Thiết giáp hạm 'đồ cổ' New Jersey chuẩn bị trải qua đợt nâng cấp lớn

Chiến hạm USS New Jersey đã ngừng hoạt động của Mỹ sẽ trải qua một cuộc đại tu, nâng cấp lớn sau 30 năm nằm im tại bến cảng với vai trò tàu bảo tàng.

Ngày 21/3, một sự kiện được tổ chức tại New Jersey nhằm kỷ niệm chiếc thứ hai trong loạt thiết giáp hạm lớp Iowa - chiếc USS New Jersey rời cảng để phục hồi và sửa chữa.

Được rút khỏi hạm đội vào năm 1991, con tàu lần đầu tiên rời bến cảng của mình sau nhiều thập kỷ và chuyển đến ụ khô của nhà máy đóng tàu hải quân, nơi nó được hạ thủy vào năm 1942.

Theo ban quản lý tàu bảo tàng, việc bảo trì chiếc New Jersey rất quan trọng đối với tuổi thọ của chiến hạm nặng 57.500 tấn. Công việc phục hồi dự kiến sẽ kéo dài khoảng hai tháng, bao gồm sơn thân tàu, khôi phục hệ thống chống ăn mòn và nhiều cuộc kiểm tra khác.

USS New Jersey là con tàu được trang trí đẹp nhất trong lịch sử Hải quân Hoa Kỳ.

Trang web của bảo tàng nhấn mạnh rằng trong thời gian phục vụ kể từ năm 1942, chiếc thiết giáp hạm này “đã đi được nhiều dặm hơn, tham gia nhiều trận chiến hơn và bắn nhiều quả đạn pháo hơn bất kỳ thiết giáp hạm nào khác trong lịch sử”.

Sau Thế chiến thứ hai, nó bị loại bỏ và chuyển sang cái gọi là hạm đội dự bị. Tuy nhiên vào năm 1950, trong khuôn khổ đợt huy động hải quân, USS New Jersey đã được đưa trở lại phục vụ để hỗ trợ pháo binh cho quân đội của Liên hợp quốc và Hàn Quốc.

Là thành viên của Hạm đội 7 Hoa Kỳ trong 6 tháng, con tàu đã hỗ trợ lực lượng mặt đất của lực lượng Liên hợp quốc với những khẩu pháo cỡ lớn lên tới 406 mm của mình.

Chiến hạm USS New Jersey bắn vào các mục tiêu của Triều Tiên gần vĩ tuyến 38, tháng 11 năm 1951.

Trong trận giao tranh tại Wonsan, thiết giáp hạm bị một khẩu đội pháo bờ biển bắn trúng tháp pháo số một, khiến một chiến binh thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.

Ngày 21/8/1957, USS New Jersey được cho ngừng hoạt động và đưa về “hạm đội dự bị” để bảo quản. Tuy nhiên vào tháng 8 năm 1967, họ đã quyết định "tái ngũ" để tham gia cuộc chiến Việt Nam.

USS New Jersey được chọn bảo quản trong số các thiết giáp hạm khác vì tình trạng kỹ thuật tốt hơn. Nó đã trải qua một cuộc đại tu và hiện đại hóa lớn, trong đó các khẩu pháo phòng không 20 mm và 40 mm bị tháo dỡ. Con tàu được trang bị khí tài tác chiến điện tử hiện đại và một radar mới.

Trong chiến tranh, tàu được sử dụng làm căn cứ pháo binh nổi di động để tấn công các mục tiêu trên bộ, chế áp pháo binh và phá hủy các công sự.

Ngày 17 tháng 12 năm 1969, thiết giáp hạm USS New Jersey được đưa về lực lượng dự bị để bảo quản.

Bệ phóng tên lửa hành trình Tomahawk trên thiết giáp hạm USS New Jersey.

Chiếc USS New Jersey "tái ngũ" lần thứ ba vào năm 1981 như một phần trong kế hoạch của Tổng thống Ronald Reagan nhằm xây dựng một hạm đội gồm 600 tàu chiến.

Tàu được nâng cấp với vũ khí tối tân vào thời điểm đó, bao gồm 4 bệ phóng Mk 141 cho 16 tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon, 8 bệ phóng cho 32 tên lửa BGM-109 Tomahawk và 4 module phòng thủ tầm cực gần Phalanx.

Năm 1983, tàu New Jersey được cử đến Lebanon để hỗ trợ lực lượng Mỹ, sau đó nó tham gia một số hoạt động ở Vịnh Ba Tư cho đến năm 1990.

Với sự sụp đổ của Liên Xô, ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm đáng kể và việc vận hành các thiết giáp hạm được coi là quá tốn kém và không thực tế. Vì vậy vào ngày 8/2/1991, New Jersey đã ngừng hoạt động lần cuối và neo đậu tại cảng cho tới nay.

Thiết giáp hạm USS New Jersey là con tàu mang tính biểu tượng của Hải quân Mỹ.

Theo The War Zone

Sao Đỏ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thiet-giap-ham-do-co-new-jersey-chuan-bi-trai-qua-dot-nang-cap-lon-post676451.html