Thiếu tướng Cao Pha: Vị tướng của những thời khắc lịch sử

Thiếu tướng Cao Pha tên thật là Nguyễn Thế Lương, sinh năm 1920. Đầu tháng 8-1945, anh sinh viên Trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội Nguyễn Thế Lương chưa kịp lấy bằng tốt nghiệp, đã 'xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu' cùng với nhiều bạn đồng khoa mà sau này đều trở thành tướng lĩnh hay cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, như: Nguyễn Thế Lâm, Hoàng Đình Phu, Ngô Điền, Tôn Thất Hoàng, Phan Hạo...

Một điều đặc biệt ở vị tướng trận mạc Cao Pha là trong nhiều thời khắc quan trọng của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đều là người trong cuộc, hoặc là nhân chứng lịch sử...

Treo cờ đỏ sao vàng trên Thành nội, cố đô Huế

Ngày 20-8-1945, ông Trần Hữu Dực, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung Bộ giao nhiệm vụ cho hai thanh niên yêu nước mới rời ghế nhà trường là Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương: “Sáng mai, phải treo cho được cờ Việt Minh trên kỳ đài kinh thành Huế”.

Nhận nhiệm vụ, hai ông đạp xe xuống cơ sở dưới Phú Vang (Thừa Thiên Huế) nhận cờ. Lá cờ to nặng, phải cuộn tròn cho vào bao tải, hì hục đưa về Trường Thanh niên tiền tuyến (Một tổ chức tập hợp thanh niên yêu nước trước cách mạng do luật sư Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu đứng đầu).

 Thiếu tướng Cao Pha (1920-2006).

Thiếu tướng Cao Pha (1920-2006).

Để việc treo cờ hoành tráng, ông Nguyễn Thế Lâm cho ông Việt mượn khẩu súng ngắn Barillet với 6 viên đạn “xịt”. Hai ông mặc trang phục do trường mới phát, đi giày da, đội mũ ca-lô sừng bò nom khá oai vệ. Sáng hôm sau, hai ông quấn lá cờ dài như con trăn, gác lên 2 xe đạp rồi còng lưng đẩy 2km đến chân kỳ đài trước Ngọ Môn, kinh thành Huế. Ông Lương đứng dưới giữ cờ, ông Việt trèo lên gặp đội trưởng canh gác kỳ đài, dõng dạc nói: “Theo lệnh Ủy ban kháng chiến Trung Bộ, chúng tôi có nhiệm vụ hạ cờ quẻ ly, treo cờ cách mạng. Yêu cầu các anh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ!”. Trước uy thế của cách mạng, viên chỉ huy ở kỳ đài vội cho lính hạ cờ quẻ ly xuống đất, còn giúp ông Việt kéo lá cờ đỏ sao vàng lên trên cột cờ cao gần 50m. Người dân Huế và vùng lân cận khi ấy thấy lá cờ rộng lớn tung bay, phấn khởi reo hò: “Cách mạng đã về! Việt Minh đã về!”.

Sau này gặp lại người chỉ huy cảnh vệ của triều đình, hai chiến sĩ treo cờ mới biết: 120 tay súng đã chĩa vào các ông, sẵn sàng khai hỏa. Vua Bảo Đại khi ấy nghe bẩm báo đã hô lớn: “Chớ! Chớ! Các ngươi mà bóp cò là trẫm chết trước đó”...

Những lần được gặp Bác Hồ

Dường như là một “định mệnh”, ngay từ buổi đầu tham gia cách mạng đến cuối đời hoạt động, Nguyễn Thế Lương đều gắn bó với quân báo-đặc công. Thời kỳ đầu trong tổ chức Thanh niên Tiền tuyến, ông được chỉ định làm "Trưởng ban ám sát”, mặc dù lúc đó chẳng ám sát ai, chỉ là theo dõi bọn Việt gian hay đi làm công việc vận chuyển máy in, tài liệu. Sau cuộc treo cờ Thành nội, ông tham gia bắt biệt kích Pháp nhảy dù xuống rừng Hiền Sỹ phía tây Huế, rồi hộ tống phế vua Bảo Đại ra Hà Nội gặp Hồ Chủ tịch.

 Bác Hồ trên đài quan sát Chiến dịch Biên giới, năm 1950.

Bác Hồ trên đài quan sát Chiến dịch Biên giới, năm 1950.

Đầu tháng 9-1945 ở Phủ Chủ tịch, Nguyễn Thế Lương đang nói chuyện với một bạn học Trường Quốc học năm xưa thì thấy một cụ già cao, gày, mặc quần soóc, đi dép cao su bước vào, theo sau một người còn trẻ mặc com lê trắng, cà vạt đen, đội mũ phớt, anh bạn ghé tai bảo: “Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp đó!”. Thấy ông mặc quân phục, đội mũ ca-lô, Cụ Hồ hỏi ngay: “Chú ở chiến khu nào về?”. Sau phút bối rối, ông nói: “Thưa cụ, cháu ở Huế, đưa cố vấn Vĩnh Thụy ra Hà Nội”.

Đầu năm 1948, ông là tiểu đoàn trưởng, thuộc Trung đoàn Sơn La, lập nhiều chiến công, được gọi về Bộ Tổng Tham mưu làm Trưởng phòng Quân báo. Bí danh “Cao Pha” có từ đó.

Lần thứ hai, Trưởng phòng Quân báo Cao Pha gặp Bác là trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Đang ở Cục Tình báo, Cao Pha được điều động sang phụ trách Trưởng phòng Quân báo của Bộ Tổng Tham mưu. Đến giữa tháng 7-1950, ông được chỉ định làm Trưởng ban Quân báo của Chiến dịch Biên giới. Bộ chỉ huy chiến dịch ban đầu đóng ở làng Tả Phẩy Tẩu, xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên (Cao Bằng), sau chuyển về bản Nà Lạn.

Sáng ngày 13-9-1950, với bộ quần áo nâu bạc màu, chiếc khăn trên vai, Bác rời sở chỉ huy ở Tả Phẩy Tẩu đi bộ về sở chỉ huy mới ở Nà Lạn. Bác đến Nà Lạn trong lúc bộ đội ta triển khai thế trận mới để đánh trận mở màn Đông Khê. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi Cao Pha đi cùng và báo cáo tình hình với Bác.

Nơi Bác nghỉ ở cạnh lán của Cao Pha. Sắp được gặp Bác, Cao Pha vừa mừng vừa lo vì lần đầu tiên được trực tiếp báo cáo công việc với Bác. Người thân mật hỏi:

- Chú đấy à?

- Thưa Bác, cháu tên là Cao Pha, Trưởng ban Quân báo chiến dịch, được đi theo anh Văn đến chúc sức khỏe Bác.

- Tình hình có gì thay đổi không?

- Dạ thưa Bác, tình hình địch đến nay chưa thấy động tĩnh gì.

Bác gật đầu, chỉ cho ông ngồi gần rồi nói: “Trận này ta đánh lớn, nhất định thắng, nhưng địch không chịu thua một cách dễ dàng. Tình hình sẽ diễn biến phức tạp và khẩn trương. Chú làm quân báo phải hết sức cảnh giác, phải theo dõi chặt chẽ hành động của địch. Phải biết dựa vào dân, khéo tổ chức thì dân sẽ cung cấp tin tức tốt cho bộ đội...”.

Rồi Bác nói về việc huy động lương thực trong nhân dân, về tiết kiệm, về chính sách tù hàng binh. Gần một giờ bên Bác, được Người dạy bảo bằng những lời nói ân cần, bình dị, ấm áp tình cha con, Cao Pha vô cùng xúc động. Khi chào ra về, Bác còn dặn:

- Chú nói với anh Văn, Bác muốn đi quan sát trận địa.

Sáng 16-9, Bác đến sở chỉ huy để lên đài quan sát trận địa. Cao Pha đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt, cử Trưởng đài quan sát Phạm Chước trực tiếp bảo vệ Bác lên đài. Cao Pha tiễn Bác đến núi Báo Đông, thì Bác nhắc ông trở về lán trực ban tác chiến vì trận Đông Khê đang diễn ra. Cao Pha nhìn theo, hình ảnh Bác xắn quần cao, chống gậy thoăn thoắt leo núi khiến lòng ông xúc động vô cùng.

Bác ngồi trên đài quan sát địa hình về hướng Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng khoảng một tiếng thì xuống núi. Cao Pha đón Bác và được Bác dặn:

- Anh em trên đài quan sát đêm gió lạnh, chú phải cho mặc đủ ấm!

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An tháp tùng Bác trong chuyến đi đó đã chụp bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát Mặt trận Đông Khê” đi vào lịch sử, là niềm tự hào của ngành tình báo quân sự và dân tộc Việt Nam. Cũng trên cao điểm quan sát đó, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ “Đăng sơn” (Lên núi) bằng chữ Hán, nhà thơ Xuân Diệu dịch:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt ngưu đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Nhiều năm trôi qua, ngày 25-4-2003, có cuộc Hội thảo về dự án xây dựng “Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch Biên giới năm 1950”. Hội nghị hoàn toàn nhất trí về các địa điểm di tích mà Thiếu tướng Cao Pha cùng nhiều nhân chứng khác đã xác định. Sau đó, tại đỉnh núi Báo Đông, nơi Bác Hồ quan sát trận Đông Khê, khu di tích đã xây dựng tấm bia khắc bài thơ “Đăng sơn” của Bác bằng hai ngôn ngữ Hán, Việt và cụm tượng đài Bác Hồ quan sát trận Đông Khê mô phỏng theo bức ảnh của nghệ sĩ Vũ Năng An.

Sau khi cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt, ta bắt được nhiều tù binh, Bác lại gọi Trưởng ban Quân báo Cao Pha, bảo đưa đi gặp tù binh. Cao Pha lo chuyện giữ bí mật, sợ tù binh nhận ra Bác, thì Người đã có cách hóa trang rất nhanh: Đem thuốc đỏ và bông băng bịt râu lại, y như một chiến sĩ bị thương. Gặp tù binh đại úy đồn trưởng và hai trung úy, Bác nói bằng tiếng Pháp, bảo mình là Việt kiều ở Pháp đã tham gia kháng chiến chống phát xít Đức, nay về nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và Bác khuyên tù binh phải làm tốt quy định của trại, sẽ được hưởng lượng khoan hồng, nếu có ý kiến gì thì gửi lên theo địa chỉ: Nguyễn Thắng, cố vấn chính trị mặt trận…

Đến thời chống Mỹ, đầu năm 1967, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng mời Thượng tá Cao Pha, Cục phó Cục 2 lên thông báo một quyết định mới: Ông kiêm nhiệm Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công, một binh chủng vừa được thành lập. Quân báo và đặc công dù chức năng có khác nhau, song có nhiều điểm tương đồng trong huấn luyện và chiến đấu. Người chiến sĩ quân báo, hay đặc công khi đột nhập căn cứ địch, đều phải bí mật, bất ngờ, dũng cảm, mưu trí và có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ rất cao. Lần cuối cùng Phó tư lệnh Binh chủng Cao Pha được gặp Bác Hồ là vào ngày 19-3-1967, Bác đến xem bộ đội đặc công diễn tập. Cùng đi hôm đó còn có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Diễn tập vào ban đêm, tại thao trường ở xã Phùng Khoang, ngoại thành Hà Nội. Đèn pha chiếu sáng, Phó tư lệnh Binh chủng, Thượng tá Cao Pha thưa với Người là anh em đặc công đang dò mìn, chui rào, tiềm nhập về phía Bác và các vị lãnh đạo ngồi. Bác chăm chú nhìn nhưng không thấy gì, mươi phút sau các chiến sĩ đặc công đã đến sát chỗ Bác, vụt đứng cả dậy. Bác vỗ tay khen.

Một kỷ niệm nhỏ nữa mà Thiếu tướng Cao Pha còn nhớ mãi. Lần ấy gặp, sau khi làm việc xong đến lúc giải lao, Bác hỏi: "Thế thì Cao Pha phiên âm ra tiếng Pháp nghĩa là gì?". Ông quá bất ngờ mà không trả lời ngay được, Bác nheo mắt hóm hỉnh, hỏi sang chuyện khác. Về sau ông nghĩ lại, tiếng Pháp “Cafard” nghĩa là “buồn rầu”. Từng hoạt động ở miền Tây Bắc, có đèo cao nhất là Cao Phạ (tiếng Thái: Cổng trời), mà ông lấy làm bí danh cho mình. Hẳn Bác vì quý mến người lính quân báo từng gặp tại trận địa mà hỏi vui vậy.

Hai thay đổi có tính quyết định ở hai trận đánh lịch sử

Đầu tháng 8-1950, ông được Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch giao nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng chiến dịch trực tiếp đi trinh sát thị xã Cao Bằng. Ý định ban đầu của ta là đánh vào thị xã Cao Bằng. Cùng đi với Đại tướng có ông Phan Phác, Quyền Phó tổng Tham mưu trưởng, Phó tham mưu trưởng chiến dịch và các ông: Lâm Kính, Nguyễn Văn Tiến, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Sau khi quan sát, nghiên cứu trên đài quan sát cách thị xã Cao Bằng chừng 1 cây số, nghe Quốc Trung, Tổ trưởng Tổ Quân báo Cao Bằng báo cáo địa hình và địch tình ở cụm cứ điểm này, Đại tướng và cả tổ về ngủ trong một bản bỏ hoang cách Cao Bằng khoảng 10 cây số. Đêm ấy, Cao Pha thấy Đại tướng thức rất khuya, suy nghĩ rất nhiều, sau đó chỉ thị cho cả tổ trao đổi kỹ về chỗ mạnh và yếu của địch, khả năng bộ đội ta có thể đánh thắng cụm cứ điểm Cao Bằng hay không? Sau chuyến trực tiếp thị sát trận địa ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi kế hoạch tác chiến: Đánh Đông Khê, nơi địch yếu trước, bảo đảm chắc thắng, tạo điều kiện diệt viện rồi mới tiến công Thất Khê, Cao Bằng. Phương án mới đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phê chuẩn. Kết quả là Chiến dịch Biên giới năm 1950 toàn thắng.

Lần thứ hai, khi chuẩn bị cho Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ cuối năm 1953. Trưởng phòng Quân báo mặt trận Cao Pha lại được cùng Đại tướng Tổng tư lệnh nghiên cứu chiến trường và cũng có một quyết định mang tính bước ngoặt, thay vì “đánh nhanh, thắng nhanh”, đổi lại là “đánh chắc, tiến chắc”. Ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ sau 56 ngày đêm “khoét núi, mở hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng, chí không mòn...” là xuất phát từ quyết định thay đổi cách đánh đúng đắn kể trên.

 Bác Hồ và các vị lãnh đạo Nhà nước và Quân đội đến thăm bộ đội đặc công; Phó tư lệnh Cao Pha thứ ba từ trái sang (năm 1967).

Bác Hồ và các vị lãnh đạo Nhà nước và Quân đội đến thăm bộ đội đặc công; Phó tư lệnh Cao Pha thứ ba từ trái sang (năm 1967).

Năm 1975, Thiếu tướng Cao Pha nhận quyết định về Ban tổng kết chiến tranh của Quân ủy Trung ương; năm 1981 làm Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng, được Nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Thiếu tướng, Phó giáo sư Cao Pha về hưu năm 1983.

Đầu năm 2003, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng cụm di tích “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thắng lợi Chiến dịch Biên giới năm 1950”. Bộ giao cho Quân khu 2 chịu trách nhiệm xây dựng. Sau đó, Bộ tư lệnh Quân khu 2 đề nghị Thiếu tướng Cao Pha giúp Quân khu 2 xác định các vị trí mà Bác Hồ đã đến chỉ đạo chiến dịch, vì thời điểm đó, ông là Trưởng ban Quân báo của chiến dịch. Thiếu tướng Cao Pha đã vui vẻ nhận lời.

Nhưng lên Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), ông vô cùng ngạc nhiên khi đài quan sát - nơi Bác lên quan sát trận Đông Khê trong bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ Vũ Năng An, lại được xác định ở núi Sau Đồn và bộ đội công binh đang thi công đường lên đỉnh núi này. Sau một thời gian nghiên cứu, quan sát kỹ, ông xác định lại cho Đại tá Nguyễn Văn Chỉnh, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2 (sau này là Thiếu tướng, Phó chính ủy Quân khu 2), người được Bộ tư lệnh Quân khu 2 giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trình trong khu vực của Ban Quân báo - Tác chiến, chỗ ba nhà sàn nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái và cán bộ tác chiến trong chiến dịch. Đến chân núi Báo Đông, thiếu tướng Cao Pha xúc động kêu lên: “Đây rồi!”. Địa điểm này không thể nào quên trong cuộc đời của ông. Đây là nơi mà ngày 16-9-1950, ông giao nhiệm vụ cho Phạm Chước, Trưởng đài quan sát đưa Bác Hồ lên đài quan sát chiến dịch.

Năm 2005, Thiếu tướng Cao Pha được mời nói chuyện với anh em các đơn vị cũ. Anh em gọi là “ông Pha mười T", vì ông thường hay nhắc đến những đức tính quý giá của một anh Bộ đội Cụ Hồ trong mười chữ T và chính ông rất xứng đáng với danh hiệu đó: Trung thành, Trung thực, Thực tiễn, Trí tuệ, Tận tụy. Ông sống vui vẻ, minh mẫn đến cuối đời và nhẹ nhàng ra đi vào trưa ngày 27-4 năm Bính Tuất (2006), hưởng thọ 86 tuổi.

PHẠM QUANG ĐẨU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/thieu-tuong-cao-pha-vi-tuong-cua-nhung-thoi-khac-lich-su-735057