Thiếu trầm trọng nhân lực điều dưỡng, cần 'đòn bẩy' chính sách

Điều dưỡng là những người trực tiếp theo dõi sức khỏe người bệnh, nắm bắt sớm nhất những thay đổi, diễn biến trên người bệnh. Hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên giữ vai trò quan trọng trong chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện và có ảnh hưởng lớn đến người bệnh cũng như hình ảnh bệnh viện.

Nhưng nước ta đang thiếu nhân lực điều dưỡng, tính theo điều dưỡng/vạn dân mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ thiếu nhân lực điều dưỡng – hồi sức trầm trọng. Sau đại dịch, nhiều điều dưỡng xin nghỉ việc do lương thấp, công việc vất vả…

Tận tụy vì người bệnh

Gắn bó với Trung tâm Thalassemia (Trung tâm điều trị bệnh tan máu bẩm sinh), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hơn 10 năm, điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyến luôn được các bạn nhỏ và bệnh nhân yêu quý. Tan máu bẩm sinh là bệnh lý di truyền, người bệnh phải gắn bó suốt đời với bệnh viện, nên bệnh nhân ở đây đều rất quen thuộc với từng bác sĩ, từng điều dưỡng viên. “Khi nghĩ về những người bệnh phải đi viện suốt cuộc đời, những gia đình có 2-3 người con bị bệnh, các cháu nhỏ hằng tháng phải nghỉ học đi viện, tôi càng muốn dành tất cả tình cảm, tâm huyết để chăm sóc người bệnh tốt hơn”, chị Tuyến tâm sự.

Sau giờ làm việc, các điều dưỡng viên tại Trung tâm Thalassemia lại chơi đùa cùng các cháu nhỏ để các em vơi bớt nỗi nhớ bạn bè, trường lớp. Vì người bệnh phải đi viện thường xuyên nên các điều dưỡng viên ở đây luôn tâm niệm: Hãy đem đến phòng bệnh một không khí ấm áp, gần gũi để người bệnh cảm thấy “ở viện như ở nhà”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyến luôn động viên, gần gũi bệnh nhi tan máu bẩm sinh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Tuyến luôn động viên, gần gũi bệnh nhi tan máu bẩm sinh.

Theo chia sẻ của nữ điều dưỡng, chị nhớ mãi câu nói của một cháu nhỏ nhập viện cấp cứu vì thiếu máu nặng do không đi viện thường xuyên. Chị vừa lấy máu, vừa động viên bệnh nhi: “Con cố gắng nhé, cô lấy máu để làm xét nghiệm và xin máu truyền cho con, rồi con sẽ khỏe lại thôi”. Cô bé chỉ nói: “Cô ơi, cô cứu con với!”, rồi mệt quá thiếp đi. Câu nói ấy đã trở thành một trong những động lực thôi thúc nữ điều dưỡng làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim. “Chúng tôi luôn mong đem lại sức khỏe cho người bệnh, các em nhỏ được đi học, người bệnh tìm được việc làm phù hợp với sức khỏe và có cuộc sống chất lượng hơn”, chị Tuyến nhắn nhủ.

Công tác tại Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã 12 năm, chứng kiến nhiều số phận mắc căn bệnh ung thư máu nghiệt ngã, cuộc sống gắn liền với bệnh viện, điều dưỡng Vũ Thị Thành Tâm luôn tâm niệm: “Làm nghề điều dưỡng ngoài tình yêu nghề còn cần lòng trắc ẩn, nhẫn nại, biết lắng nghe và thiếu hiểu người bệnh”. Chính vì vậy, chị càng thấu hiểu với nỗi đau của người bệnh, để phục vụ tốt hơn.

Nghề điều dưỡng như “con mọn”, có khi đang ăn dở miếng cơm trong buổi trực, có ca cấp cứu phải bỏ bát xuống chạy đi ngay. Thức trắng đêm theo dõi diễn biến người bệnh nặng là chuyện thường tình. “Vất vả là thế, nhưng thật hạnh phúc khi giành lại sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và nhìn thấy nụ cười vui vẻ của người bệnh khi họ xuất viện”, nữ điều dưỡng tâm sự.

Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Viện có trên 1.000 cán bộ, nhân viên, trong đó lực lượng điều dưỡng, kỹ thuật y chiếm khoảng 60%. Tại các bệnh viện, điều dưỡng làm việc ở Khoa Hồi sức tích cực, công việc của họ rất nặng nề vì phải chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, từ thực hiện y lệnh của bác sĩ, điều dưỡng còn chăm sóc bệnh nhân từ ăn, tắm gội đến vệ sinh cá nhân…

Cần đầu tư cho điều dưỡng để có một xã hội khỏe mạnh

Theo TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), thông điệp Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5) năm 2024 là: “Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng”, không chỉ đề cao giá trị của nghề điều dưỡng trong việc xây dựng một xã hội khỏe mạnh mà còn thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thông điệp cũng kêu gọi thay đổi quan niệm, chính sách hiện tại để nhận thức rõ hơn về lợi ích kinh tế mà đầu tư đầy đủ vào công tác điều dưỡng có thể mang lại, nhất là sau những bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 và những thách thức toàn cầu khác như xung đột, khủng hoảng khí hậu, bất ổn tài chính. Có nhiều ý kiến cho rằng, khi đại dịch COVID-19 ập đến, Việt Nam thiếu trầm trọng nhân lực điều dưỡng hồi sức, dẫn đến nhiều ca bệnh nặng chưa được chăm sóc đầy đủ.

Ông Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, quan niệm “điều dưỡng là cánh tay phải, là cánh tay nối dài của bác sĩ” đã cũ, không còn phù hợp. Thiên chức nghề nghiệp của điều dưỡng là trợ giúp người bệnh cả về thể chất và tinh thần. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, một ngày điều dưỡng phải thực hiện tới hơn 100 đầu công việc, do họ còn được giao nhiều công việc hành chính, không chỉ chăm sóc người bệnh trực tiếp.

Ông Mục cũng nhấn mạnh, trong tất cả các hệ thống y tế trên toàn cầu, điều dưỡng luôn là lực lượng cán bộ y tế đông nhất (chiếm khoảng 59%). Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy, 88% thời gian người bệnh của khoa chăm sóc tích cực được tiếp xúc với nhân viên y tế là điều dưỡng, chỉ có 12% thời gian người bệnh tiếp xúc với bác sĩ và các nghề khác. WHO khẳng định, dịch vụ do điều dưỡng, hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế; dịch vụ điều dưỡng được cung cấp 24/24h và 7/7 ngày trong tuần.

Việt Nam là một trong các quốc gia có mật độ điều dưỡng/vạn dân thuốc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển; so với mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/vạn dân vào năm 2025 thì đến nay mới đạt 60%. “Thiếu điều dưỡng thì người bệnh sẽ thiệt thòi. Thiếu điều dưỡng là một trong nguyên nhân làm gia tăng bạo hành trong y tế vì dịch vụ không được cung cấp kịp thời làm người bệnh, người nhà bệnh nhân bức xúc”, ông Mục cho biết.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương mong muốn xây dựng được hệ thống y tế chăm sóc người bệnh toàn diện – điều dưỡng, y tá chăm sóc người bệnh 24/24h, người nhà không phải chăm bệnh, hoặc không phải thuê người trông bệnh nhân. Nhưng do thiếu nhân lực, thiếu nguồn kinh phí, dự định ấp ủ này vẫn chưa thực hiện được.

Ông Phạm Đức Mục cho rằng, nhìn lại cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19, có 4 vấn đề cần chú ý từ góc độ điều dưỡng: Nhân lực điều dưỡng không đủ; thiếu điều dưỡng chuyên khoa; người bệnh nặng và tử vong chưa được chăm sóc đầy đủ; điều dưỡng là lực lượng tuyến đầu dễ bị tổn thương… Đây là bài học đắt giá để ngành Y tế đưa ra chiến lược khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời các nhà hoạch định chính sách y tế cần đưa ra các chính sách thiết thực, tạo đòn bẩy cho ngành Điều dưỡng Việt Nam phát triển.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/thieu-tram-trong-nhan-luc-dieu-duong-can-don-bay-chinh-sach-i730995/