Thiếu 'quân xanh' để các đội tuyển quốc gia cọ xát

Theo quy định của Tổng cục Thể dục-Thể thao, việc số lượng vận động viên được gọi lên tập trung các đội tuyển quốc gia khá thấp đã dẫn đến tình trạng vận động viên chỉ rèn luyện kỹ chiến thuật cá nhân mà không có 'quân xanh' để cọ xát, đồng thời cũng hạn chế khả năng tìm kiếm những tài năng trẻ và cơ hội dành cho họ, do đó hiệu quả tập luyện không cao.

Đội tuyển bóng chuyền nam của Việt Nam (áo vàng) thi đấu tại một giải quốc tế.

Để chuẩn bị cho SEA Games 32 tại Campuchia vào tháng 5 tới, Tổng cục Thể dục-Thể thao dự kiến tập trung 18 cầu thủ nam và 18 cầu thủ nữ bóng chuyền giống như những lần tập trung trước đây. Việc giới hạn cầu thủ này dẫn tới thực trạng chính các huấn luyện viên cũng phải vào sân thi đấu trong các buổi tập luyện để làm “quân xanh” cho đội dự tuyển cọ xát. Giới hạn quân số cũng khiến Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền quốc gia cả nam và nữ chỉ có thể gọi lên rất ít cầu thủ ở từng vị trí cụ thể và gần như không có cơ hội để thử thách và rèn luyện các tài năng trẻ.

Trong bản danh sách sơ bộ tập trung đội tuyển bóng chuyền năm 2023, có ba cầu thủ nam là Trần Duy Tuyến, Đinh Văn Duy (cùng thuộc đội Biên Phòng), Đinh Văn Phương (đội Hà Tĩnh); cùng duy nhất một cầu thủ nữ là libero Nguyễn Khánh Đang (đội VTV Bình Điền Long An) là những người lần đầu góp mặt. Một phần lý do của thực trạng này là bởi giải vô địch quốc gia có quá ít gương mặt mới nổi bật, qua đó phản ánh rõ việc chưa chú trọng đầu tư xây dựng lực lượng cầu thủ trẻ ở các câu lạc bộ thuộc hệ thống thi đấu bóng chuyền vô địch quốc gia. Hiện nay, các câu lạc bộ còn đang loay hoay để duy trì đội hình chính, cho nên rất khó để tìm kiếm và đào tạo thêm các cầu thủ trẻ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, hiện chỉ có một số câu lạc bộ đang duy trì đạo tạo trẻ, bao gồm: Bộ tư lệnh Thông tin, Biên Phòng, Thể Công, Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Công thương, Thái Bình, Ninh Bình, Hóa chất Đức Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Long An, Vĩnh Long... Tuy nhiên, ngay ở những câu lạc bộ nêu trên, các cầu thủ trẻ cũng không có nhiều cơ hội thi đấu do có ít các giải đấu trẻ cấp quốc gia, vì vậy họ rất khó có mặt ở đội hình chính.

Thực tế cho thấy, nếu không có sự đầu tư chuyên nghiệp từ nguồn lực quốc gia trong bối cảnh hiện tại thì khó mang lại hiệu quả cao và rất khó để đổi màu tấm Huy chương bạc tại SEA Games nhiều năm qua của bóng chuyền Việt Nam. Nhìn sang nước bạn, Thái Lan vừa tập trung đội tuyển bóng chuyền nam và nữ với mỗi đội 24 cầu thủ. Họ không những thuê chuyên gia Hàn Quốc về huấn luyện mà còn có kế hoạch tập huấn, tạo điều kiện cho đội tuyển tham dự nhiều giải đấu quốc tế để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Trong khi đó, bóng chuyền Việt Nam nhiều năm qua vẫn loay hoay, song vẫn chưa thể mời được chuyên gia nước ngoài về huấn luyện.

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, việc lên kế hoạch tập huấn, thi đấu ở các giải quốc tế là do Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đề xuất lên Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và sau đó là Tổng cục Thể dục-Thể thao để hỗ trợ, giúp đỡ, nhưng tình hình vẫn không tiến triển nhiều so với trước. Không chỉ vậy, dù nước chủ nhà cho phép đăng ký danh sách thi đấu chính thức muộn nhất chỉ một ngày trước khi thi đấu nhưng từ giữa tháng tư, Tổng cục Thể dục-Thể thao đã chốt danh sách 14 vận động viên và được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận. Việc làm này khiến các vận động viên không có tên trong danh sách chán nản, mất động lực để cố gắng. Thậm chí, Ban huấn luyện đội tuyển bóng chuyền cũng bất ngờ khi bản danh sách được công bố vì họ cho rằng đấy mới là danh sách dự bị, trong thể thao nhỡ có vận động viên bị chấn thương thì lấy ai thay thế?

Có nhiều điểm giống so với bóng chuyền, đội tuyển bóng bàn nữ đang trong chương trình tập huấn quốc gia và đã được tập trung cùng 10 vận động viên đội tuyển bóng bàn nam, trong đó có năm tay vợt nữ trẻ. Với lực lượng như vậy, đội tuyển bóng bàn nữ sẽ có nhiều cơ hội cọ xát với “quân xanh” chính là các tay vợt nam trẻ để nâng cao kỹ, chiến thuật và thể lực.

Hiện tại, bộ môn bóng bàn Việt Nam đã có kế hoạch tập huấn tại Quảng Đông (Trung Quốc) trong tháng 4 tới đây để tất cả thành viên đội tuyển quốc gia nam và nữ có cơ hội thi đấu cọ xát với các tay vợt mạnh hơn ở một nền bóng bàn phát triển.

Tại SEA Games 31 trên sân nhà vào năm ngoái, các tay vợt nữ bóng bàn Việt Nam bị xem là thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế, dẫn tới bị ngợp và bỡ ngỡ với các tay vợt nước ngoài có lối đánh lạ, dẫn đến thành tích thi đấu không cao. Đây là thực trạng nhiều năm qua của bóng bàn nữ Việt Nam vì chiến thuật huấn luyện chưa tốt và thiếu kinh phí thực hiện. Với những thay đổi lớn trong năm nay mà lãnh đạo bộ môn bóng bàn và Liên đoàn Bóng bàn đang triển khai, đội tuyển bóng bàn nước ta được kỳ vọng sẽ tiếp tục giành Huy chương vàng tại SEA Games, tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cho đến thời điểm này, tuy hiểu sự đổi mới là hết sức cần thiết, song cũng chưa thể hy vọng có thể đạt hiệu quả trong thời gian ngắn.

Việc nước chủ nhà Campuchia loại bỏ nhiều nội dung thi đấu Olympic vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam ra khỏi chương trình thi đấu SEA Games 32, một lần nữa tạo điều kiện và thêm củng cố cho quyết tâm của Tổng cục Thể dục-Thể thao quan tâm đầu tư hơn vào các bộ môn và nội dung này, nhằm hướng tới thành tích cao tại ASIAD hay Olympic. Nếu chúng ta chỉ tập trung đầu tư cho số đông vận động viên ở các môn dự SEA Games để chỉ có được nhiều huy chương, song các môn và nội dung đó không có trong chương trình ASIAD hay Olympic sẽ dẫn đến dàn trải ngân sách và thiếu đầu tư cho các môn thi đấu ở đại hội của châu lục và thế giới.

Thể thao Việt Nam đã có một kỳ Thế vận hội 2020 trắng huy chương, cho nên không chỉ là sự quyết tâm mà chúng ta cần cả sự đầu tư quyết liệt và cả những thay đổi cần thiết trong tư duy để đạt được thành tích cao ở đấu trường này.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/de-viec-tap-trung-cac-doi-tuyen-quoc-gia-tap-dat-hieu-qua-post748796.html