Thiếu thư ký tòa án: Chia sẻ của người trong cuộc

Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; những công việc này cần nhiều nhân sự là thư ký, tuy nhiên số lượng thư ký tại các tòa đều thiếu.

Tại Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” hồi tháng 7-2022, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tòa án điện tử là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của tòa án và kiểm tra lại các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, từ đó giúp người dân nhìn nhận để đưa ra các quyết định khởi kiện…

Để triển khai tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mà còn có sự quyết tâm góp sức từ TAND các cấp.

Thẩm phán cần xây dựng được kế hoạch làm việc hợp lý để tránh việc dồn lên vai thư ký. Ảnh minh họa: TRẦN LINH

Cần thư ký để xây dựng tòa án điện tử, xét xử trực tuyến

Ông Nguyễn Thành Vinh, Chánh án TAND TP Thủ Đức, TP.HCM, cho biết việc xây dựng tòa án điện tử, xét xử trực tuyến… là công tác cần được tập trung ưu tiên trong thời gian tới. Việc này đòi hỏi rất nhiều nhân sự, trong đó có thư ký. Ông Vinh thấy áp lực vì thiếu thư ký. Việc thiếu thư ký đang gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của tòa án.

Bài toán thu nhập

Lượng việc tăng nhưng biên chế không tăng, việc nhiều nhưng thu nhập từ công việc không đảm bảo cuộc sống. Đây là một trong những nguyên nhân khiến “thư ký nhìn đâu cũng thấy thiếu” những năm gần đây.

Thư ký tòa án được áp dụng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát loại A1 (ban hành kèm theo Nghị quyết 730/2004/NQ-UBTVQH11), từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP). Bậc lương có chín bậc, cao nhất bậc 9 cũng chỉ gần được 7,5 triệu đồng).

Như vậy, một thư ký làm cả chục năm mức lương vẫn chỉ ở mức 7-8 triệu đồng tính cả phụ cấp. Thu nhập này không đủ trang trải cuộc sống gia đình và bản thân.

MINH CHUNG

Theo thống kê, năm 2021, TAND TP Thủ Đức giải quyết hơn 3.500 vụ/việc các loại; năm 2022 giải quyết 5.500 vụ/việc và tiếp tục tăng trong năm 2023.

Hiện nay, một thư ký tại TAND TP Thủ Đức giúp việc cho 3-4 thẩm phán. Trung bình mỗi tháng một thẩm phán giải quyết bảy vụ/việc. Như vậy, mỗi thư ký hằng tháng phải gánh khối lượng công việc gần như quá tải.

Không riêng gì TP.HCM, tình trạng thiếu thư ký cũng hiện hữu tại nhiều địa phương. Ông Trần Trí Dũng, Phó Chánh án TAND TP Cần Thơ, cho biết có sự mất cân đối giữa thẩm phán và thư ký. Báo cáo công tác năm 2022 của TAND hai cấp TP Cần Thơ đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khách quan của những hạn chế, thiếu sót là khối lượng công việc phải giải quyết lớn; có sự mất cân đối giữa số lượng thẩm phán và thư ký (thẩm phán nhiều hơn thư ký) do thực hiện lộ trình tinh giản biên chế.

Tổng lượng án TAND hai cấp TP Cần Thơ thụ lý trong năm 2017 là 9.440 vụ/việc; đến năm 2022 tăng thêm 2.040 vụ/việc, tổng cộng 11.480 vụ/việc. Trong khi đó, ngành tòa án được giao tổng biên chế giai đoạn 2022-2026 bằng với thời điểm chưa tinh giản biên chế.

“Chúng tôi cũng hy vọng TAND Tối cao sẽ phân bổ biên chế theo tổng số vụ/việc mỗi địa phương thụ lý để đảm bảo có đủ số lượng thẩm phán và thư ký nhằm phục vụ yêu cầu giải quyết công việc được tốt hơn” - ông Dũng nói.

Thiếu thư ký, ảnh hưởng chất lượng giải quyết án

Ông Nguyễn Trí Khương, thẩm tra viên, phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án hình sự TAND TP Cần Thơ, nói tình trạng việc tăng nhưng biên chế giảm đã gây áp lực lớn đến công tác chuyên môn.

Cụ thể, các thủ tục giải quyết án ngày càng chặt chẽ, hoàn thiện theo quy định của BLTTDS, BLTTHS, Luật Tố tụng hành chính mới và các thủ tục khác về hành chính tư pháp trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi thư ký, thẩm phán đều làm việc nhiều hơn, nhất là thư ký. Những nội dung tranh chấp ngày càng phức tạp, đòi hỏi tòa án mất nhiều thời gian giải quyết hơn. Trong khi đó, số lượng thư ký và thẩm phán mất cân đối sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết án.

Hiện tại thư ký phải phụ trách thêm nhiều mảng mới như nhập hồ sơ quản lý án lên hệ thống, kiêm nhiệm các công tác báo cáo, thống kê, sổ sách nghiệp vụ… Rất nhiều địa phương phải bố trí, sắp xếp chức danh thẩm tra viên kiêm nhiệm công tác thư ký để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ.

“Để giải quyết các khó khăn do thiếu thư ký thì có thẩm phán, thư ký phải làm việc ngoài giờ, làm thêm vào những ngày nghỉ mới kịp tiến độ công việc” - ông Khương chia sẻ.

Để tránh việc dồn quá nhiều lên vai thư ký, ông Huỳnh Minh Khánh, thư ký TAND huyện Cái Bè (Tiền Giang), đề nghị cần quy định số lượng vụ/việc mà mỗi thư ký phải thực hiện trong năm như đã quy định đối với thẩm phán.

Ở góc độ người làm công tác quản lý, ông Trần Đăng Tân, Chánh án TAND quận Gò Vấp, TP.HCM, nhìn nhận: Thư ký làm cho thẩm phán này thì không thể tránh khỏi chậm trễ khi hỗ trợ giải quyết vụ án cho thẩm phán còn lại.

“Yếu tố quyết định đến hiệu quả trong công việc, đảm bảo thời gian giải quyết vụ án, đảm bảo thời gian về mặt tố tụng vẫn là sự phối hợp công việc giữa thẩm phán và thư ký. Trách nhiệm này thuộc về thẩm phán là phải xây dựng được kế hoạch làm việc hợp lý” - ông Tân nói.

NHẪN NAM - HỮU ĐĂNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thieu-thu-ky-toa-an-chia-se-cua-nguoi-trong-cuoc-post731749.html