Thiết kế bao bì phù hợp với phát triển xanh

Quy trình kiểm soát rác thải nhựa sẽ trở thành xu hướng trong sản xuất và thiết kế bao bì mới. Do đó, để xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thiết kế bao bì cho phù hợp, vì các tiêu chuẩn về phát triển xanh, bền vững sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm 2030.

Xuất khẩu sang thị trường CPTPP tăng trưởng ấn tượng

Sau gần 5 năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời mang lại uy tín và hiệu quả lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam - bà Tạ Thu Hà, Phó Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương đánh giá tại Tọa đàm "Phát triển bền vững xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP," do Báo Công thương tổ chức ngày 24.10.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP liên tục tăng trưởng ở hai con số. Riêng năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn về tình hình thế giới, song xuất khẩu sang CPTPP vẫn đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với 2021. Tại các thị trường lần đầu tiên có quan hệ thương mại tự do với Việt Nam trong CPTPP như Canada, Mexico, tăng trưởng xuất khẩu liên tục đạt từ 12 - 30%. Đáng chú ý, thặng dư thương mại từ các nước Canada, Mexico, Peru trong năm 2022 đạt 11 tỷ USD, chiếm 95% tổng thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Trưởng phòng Đông Nam Á, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công thương, bổ sung, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với 6 nước thành viên CPTPP tại châu Á đạt 89,2 tỷ USD, tăng 8,6% năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 20%.

Lợi ích đáng kể nữa của CPTPP được ông Dũng chỉ ra là đã tạo đòn bẩy để đưa hàng hóa Việt Nam ra các nước. Bên cạnh đó, thông qua CPTPP, Việt Nam có thể tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá cạnh tranh, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước. CPTPP cũng tạo cơ hội để doanh nghiệp của Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh, là động lực để gia tăng hàm lượng công nghệ cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ở góc độ ngành hàng, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, điều thay đổi căn bản là nhờ CPTPP đã tạo sự dịch chuyển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu vào Việt Nam, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 45% lên tới 55% và sẽ còn tiếp tục gia tăng.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với 2021. Nguồn: ITN

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với 2021. Nguồn: ITN

Theo dõi sát quy định của các nước để kịp thích ứng

Dù vậy, hàng hóa Việt Nam đang đối diện với nhiều rào cản khi các nước thành viên siết chặt các vấn đề môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Chẳng hạn, dự luật chống mất rừng và suy thoái của Anh - thành viên mới nhất của CPTPP, được đánh giá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành gỗ, các sản phẩm cà phê, cao su, chè của Việt Nam.

Còn tại Canada, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết, nước này đã đưa ra những quy định mới về ghi nhãn hàm lượng tái chế với sản phẩm nhựa, cấm nhập khẩu sản phẩm đồ uống có ống hút nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần. Canada cũng là nước đi đầu trong khối G7 và OECD về áp đặt trách nhiệm mở rộng không chỉ với bên tham gia thiết kế, sở hữu thương hiệu mà cả với nhà bán buôn, phân phối, thậm chí là áp đặt tới nhà bán lẻ cuối cùng. Điều này buộc các nhà nhập khẩu phải có trách nhiệm với việc thu hồi, quản lý sản phẩm nhựa cuối vòng đời sản phẩm thông qua trả tiền đặt cọc bao bì, thu hồi sản phẩm, lắp đặt hệ thống thu nhận bao bì… "Đây là những rào cản phi thuế quan rất bất lợi cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, vì các doanh nghiệp của nước ta rất khó triển khai hay ủy quyền triển khai trách nhiệm sản xuất mở rộng này", bà Quỳnh đánh giá.

Singapore cũng đặt yêu cầu về nhãn xanh, sản xuất xanh, buộc các nước phải chứng nhận xanh thực sự cho sản phẩm xuất khẩu vào nước này, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về khí thải. Singapore và Malaysia cũng thường xuyên ban hành tiêu chuẩn mới về bảo vệ môi trường, sản xuất xanh…

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, sản xuất xanh của các nước thành viên CPTPP - cũng là xu hướng tất yếu của thế giới, các chuyên gia, nhà quản lý lưu ý, doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát quy định của các nước thành viên CPTPP cũng như các nước công nghiệp phát triển, tập trung thay đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường. Đặc biệt, theo bà Trần Thu Quỳnh, quy trình kiểm soát rác thải nhựa chắc chắn sẽ trở thành xu hướng chung trong quy trình sản xuất và thiết kế bao bì mới. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý công tác lưu trữ hồ sơ để bảo đảm khi nhà nhập khẩu yêu cầu. Các tiêu chuẩn về phát triển xanh, bền vững sẽ có hiệu lực đầy đủ vào năm 2030, vì thế các doanh nghiệp cũng phải xây dựng chiến lược thiết kế bao bì cho phù hợp với quy định mới.

Về phía Bộ Công thương, bà Tạ Thu Hà cho biết, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát lộ trình, thời gian phê chuẩn thực thi các quy định mới của các nước thành viên CPTPP, từ đó sẽ có phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm tối đa lợi ích của doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ cũng kịp thời có cảnh báo, phổ biến thông tin cho doanh nghiệp để tránh bị động; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…

Với các thị trường cụ thể như Anh, Canada, Bộ cũng sẽ đề xuất để họ cung cấp các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cần thiết, qua đó nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng mô hình sản xuất bền vững, đáp ứng nhu cầu của các nước, bà Hà thông tin thêm.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thiet-ke-bao-bi-phu-hop-voi-phat-trien-xanh-i347586/