Thiếu người làm, nhiều chủ quán ăn tại TP. HCM kiêm luôn... chạy bàn

Nhiều doanh nghiệp trong chuỗi F&B cho biết đang gặp khó khăn về nhân sự sau dịch, bởi phần lớn người lao động đã về quê và chưa có ý định quay trở lại thành phố.

Chủ quán kiêm luôn... chạy bàn

Được hoạt động trở lại sau hơn 5 tháng "đóng băng" vì TP. HCM giãn cách xã hội, chị Trịnh Bảo Trang, chủ quán cà phê Xô Bồ (quận Phú Nhuận) cho biết vui mừng đến nỗi "không thể diễn tả bằng lời". Hiện, lượng khách tại quán đã hồi phục 40-50% so với hồi trước dịch.

Lượng khách tại quán chị Trang đã hồi phục 40-50% so với trước dịch

Bài liên quan

Xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Người lao động cần nâng cao cảnh giác với các tin nhắn lừa đảo thông báo về việc nhận trợ cấp Covid-19

Nhà lưu trú cho người lao động là bài toán để phát triển bền vững

Đề xuất nới lỏng điều kiện hoạt động nhà máy và đi lại của người lao động

Song, nữ chủ quán không khỏi đau đầu trước bài toán về nhân sự. Vì phải đóng cửa quán quá lâu trước đó, toàn bộ nhân viên cũ của chị Trang đều đã về quê. Trong đợt mở bán lại lần này, chị phải "săn" lại người lao động.

"Nhân viên quán tôi chủ yếu là người dân ngoại tỉnh, dịch bệnh kéo dài, họ thất nghiệp nên đã bỏ về quê. Tôi có gọi mời lên làm việc nhưng tất cả đều cho hay chưa có ý định trở lại TP. HCM. Số thì muốn ăn Tết xong mới lên, số thì lo ngại dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Chưa bao giờ việc tuyển nhân viên lại khó đến thế này", chị Trang cho biết.

Sau dịch, toàn bộ nhân sự của chị Trang phải thay mới

Chật vật tuyển người, ngoài nhân viên làm toàn thời gian tại quán, chị Trang tăng cường thêm nhân sự bán thời gian. Những thời điểm quán đông khách từ 18h đến 20h, hai vợ chồng chị phải trực tiếp phục vụ khách.

"Hồi trước dịch, quán tôi có 2 nhân viên bảo vệ, giờ cũng chỉ mới tìm được 1 người. Những lúc quán đông, sợ mất xe của khách tôi cũng phải ra trông phụ", chị Trang cho biết.

Quán lắp kính chắn giọt bắn tại các bàn, quầy phục vụ... và khuyến khích khách hàng ngồi ở những vị trí thông thoáng

Để đảm bảo an toàn cho khách cũng như ngăn hoạt động của quán không bị đứt gãy, chị Trang ưu tiên tuyển nhân sự đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Quán cũng lắp kính chắn giọt bắn tại các bàn, quầy phục vụ... và khuyến khích khách hàng ngồi ở những vị trí thông thoáng như gần cửa sổ, ban công.

Cùng cảnh ngộ, chủ một quán phở trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết treo bảng tuyển nhân viên cả tuần nay nhưng không thấy ai liên hệ. Vừa là chủ, chị phải kiêm chạy bàn, huy động cả gia đình làm "luôn tay luôn chân" để phục vụ khách.

Nhiều chủ quán phải kiêm luôn phục vụ vì không tuyển được người

"Hiện tôi phải hạn chế số lượng khách để có đủ người phục vụ. Ngoài trả lương cứng, tôi còn cho nhân viên ăn ngủ, sinh hoạt tại quán, mong sẽ sớm tìm được người", chủ quán chia sẻ.

Nhiều quán ăn hạn chế lượng khách để đủ người phục vụ

Chủ chuỗi một nhà hàng hải sản tại TP. HCM cũng cho biết từ giữa tháng 10 đến nay đã tích cực tuyển mới nhân viên ở nhiều vị trí như phục vụ, đầu bếp, bảo vệ... nhưng vẫn còn thiếu số lượng rất lớn.

Bên cạnh đó, ông đánh giá quy định chỉ hàng quán tại TP. Thủ Đức và quận 7 được phục vụ đồ uống có cồn khiến các nhà hàng tại khu vực khác gặp rất nhiều khó khăn. "Nhiều khách hàng đã đến quán tôi nhưng quyết định 'quay xe' khi biết không được uống bia, rượu", chủ quán nói.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. HCM cùng đứng trước tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng

Trong khi đó, cũng đứng trước tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP. HCM chọn cách tiếp tục đóng cửa hoặc bán mang về, dù chính quyền thành phố đã cho phép họ phục vụ tại chỗ trở lại từ ngày 28/10.

Vấn đề lao động chỉ là khó khăn trước mắt của TP. HCM

Tại chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” trước đó, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), cho biết trong 3 tháng cuối năm 2021, TP. HCM dự kiến cần thêm khoảng 60.000 lao động và đến quý 1/2022 cần khoảng 120.000-140.000 lao động.

Trong 3 tháng cuối năm 2021, TP. HCM dự kiến cần thêm khoảng 60.000 lao động

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP. HCM nhận định vấn đề lao động chỉ là khó khăn trước mắt của TP. HCM. Bởi, khi tình hình dịch bệnh ổn định người lao động sẽ trở lại nhiều hơn.

Hiện, UBND TP. HCM đã có văn bản 3231 về phương thức đưa đón vận chuyển công nhân quay lại thành phố. Theo đó, người lao động là người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi, đối với vaccine tiêm 2 mũi thì được quay lại thành phố.

UBND TP. HCM đã có văn bản 3231 về phương thức đưa đón vận chuyển công nhân quay lại thành phố

Đối với lao động thuộc doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao muốn vào TP. HCM làm việc, các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển sẽ gửi phương án vận chuyển về UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp... hoặc bộ ngành quản lý để rà soát tổng hợp gửi Sở GTVT TP. HCM để triển khai đưa đón người lao động về thành phố.

Khi tình hình dịch bệnh ổn định người lao động sẽ trở lại nhiều hơn

Còn người lao động tự do muốn quay lại thành phố thuộc phương thức vận chuyển thứ 3 trong văn bản 3231 của UBND TP. HCM ngày 30/9.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thieu-nguoi-lam-nhieu-chu-quan-an-tai-tp-hcm-kiem-luon-chay-ban-post164647.html