Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Nhờ được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, những năm qua, sản phẩm cam Cao Phong đã đến được thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo gắn với hỗ trợ, phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, địa phương kịp thời nắm bắt, quán triệt mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình; một số cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chương trình theo chức năng, thẩm quyền được giao. Đồng thời, lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tăng cường triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã tư vấn hỗ trợ về tra cứu khả năng bảo hộ, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cho hơn 40 lượt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Hướng dẫn các tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh về sở hữu trí tuệ, các địa phương về quy trình, thủ tục xin phép sử dụng tên địa danh và phê duyệt bản đồ nhằm hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 5 sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh; ban hành công văn thông báo và hướng dẫn thủ tục gia hạn hiệu lực cho 2 nhãn hiệu tập thể là rau quả hữu cơ Lương Sơn và hạt dổi Lạc Sơn.

Tiếp tục duy trì, vận hành Trạm Khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) tại tỉnh Hòa Bình để thống kê thông tin, số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và một số tỉnh, thành phố lân cận về các hoạt động về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Các đơn vị cũng tăng cường quản lý, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh trên website: txng. hoabinh.vn; thường xuyên cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để thúc đẩy quảng bá, giao thương sản phẩm. Cập nhật thông tin, số lượng sản phẩm OCOP mới được công nhận của tỉnh trên website. Các địa phương triển khai hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Các sở, ngành, địa phương đã chủ trì, phối hợp tổ chức 4 hội nghị, hội thảo, chương trình tuyên truyền, phổ biến liên quan đến xây dựng, quảng bá và phát triển các sản phẩm đặc sản của tỉnh và tài sản trí tuệ khác.

Ngoài ra, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh về sở hữu trí tuệ góp phần tạo ra tài sản trí tuệ có chất lượng, giá trị cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, tiêu biểu là nhiệm vụ về xây dựng và phát triển Chỉ dẫn địa lý "Kim Bôi” cho sản phẩm nước khoáng của huyện Kim Bôi; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Chè Trung Thành” cho sản phẩm chè của xã Trung Thành, huyện Đà Bắc.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở về xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản như: Gà đen Pà Cò - Mai Châu, cá dầm xanh Mai Châu, nhãn Lương Sơn, rượu cần Lương Sơn, lạc Yên Thủy; đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP cấp huyện thực hiện đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Hoạt động thúc đẩy sáng kiến và phong trào thi đua lao động sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, Sở KH&CN đã cấp 1 giấy phép nhập khẩu văn hóa phẩm và phê duyệt nội dung văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh; xác nhận 31 hiện vật là nhạc cụ dân tộc địa phương để Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tặng bà con dân tộc Mường tại bản Đon, huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào); đề nghị tác giả tác phẩm "Vũ khúc mùa Xuân” (mẫu quà tặng đối ngoại) chuyền nhượng quyền sở hữu trí tuệ cho UBND tỉnh.

Theo đánh giá của đồng chí Phạm Thế Hải, Phó Giám đốc Sở KH&CN, việc triển khai các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, đăng ký, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý... góp phần tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ trong những năm tiếp theo, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh.

Hồng Trung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/188286/thiet-thuc-chuong-trinh-phat-trien-tai-san-tri-tue.htm