Thiếu kênh tưới: Trách nhiệm đầu tư thuộc về địa phương

Ngày 26.9, Báo Tây Ninh có bài viết 'Nhiều nơi cần đầu tư kênh tưới nội đồng', phản ánh tình trạng thiếu kênh nhánh nội đồng tại Trạm bơm Hòa Thạnh II, gây khó khăn trong việc lấy nuốc tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành và thiếu nước tưới vì chưa có công trình thủy lợi trên địa bàn các xã: Suối Đá, Phan, Bàu Năng, (huyện Dương Minh Châu).

Người dân canh tác đất ở xa hệ thống kênh chính của trạm bơm Hòa Thạnh II phải đấu nối ống nhựa để dẫn nước tưới.

Người dân canh tác đất ở xa hệ thống kênh chính của trạm bơm Hòa Thạnh II phải đấu nối ống nhựa để dẫn nước tưới.

Sở NN&PTNT: Đề nghị UBND huyện Châu Thành thực hiện các hạng mục còn thiếu

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dự án Trạm bơm Hòa Thạnh II do Sở này làm chủ đầu tư, được Sở Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt dự án tại Quyết định số 2542/QĐ-SKHĐT ngày 21.10.2010 với tổng kinh phí 25,196 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, dự án có thời gian thực hiện từ năm 2010-1012, với quy mô gồm: kênh dẫn; nhà trạm bơm; kênh chính và công trình trên kênh chính; kênh tưới cấp I; kênh tưới cấp II; kênh tiêu và hệ thống điện trung thế phục vụ tưới, tiêu cho diện tích khoảng 360 ha đất sản xuất nông nghiệp tại xã Hòa Thạnh.

Đến tháng 3.2013, giá nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án tăng lên 49,44 tỷ đồng, do đó, Sở NN&PTNT đề xuất cắt giảm các hạng mục kênh tưới cấp I, kênh tưới cấp II và kênh tiêu để phù hợp với tổng mức đầu tư ban đầu. Để phát huy hiệu quả dự án, ngày 7.11.2013 UBND tỉnh ban hành Công văn số 1529/UBND-KTN giao UBND huyện Châu Thành triển khai thực hiện các hạng mục cắt giảm được giao về UBND huyện triển khai thực hiện các hạng mục kênh tưới cấp I, kênh tưới cấp II và kênh tiêu đồng bộ với tiến độ triển khai dự án của Sở NN&PTNT.

Đến nay, UBND huyện Châu Thành mới chỉ đầu tư một tuyến kênh cấp I với tổng chiều dài khoảng 1,082 km. Do đó để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống thủy lợi trong việc phát huy hiệu quả cấp nước tưới, tiêu đối với vùng thụ hưởng dự án Trạm bơm Hòa Thạnh II theo thiết kế, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện cân đối bố trí vốn, sớm triển khai thực hiện các hạng mục công trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh, bảo đảm cung cấp đủ nước tưới, tiêu, phát huy hiệu quả của dự án Trạm bơm Hòa Thạnh II theo thiết kế ban đầu.

Sau gần 10 năm đưa vào vận hành, khai thác, đến nay Trạm bơm Hòa Thạnh II mới chỉ có 1 tuyến kênh chính và 1 tuyến kênh cấp 1.

Sau gần 10 năm đưa vào vận hành, khai thác, đến nay Trạm bơm Hòa Thạnh II mới chỉ có 1 tuyến kênh chính và 1 tuyến kênh cấp 1.

Sẽ đầu tư dự án thủy lợi cho khu vực chân núi Bà Đen

Theo Sở NN&PTNT, khu vực thuộc ấp Phước Long 2, xã Phan, huyện Dương Minh Châu (khu vực này gần núi Bà Đen) có địa hình tương đối cao (từ +27.5m đến +42.1m) cao hơn cao trình mực nước dâng bình thường của hồ chứa nước Dầu Tiếng, do đó không thể áp dụng biện pháp tưới tự chảy đối với khu vực này.

Năm 2019, Sở này phối hợp UBND hai huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và các đơn vị liên quan khảo sát, đề xuất Dự án Phát triển hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), gồm 3 hợp phần và 2 tiểu dự án.

Trong đó, tiểu dự án 2: Cơ sở hạ tầng thiết yếu thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ chuyển đổi nông nghiệp huyện Dương Minh Châu, có đầu tư xây dựng trạm bơm với quy mô cấp nước tưới cho 3.283 ha tại các xã Tân Hưng, huyện Tân Châu; xã Thạnh Tân, xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh; xã Suối Đá, xã Phan, huyện Dương Minh Châu.

Hiện dự án được Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án. Sau khi được phê duyệt, triển khai dự án sẽ cơ bản cấp đủ nước tưới cho những khu vực nêu trên.

Tuyến kênh nhánh bằng đất do người dân tự làm để dẫn nước từ kênh chính của trạm bơm Hòa Thạnh 2.

Tuyến kênh nhánh bằng đất do người dân tự làm để dẫn nước từ kênh chính của trạm bơm Hòa Thạnh 2.

Bên cạnh đó, để mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động, kết nối đồng bộ kênh thủy lợi nội đồng với công trình thủy lợi hiện có, theo Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Ngày 7.10, Sở NN&PTNT có Công văn số 3757/SNN-CCTL đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất dự toán kinh phí hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước năm 2023 nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thieu-kenh-tuoi-trach-nhiem-dau-tu-thuoc-ve-dia-phuong-a151059.html