Thiếu đá xây dựng… trên Cao nguyên đá - Kỳ đầu: Đá đắt… như vàng

Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi người dân “sống trên đá chết nằm trong đá” lại đang thiếu đá phục vụ nhu cầu xây dựng dân dụng và các công trình, dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghịch lý đó đang là thực trạng hiện hữu, cần có giải pháp cấp thiết để giải cơn “khát đá” của 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh.

Giá đá, bột đá chở đến chân các công trình xây dựng trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá những năm gần đây bình quân khoảng trên 500 nghìn đồng/m3. Thậm chí có những công trình ở vùng sâu, biên giới thể lên đến gần 1 triệu đồng/m3. Điều này khiến giá trị đầu tư các công trình bị đội lên, gây khó khăn cho địa phương và người dân.

Vì sao giá đá cao?

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoan, thôn Nà Kệt, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh xây dựng nhà ở mới được khoảng 2 tháng nay. Với thiết kế nhà 2 tầng, dự tính cần khoảng 50 m3 đá xây móng và đổ khung cứng. Trên địa bàn xã không có mỏ đá nên phải thuê chở từ thị trấn Yên Minh vào. Tính ra mỗi mét khối đá lên tới hơn 600 nghìn đồng.

Sống trên Cao nguyên đá nhưng người dân lại thiếu đá xây dựng.

Sống trên Cao nguyên đá nhưng người dân lại thiếu đá xây dựng.

Đây cũng là giá đá chở đến chân các công trình xây dựng NTM ở các xã phía Nam của huyện Yên Minh như: Du Già, Du Tiến, Lũng Hồ, Đường Thượng. Theo thông tin từ lãnh đạo xã Du Già, Du Tiến, giá đá hộc, đá răm, đá 2x4 dao động từ 600 – 750 nghìn đồng/m3 tùy khoảng cách; giá gạch xi măng khoảng 3,5 nghìn đồng/viên. Các mức giá này đều cao gấp 2-3 lần giá mua tại điểm khai thác.

Thế nhưng, đó chưa phải giá cao nhất. Năm 2022, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngọc Long kêu gọi xã hội hóa đổ bê tông điểm trường thôn Tằng Sảm. Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Ngọc Long cho biết, đá và bột đá chở đến điểm trường tính ra hết 850 nghìn đồng/m3. Giá này cao gấp 3,5 lần giá mua điểm mỏ đá ở thị trấn Yên Minh. Giá vật liệu chở vào đến xã cao khiến việc huy động xã hội hóa đầu tư xây dựng cho các điểm trường rất khó khăn.

Tìm hiểu thực tế tại mỏ đá Pắc Luốc 2, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh – mỏ đá vôi duy nhất còn giấy phép khai thác trên địa bàn huyện. Giá đá, bột đá đang bán tại mỏ hiện dao động 250 - 270 nghìn đồng/m3, bằng với thông báo giá vật liệu xây dựng của UBND tỉnh ban hành tháng 4 năm nay. Tuy nhiên, khi chở đến các xã, thôn tiền công, cước cao nên tăng lên từ trên 500 nghìn đồng đến gần 1 triệu đồng/m3 tùy quãng đường và khu vực.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoan, thôn Nà Kệt, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh mua đá làm nhà với giá trên 600 nghìn đồng/m3.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thoan, thôn Nà Kệt, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh mua đá làm nhà với giá trên 600 nghìn đồng/m3.

Tại huyện Đồng Văn, theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết: Với các dự án được giao làm chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phản ánh bình quân giá đá chở từ các mỏ đá của huyện hoặc các huyện lân cận đến chân công trình đều dao động từ 500 nghìn đồng/m3 trở lên. Bởi phần lớn các công trình ở thôn, xã khó khăn trong khi toàn huyện chỉ có 1 mỏ đá được phép khai thác.

Giám đốc một doanh nghiệp tại huyện Yên Minh cho biết: Năm nay công ty trúng thầu một số công trình, dự án. Để đảm bảo luôn có đủ đá xây dựng, đáp ứng tiến độ, nhiều khi công ty phải đặt cọc tiền mua đá trước tại mỏ Pắc Luốc 2 để được ưu tiên. Khi nào số tiền đặt cọc gần hết, công ty tiếp tục đặt cọc thêm tiền. Nhiều nhà thầu không có đủ đá để làm, tiến độ sẽ bị chậm. Thực tế trên là tình trạng chung của 4 huyện vùng Cao nguyên đá. Giờ cầm tiền đi mua vàng có khi dễ hơn mua đá.

Cung không đủ cầu

Huyện Yên Minh có 18 xã, thị trấn; toàn huyện đã quy hoạch 28 điểm mỏ/14 xã nhằm phục vụ nhu cầu khai thác vật liệu xây dựng cho người dân nhưng hiện chỉ có mỏ Pắc Luốc 2 được phép khai thác với công suất hàng năm 25.000 m3 đá nguyên khai (gần 30.000 m3 đá thành phẩm các loại). Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Minh, nhu cầu sử dụng đá của huyện năm 2023 khoảng 105.000 m3, nguồn cung từ mỏ Pắc Luốc 2 chỉ chiếm chưa tới 30% nhu cầu. Chưa kể 5 xã phía Nam huyện Đồng Văn và một số xã phía Bắc huyện Quản Bạ cũng đăng ký mua đá từ mỏ này do trên địa bàn các huyện không có đủ nguồn cung.

Mỏ Pắc Luốc 2 tại Yên Minh chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn huyện.

Mỏ Pắc Luốc 2 tại Yên Minh chỉ đáp ứng 30% nhu cầu đá xây dựng trên địa bàn huyện.

Năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư trên 100 công trình, dự án (chuyển tiếp và khởi công mới); 14 xã trên địa bàn huyện được cấp xi măng xây dựng 63 công trình NTM. Tổng nhu cầu đá, bột đá làm vật liệu xây dựng các công trình khoảng 300.000 m3. Tuy nhiên, huyện chỉ có duy nhất mỏ đá tại thôn Ha Bu Đa, xã Thài Phìn Tủng được cấp phép khai thác với công suất đăng ký 6.000 m3 đá nguyên khai/năm.

Huyện Mèo Vạc cũng không ngoại lệ, toàn huyện có nhu cầu sử dụng đá làm vật liệu xây dựng các công trình trong năm nay trên 110.000 m3, tuy nhiên trên địa bàn cũng chỉ có duy nhất 1 mỏ đá được cấp phép với công suất đăng ký khai thác 30.000 m3 đá nguyên khai/năm.

Khó khăn nhất trong 4 huyện vùng Cao nguyên đá là Quản Bạ. Huyện chưa có mỏ đá nào được phép khai thác. Trong khi toàn huyện cũng có nhu cầu khoảng 80.000 m3 đá phục vụ cho những dự án, công trình trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha chia sẻ: Huyện chỉ có 1 mỏ được cấp giấy phép, nhưng thiếu một số thủ tục về đất đai… nên vẫn chưa được phép khai thác. Đá xây dựng thiếu nên giá thành cao, làm tăng mức đầu tư và ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công các công trình, dự án. Nhưng khó khăn hơn cả là các hộ dân có nhu cầu xây dựng nhà ở. Đa phần đời sống người dân huyện Quản Bạ và các huyện vùng cao của tỉnh vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nên giá đá như hiện nay là gánh nặng lớn đối với các hộ.

Theo thống kê, năm 2023, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 4 huyện vùng Cao nguyên đá được phân bổ trên 94 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà ở mới cho gần 2.000 hộ, định mức 40 triệu đồng/hộ và sửa chữa nhà ở cho gần 900 hộ, định mức 20 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, còn có hàng nghìn hộ dân trên vùng Cao nguyên đá có nhu cầu xây dựng nhà ở dân dụng. Tổng lượng đá cần thực hiện cho xây dựng dân dụng ước tính lên tới hàng chục nghìn m3.

Trước thực trạng khan hiếm đá trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá, chắc chắn tiến độ triển khai các dự án đầu tư ở các địa phương sẽ bị ảnh hưởng. Đồng thời chương trình hỗ trợ nhà ở theo chính sách của các Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rất khó thực hiện hiệu quả nếu “bài toán” về vật liệu không được giải quyết triệt để.

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202307/thieu-da-xay-dung-tren-cao-nguyen-da-ky-dau-da-dat-nhu-vang-72c35a8/