Thiết lập 'đường 2 chiều' để phát triển

Đó là chiều kiến nghị từ cơ sở đến Trung ương, và ngược lại. Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cùng các vị ĐBQH là cầu nối hữu hiệu, hỗ trợ rất nhiều cho địa phương.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc lãnh đạo tỉnh An Giang trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Theo thông lệ, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành, để lắng nghe đề xuất, kiến nghị của tỉnh gửi đến Trung ương. Nhiều vấn đề được Trung ương phản hồi trước kỳ họp kế tiếp của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh tháo gỡ băn khoăn, vướng mắc.

Điển hình như, trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, An Giang đề xuất sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) theo hướng bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với nhóm đối tượng là DN nhỏ, siêu nhỏ, đặc biệt là chính sách ưu đãi để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động sang DN theo quy định tại Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Ngày 13/3/2023, Bộ Tài chính phản hồi, lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi.

Nhiều bộ, ngành ban hành văn bản trả lời tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất - kinh doanh gây ô nhiễm môi trường xen kẽ trong khu dân cư vào khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp; việc tổ chức giảng dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp THPT trong trường trung cấp, cao đẳng; vấn đề thu học phí cho năm học 2022 - 2023 tại địa phương; công nhận Quốc lộ 80B đi qua địa phận tỉnh An Giang; dự án đầu tư xây dựng cầu qua sông Vàm Nao thay thế bến phà Thuận Giang trên Quốc lộ 80B và dự án cầu qua sông Tiền…

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp diễn ra. Nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển năm 2023 và trong giai đoạn tới, thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề.

Về giao thông, đề xuất hỗ trợ dự án đường tránh đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (nối Tỉnh lộ 945 và 947). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, huyện Châu Phú có tuyến Quốc lộ 91 qua địa bàn huyện dài 30,2km, mặt đường bê-tông nhựa rộng từ 9 - 11m. Đây là tuyến giao thông độc đạo, huyết mạch nối TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc, là tuyến giao thông quan trọng kết nối tỉnh An Giang với TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia. Hiện nay, lưu lượng xe trên Quốc lộ 91 ngày càng nhiều, thường xuyên kẹt xe và xảy ra tai nạn giao thông (nhất là đoạn qua thị trấn Cái Dầu).

Ngoài ra, mặt đường nhỏ hẹp, tải trọng bị hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, trao đổi hàng hóa ngày càng tăng của nhân dân. Do yêu cầu cấp thiết, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung, chiều dài 9,5km, chiều rộng nền đường 12m, tổng kinh phí gần 1.500 tỷ đồng.

An Giang kiến nghị Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư quy định cụ thể mức chi nhằm thực hiện công tác quản lý, tổ chức cai nghiện ma túy theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Hiện nay, địa phương chưa thể phân bổ nguồn kinh phí áp giải người nghiện, xác định tình trạng nghiện cũng như các chế độ hỗ trợ cán bộ tham gia công tác quản lý người nghiện (do chưa có văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương). Công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng chưa triển khai thực hiện do đang chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Địa phương chưa chỉ định được tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện.

Đối với lĩnh vực xây dựng, tỉnh đề xuất điều chỉnh, bổ sung UBND cấp tỉnh được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng. Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 68 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5.2022, Chính phủ quy định: “...Phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng...”.

Như vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ có thẩm quyền phê duyệt, không có thẩm quyền thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (thẩm quyền thẩm định theo Luật Xây dựng là do cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc UBND cấp huyện thực hiện). Nội dung này chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khi Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh được UBND cấp tỉnh phân cấp.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chia sẻ: “Tại kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển tải gần 30 lượt ý kiến đến nghị trường Quốc hội, nỗ lực hoàn thành trọng trách với tỉnh và bà con cử tri. Tại kỳ họp sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tải đề xuất, kiến nghị đã tổng hợp được sau đợt tiếp xúc cử tri và gặp gỡ lãnh đạo tỉnh.

Tuy nhiên, để quá trình chuyển tải ý kiến đến Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành được hiệu quả hơn, rất mong tỉnh đồng hành với ĐBQH trong suốt kỳ họp, kịp thời cung cấp thông tin, số liệu, vấn đề cụ thể; tăng cường cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các bên, cùng hướng đến sự phát triển của tỉnh. Mặt khác, rất nhiều nội dung được bàn luận, trao đổi, quyết định tại kỳ họp, cần được cử tri và nhân dân tỉnh nhà theo dõi; thông tin rộng rãi trên phương tiện truyền thông, lan tỏa sâu rộng đến mọi cán bộ, đảng viên”.

Dự kiến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 22/5/2023, bố trí thành 2 đợt họp, để các cơ quan của Quốc hội và cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết; ĐBQH kiêm nhiệm giải quyết công việc ở bộ, ngành, địa phương. Kỳ họp xem xét thông qua 8 luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/thiet-lap-duong-2-chieu-de-phat-trien-a361712.html