Thiếu giao kèo, chuốc rủi ro

Không thực hiện đúng quy định pháp luật về việc giao kết hợp đồng lao động sẽ gây thiệt hại cho cả người lao động và người sử dụng lao động

Cuối tháng 5-2023, khi đang làm việc bình thường thì nhóm kinh doanh khu vực Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) trực thuộc Công ty CP Tư vấn dịch vụ D.S (quận Bình Thạnh, TP HCM) đột ngột được thông báo ngưng thực hiện dự án bán hàng trực tiếp cho công ty đối tác mà nhóm đang phụ trách. Kể từ thời điểm đó, công ty cũng đóng cửa chi nhánh tại Đại Lộc khiến 13 lao động của nhóm này mất việc, dù họ chưa được thanh toán lương tháng 5 và thưởng doanh số của 2 tháng 4 và 5-2023.

Mất trắng

Chị Phan Thị Thu, Trưởng nhóm kinh doanh, cho biết tất cả lao động trong nhóm làm việc đã lâu nhưng không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH. Theo quy định của công ty, nếu đạt doanh số hằng tháng, người lao động (NLĐ) sẽ được ký HĐLĐ; sau khi ký, nếu ai không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị cắt HĐLĐ. Quy định lạ lùng này dẫn đến trường hợp NLĐ mới ký HĐLĐ được một vài tháng thì bị cắt, sau đó đạt chỉ tiêu lại được tái ký. Đó cũng là lý do NLĐ không mặn mà với việc ký kết HĐLĐ.

Sau khi giải thể chi nhánh, công ty cho biết việc chậm chi trả chế độ cho NLĐ là do đối tác chậm thanh toán, đồng thời hứa hẹn sẽ làm việc với đối tác để giải quyết chế độ cho NLĐ trong thời gian sớm nhất. Thế nhưng, sau đó trụ sở chính của công ty tại TP HCM cũng đóng cửa. Việc công ty ngừng hoạt động khiến số lao động nói trên mất trắng quyền lợi. "Chúng tôi muốn khởi kiện nhưng không có HĐLĐ, cũng không có cách nào chứng minh mối quan hệ lao động với công ty. Công ty đã đóng cửa nên chúng tôi không biết tìm ai để đòi" - chị Thu rầu rĩ.

Tư vấn pháp luật cho người lao động tại quận 7, TP HCM Ảnh: HUỲNH NHƯ

Là nhân viên hành chính - nhân sự của một công ty tại quận 8, TP HCM suốt 8 tháng nhưng đến khi đưa nhau ra tòa, bà Tài Thị Kim Ngân mới biết lý do không được ký HĐLĐ là vì "đang học việc". Trước đó, vào tháng 3-2022, sau khi phỏng vấn, bà Ngân nhận được thư mời nhận việc của công ty qua email. Trong đó ghi thời gian nhận việc là ngày 21-3-2022, vị trí trúng tuyển là nhân viên hành chính - nhân sự, thời gian thử việc là 1 tháng, mức lương thử việc là 85% lương chính thức.

Kết thúc giai đoạn thử việc, bà Ngân tiếp tục làm việc tại công ty nhưng không được ký HĐLĐ, đóng BHXH. Đến giữa tháng 11-2022, bà Ngân bị cho nghỉ việc với lý do công ty không hợp tác với bà nữa. Sau đó, bà Ngân kiện công ty ra tòa, yêu cầu đền bù thiệt hại với số tiền ứng số tháng không đóng BHXH, tiền phép năm, trợ cấp thôi việc…

Tại phiên xử do TAND quận 8 tổ chức mới đây, đại diện công ty khẳng định chưa từng ký bất kỳ văn bản nào liên quan đến thử việc hoặc HĐLĐ với bà Ngân. Bà Ngân do Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự của công ty tuyển dụng nhưng không đề xuất ký hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ. Hơn nữa, trong quá trình làm việc bà Ngân cũng không có thắc mắc gì về việc ký HĐLĐ.

Do vậy, công ty chỉ xem như bà Ngân đang học việc và thỏa thuận mức thù lao qua trao đổi giữa hai bên. Tuy nhiên, lập luận trên đã bị tòa bác bỏ bởi công ty đã vi phạm quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc giao kết HĐLĐ, tham gia các khoản bảo hiểm cho NLĐ. Do vậy, tòa buộc công ty phải thực hiện thủ tục đóng BHXH cho bà Ngân.

Bắt tay lách luật

Ngoài vô số lý do để người sử dụng lao động không ký HĐLĐ với NLĐ, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận không ký HĐLĐ để trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Khi sự việc vỡ lở, không chỉ phát sinh tranh chấp mà cả công ty và NLĐ phải đối mặt việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại một công ty ở quận Phú Nhuận, TP HCM cách đây không lâu. Vào tháng 5-2020, công ty này tuyển dụng ông L.T.H vào làm nhân viên lập trình. Sau 2 tháng thử việc, ông H. chủ động yêu cầu công ty hoãn ký kết HĐLĐ cho đến tháng 12-2020 để tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và công ty chấp thuận.

Đầu tháng 12-2020, công ty cho ông H. nghỉ việc với lý do không hoàn thành công việc được giao, dẫn đến tranh chấp về đơn phương chấm dứt HĐLĐ và kéo nhau ra tòa. Tại tòa, phía công ty quả quyết giữa hai bên không tồn tại quan hệ lao động, ông H. không phải là NLĐ của công ty nên không có căn cứ để giải quyết các yêu cầu khởi kiện. Lý do là giữa ông H. và công ty không có HĐLĐ; trên thực tế ông H. làm việc, nhận lương, chịu sự quản lý, điều hành từ bên thứ ba (đối tác của công ty).

Căn cứ hồ sơ vụ án, tại phiên xử phúc thẩm do TAND TP HCM tổ chức mới đây, Hội đồng xét xử nhận định thực tế hai bên đã thực hiện quan hệ lao động theo đúng thỏa thuận trước đó và NLĐ đã làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Dù không giao kết HĐLĐ thì hai bên cũng đã xác lập quan hệ lao động và phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với mỗi bên.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận trước đó giữa các bên, HĐLĐ lần 1 được xác định từ thời điểm ông H. thử việc đến ngày 30-11-2020 (thời điểm ông H. kết thúc hưởng TCTN) và từ ngày 1-12-2020 sẽ ký HĐLĐ lần 2. Công ty cho ông H. nghỉ việc vào ngày 1-12-2020, thời điểm HĐLĐ hết hạn, là phù hợp quy định pháp luật nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ.

Kiến nghị xử lý doanh nghiệp lẫn người lao động

Đối với vụ việc của ông L.T.H, Hội đồng xét xử nhận định theo quy định pháp luật, NLĐ khi có việc làm phải thông báo đến cơ quan chức năng và thực hiện thủ tục chấm dứt hưởng TCTN. Do vậy, việc hưởng TCTN của ông H. khi đã có việc làm là sai quy định. Bên cạnh đó, việc NLĐ thỏa thuận với người sử dụng lao động không giao kết HĐLĐ để NLĐ tiếp tục hưởng TCTN, người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan BHXH xử lý hành vi vi phạm của ông H. lẫn công ty; truy thu số tiền TCTN mà ông H. đã nhận sau khi có việc làm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

HƯƠNG HUYỀN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/thieu-giao-keo-chuoc-rui-ro-20231012210458166.htm