Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp ngành dệt may tiếp tục gặp khó

Ngành dệt may tạo việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 tới nay, do thiếu hụt trầm trọng về đơn hàng, doanh thu sụt giảm khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc đảm bảo mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và giữ chân người lao động.

Kiểm tra sản phẩm tại Công ty TNHH May Đài Loan (Khu công nghiệp Gián Khẩu). Ảnh: Minh Quang

Sau hơn 3 năm gắn bó với Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà, xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn), chị Lê Thị Len, xã Gia Phương buồn bã khi nghe thông báo phải tạm nghỉ việc vì Công ty hết đơn hàng. Chị Len rất lo lắng cho cuộc sống của gia đình mình trong những ngày sắp tới khi nguồn thu nhập chính đã không còn. Chị Len và nhiều người lao động đã đi xin việc làm ở những đơn vị may mặc khác, nhưng đều bị từ chối vì hiện nay hầu hết các công ty may mặc đều gặp khó khăn.

Chị Len chia sẻ: Tôi đang nuôi một đứa con học đại học, một đứa đang chuẩn bị vào đại học. Đúng vào giai đoạn rất cần có kinh tế để nuôi con ăn học thì tôi lại mất việc, nên nỗi lo lắng tăng thêm bội phần. Dẫu vậy, tôi cũng rất chia sẻ với Công ty vì những nỗ lực mà Công ty đã thực hiện nhằm duy trì việc làm cho chúng tôi từ cuối năm 2022 tới nay. Tôi rất mong Công ty vượt qua khó khăn, tìm thêm được đơn hàng để những lao động như tôi sớm được trở lại làm việc. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi được Công ty động viên và hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, các cấp Công đoàn cũng chia sẻ khó khăn bằng những món quà ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, đồng hành, thực sự là người bạn của người lao động.

Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Thiên Hà cho biết: Công ty đi vào hoạt động từ năm 2019, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Thị trường xuất khẩu của Công ty là Mỹ. Trong những năm qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty vẫn ổn định, cao điểm là xuất 250 nghìn sản phẩm/ tháng, người lao động đạt mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, việc sản xuất bắt đầu gặp khó khi các đơn hàng giảm mạnh, người lao động phải thực hiện giảm giờ làm.

Bước vào năm 2023, tình hình sản xuất gặp khó khăn hơn, lượng sản phẩm xuất khẩu giảm tới 60% so với trước. Đến đầu tháng 6 vừa qua, Công ty đã phải cho toàn bộ công nhân tạm nghỉ việc vì không còn đơn hàng. Trong thời gian này, Công ty hỗ trợ người lao động với mức 1 triệu đồng/tháng, mong người lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Trước tình hình này, Công ty tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường, trong đó hướng tới thị trường nội địa. Nếu như trước đây, Công ty chuyên sản xuất hàng dệt kim thì sắp tới sẽ chuyển sang hàng dệt thoi để dễ dàng tìm kiếm đơn hàng hơn. Tất nhiên, khi chuyển sang mặt hàng mới này, chúng tôi sẽ phải chi một khoản kinh phí rất lớn để đầu tư máy móc, thiết bị. Nhưng đó là hướng đi cần thiết để giúp doanh nghiệp tồn tại trong tình hình mới này.

Ông Phùng Minh Chung, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với trên 170 nghìn lao động. LĐLĐ tỉnh đang trực tiếp quản lý 1.085 công đoàn cơ sở (CĐCS) với trên 117.449 CNVCLĐ. Thu nhập bình quân của người lao động khối doanh nghiệp đạt trên 5,1 triệu đồng/người/tháng.

Theo số liệu báo cáo đến ngày 16/5/2023 từ LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành, đã có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (tăng 5 doanh nghiệp so với quý I/2023) với tổng số công nhân lao động bị ảnh hưởng là 20.459 người (số lao động bị giảm giờ làm là 19.788 người, số lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động là 669 người); lao động nữ từ 35 tuổi trở lên là 6.037 người.

Lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều là ngành dệt may với 8 doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH May NienHsing Ninh Bình, Công ty TNHH may Đông Thịnh Hưng, Công ty TNHH May Phoenix, Công ty TNHH Thời trang Itas Mars Intimates (thành phố Tam Điệp), Công ty TNHH Thời trang Itas Mars Intimates (thành phố Ninh Bình); Công ty cổ phần May 5; Công ty TNHH may xuất khẩu Gia Phú và Công ty TNHH may Trung Thành với 5.247 người lao động bị giảm giờ làm và 240 lao động phải chấm dứt hợp đồng.

Trong đó, Công ty TNHH may Đông Thịnh Hưng đang làm thủ tục bán lại Công ty. Nguyên nhân doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm là do thiếu đơn hàng, thiếu nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài làm khan hiếm nguyên, nhiên liệu; lạm phát, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay; thị trường Mỹ, Châu Âu gần như đóng cửa… dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng… Trong khi đó, đa số các công ty trong lĩnh vực may mặc, giầy dép, linh kiện điện tử trong khu công nghiệp là doanh nghiệp gia công, đơn hàng chủ yếu phụ thuộc vào khách hàng cố định, khó tìm kiếm khách hàng mới.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp mới có đơn hàng đến hết tháng 6/2023 như: Công ty TNHH May Đài Loan, Chang Xin, NienHsing, Vienergy…, các tháng sau chưa có kế hoạch sản xuất. Một số doanh nghiệp may mặc, giầy da vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nhưng chỉ để đảm bảo số lao động tối thiểu duy trì hoạt động của nhà máy. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp ngành may mặc đã và đang chủ động xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp để linh hoạt ứng phó. Nhiều doanh nghiệp đã có sự chia sẻ, tạo liên kết đơn hàng. Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí trong sản xuất để tạo được sự cạnh tranh về giá. Đồng thời có giải pháp sắp xếp, điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Để đồng hành cùng doanh nghiệp, mong rằng các ngành liên quan sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, phát triển và thu hút khách hàng nội địa… Ngoài các doanh nghiệp may lớn thu hút hàng nghìn lao động địa phương vào làm việc, trên địa bàn tỉnh ta cũng có nhiều xưởng may vệ tinh quy mô nhỏ đang hoạt động rất tích cực nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động tuổi trung niên.

Trước những khó khăn chung của ngành dệt may, các doanh nghiệp nhỏ, xưởng may gia công cũng chịu sự tác động không nhỏ. Vì vậy, cùng với nỗ lực vượt khó của các cơ sở may mặc, tại nhiều địa phương, chính quyền và các hội, đoàn thể cần quan tâm, đồng hành bằng cách tạo điều kiện để các cơ sở may tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, đoàn thể tổ chức đào tạo nhân lực cho ngành may nhằm tạo nguồn lao động ổn định, có tay nghề cho các cơ sở, xưởng may trên địa bàn.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thieu-don-hang-doanh-nghiep-nganh-det-may-tiep-tuc-gap-kho/d20230606085049247.htm