Thiết lập 54 khu vực hành lang bảo vệ bờ biển

Sáng 19/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong chủ trì phiên họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh, nhằm thông qua Danh mục thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận.

Thiết lập 54 khu vực hành lang b

Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo.

Theo báo cáo dự thảo của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong bối cảnh vùng bờ dễ bị tổn thương do sạt lở, bão lũ, ngập lụt, biến đổi khí hậu… hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) được xem là một trong những công cụ quan trọng góp phần quản lý bền vững hệ thống ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các hệ sinh thái và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển.

Thực hiện các quy định trong Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kết hợp với Liên danh Công ty cổ phần Quốc Thái An, Trung tâm Trắc địa bản đồ biển, Viện Kỹ thuật công trình thực hiện xây dựng dự thảo Danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB tỉnh Bình Thuận. Dự thảo này đã được chỉnh sửa, hoàn thiện theo góp ý từ 4 đợt lấy ý kiến các bộ, ngành Trung ương, của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan tại Bình Thuận.

Sơ đồ vùng biển sạt lở và nguy cơ sạt lở tại Bình Thuận.

Theo đó, Danh mục thiết lập HLBVBB tỉnh Bình Thuận gồm 54 khu vực với tổng chiều dài 112,189 km, trong đó ở đất liền 51 khu vực với tổng chiều dài bờ biển 110,125 km, gồm huyện Tuy Phong, Bắc Bình, TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi và huyện Hàm Tân. Riêng huyện Phú Quý gồm 3 khu vực trên địa bàn 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với tổng chiều dài bờ biển 2,064 km…

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nhấn mạnh, đây là việc quan trọng, thực hiện theo Luật Tài nguyên môi trường. Thời gian qua,Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, nghiêm túc thực hiện các thủ tục, đến nay đã thực hiện tốt việc lấy ý kiến các sở ngành, địa phương…

UBND tỉnh thống nhất danh mục thiết lập HLBVBB tỉnh Bình Thuận gồm 54 khu vực với tổng chiều dài 112,189 km. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến sở ngành, địa phương về điều chỉnh một số nội dung, hoàn thiện dự thảo, điều chỉnh bổ sung khu vực… Sau khi phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường cần xác định chiều rộng của từng khu vực, cố gắng thực hiện hoàn thành sơ bộ, trước khi xin ý kiến của bộ, ngành…

Kiều Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thiet-lap-54-khu-vuc-hanh-lang-bao-ve-bo-bien-136007.html