Không quân đến khi gặp lại đã hơn 10 năm. Biết anh đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách, có lúc rất căng thẳng, nguy hiểm và gian khổ, tôi càng mến phục và tin tưởng anh. Từ ngày anh vào, Bộ tư lệnh Khu vực 470 có đủ Tư lệnh (anh Nguyễn Lang) và Chính ủy. Hai anh đều là cấp phó của Bộ tư lệnh Trường Sơn nên có quan điểm và nhận thức nhất quán, luôn tôn trọng và gần gũi nhau như hình với bóng. Anh Thiện là một Chính ủy rất xông xáo, sâu sát đơn vị. Tháng nào, anh cũng dành một đến hai tuần đi xuống các đơn vị cấp dưới. Anh thường yêu cầu tôi và anh Trần Hoàng-Trưởng ban Cán bộ cùng đi để tiện kiểm tra và nắm tình hình. Trên chiếc xe Gaz69, anh thường mời tôi cùng ngồi ghế đầu, anh Hoàng ngồi đầu ghế sau. Ba anh em ngồi sát nhau, nói chuyện rất vui. Anh không nề hà cấp trên, cấp dưới; thái độ luôn thoải mái, chân tình, cởi mở. Ba chúng tôi luôn nhất trí trong công tác và tâm sự đủ điều. Cứ như thế chúng tôi đi đến hết các binh trạm, trung đoàn của Bộ tư lệnh Khu vực 470 ở chiến trường K (Campuchia) và Hạ Lào, vượt qua bao gian khổ, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Nụ cười của Chính ủy Trường Sơn Hoàng Thế Thiện.

Cuộc chiến đấu ngày ấy vô cùng gian khổ, ác liệt. Đồng chí Hoàng Thế Thiện đã cùng tập thể Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn 470 tìm nhiều biện pháp đánh địch, tạo nhiều đường vòng, đường tránh, sử dụng đường thủy, sáng tạo trong tổ chức vận chuyển, tổ chức thu mua tại chỗ, làm thất bại âm mưu thủ đoạn của địch, hoàn thành vượt mức kế hoạch chi viện cho chiến trường mùa khô 1971 - 1972.

“Kết thúc đợt tổng công kích mùa khô 1971-1972, anh Hoàng Thế Thiện trở về Bộ tư lệnh Trường Sơn, được phân công chỉ đạo cụm Hạ Lào gồm Sư đoàn tình nguyện 968, Sư đoàn 471 phối hợp với lực lượng Pa-thét Lào mở rộng đợt tấn công mạnh quân ngụy Lào, giải phóng Saravan, Thà Teng, Pắk Xoòng, mở rộng vùng giải phóng của bạn ở Nam Lào”, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Trường Sơn (hiện đang sống ở thành phố Đà Nẵng) kể.

Tháng 5-1973, đồng chí Hoàng Thế Thiện được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh bổ nhiệm làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn, thay đồng chí Đặng Tính hy sinh trên đường công tác. Trong hồi ức của các cựu chiến binh Trường Sơn hôm nay, hình ảnh người Chính ủy luôn sâu sát cơ sở, xuống trực tiếp những nơi có khó khăn, ác liệt như các trọng điểm Chà Là, Phu La Nhích, Ta Lê, Cua chữ A, Dốc 68... để chỉ huy chiến đấu, động viên bộ đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ mãi mãi là ký ức không phai mờ. Ông và tập thể Đảng ủy-Bộ tư lệnh Trường Sơn tập trung mọi tinh lực để nâng cao năng lực mọi mặt của tuyến chi viện đường Hồ Chí Minh, góp phần tạo thời cơ để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sớm hạ quyết tâm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (thứ hai, từ phải sang) và đồng đội trong Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Nhớ về ông, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong những năm chiến đấu và công tác của anh Thiện trên chiến trường 559-Bộ đội Trường Sơn và sau này về chủ trì Tổng cục Xây dựng kinh tế, anh Thiện đã đem hết tâm trí, sức lực, tài năng vào nhiệm vụ được giao. Anh Thiện đã ghi lại dấu ấn của người cán bộ chính trị có trình độ toàn diện cả chính trị, quân sự, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề khó khăn phức tạp”.

Con tem có hình ảnh chiến sĩ cách mạng Hoàng Thế Thiện phát hành năm 2022.

Những đóng góp của đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện trong thời kỳ công tác, chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ đã góp phần tô thắm tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quân đội và hai dân tộc Việt - Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, được sử sách hai nước trân trọng ghi nhận.

Nhà nước và Bộ Quốc phòng Lào đã truy tặng Huân chương Anh dũng hạng Nhất cho đồng chí Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện để ghi nhận những đóng góp của đồng chí đối với cách mạng Lào, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào. Đặc biệt là góp phần giáo dục thế hệ trẻ của hai nước hôm nay và mai sau.

SONG THANH - BẢO LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-hoang-the-thien-tam-guong-doan-ket-viet-lao-744347