Thiết giáp chở quân BTR-T của Nga 'vững chắc' hơn mọi xe bọc thép phương Tây

Thiết giáp chở quân hạng nặng BTR-T, lần đầu tiên được trình diễn vào cuối những năm 1990, cho đến nay vẫn có khả năng bảo vệ rất ấn tượng.

Xe thiết giáp chở quân hạng nặng BTR-T dựa trên khung gầm T-55 cung cấp khả năng bảo vệ trước các loại vũ khí hiện đại tốt như một xe tăng chiến đấu chủ lực.

BTR-T ra đời khi Nga nhận thấy các mẫu xe bọc thép bánh hơi hiện đại như BTR-80 và BRDM, các loại xe thiết giáp bánh xích bao gồm BMP và MT-LB, không thể thường xuyên bảo vệ được binh sĩ trên chiến trường.

Những kinh nghiệm rút ra từ các cuộc chiến tranh của Quân đội Nga tại Afghanistan và Tresnia đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc bảo vệ binh lính khỏi mối nguy hiểm ngày càng đa dạng hơn.

Các phiên bản xe tăng T-55 đã lạc hậu và dần trở nên không hiệu quả trong điều kiện tác chiến hiện đại, do đó nó đã bị loại khỏi biên chế của Quân đội Nga trong những năm cuối của thế kỷ 20.

Một số lượng lớn T-55 đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia, nhưng hiện nay loại xe tăng này đang được tái sử dụng trong Quân đội Nga với tư cách pháo tự hành và đặc biệt là xe bọc thép hạng nặng.

Điểm nổi bật của BTR-T là tháp pháo nhỏ gồm tổ hợp súng - tên lửa hiện đại gắn trên khung xe tăng. BTR-T có thể dùng để vận chuyển lính bộ binh cơ giới trong các điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hay trong tầm hỏa lực địch.

Module tác chiến gắn trên BTR-T gồm pháo tự động 30 mm và tên lửa chống tăng Konkurs, có thể hạ được các mục tiêu đa dạng từ xe thiết giáp nhẹ trên mặt đất hay trực thăng, cho đến xe tăng chiến đấu chủ lực.

Cấu trúc xe được thiết kế lại để đủ chỗ cho 1 lái xe, 1 trưởng xe và 5 lính bộ binh. Hệ thống bảo vệ của BTR-T được tăng cường nhờ những ống phóng đạn khói tích hợp, hệ thống chống mìn và giáp phản ứng nổ (ERA).

Về khả năng bảo vệ, theo báo chí Nga, BTR-T nó vượt trội hơn tất cả các phương tiện chiến đấu bộ binh của Liên Xô trước đây và phương Tây có sẵn trong đội hình Lực lượng vũ trang Ukraine chẳng hạn như M2 Bradley, Marder và Strf 90.

Độ vững chắc được đảm bảo bởi lớp giáp dày, trên đó lắp đặt các phiến giáp ERA thích hợp. Ống phóng lựu khói của hệ thống ngụy trang 902B "Tucha" được gắn ở phía sau thân xe, ngoài ra khả năng chống mìn của BTR-T cũng được tăng cường.

Điều đáng chú ý là nhiều module tác chiến điều khiển từ xa hiện đã được tạo ra, bao gồm cả những module trang bị pháo 57 mm hoàn toàn đủ khả năng lắp đặt trên khung gầm BTR-T, mang lại sức mạnh hỏa lực vượt trội.

Khi được trang bị tháp pháo mới, xe bọc thép chở quân BTR-T thậm chí phải được phân loại là xe chiến đấu bộ binh, khi có thể tiến cùng đội hình tấn công, hay thay thế xe tăng đột phá qua cửa mở nếu cần thiết.

Phương tiện chiến đấu đặc biệt này có tốc độ tối đa là hơn 50 km/h. Dự trữ nhiên liệu cho tầm hoạt động 500 km. Trọng lượng chiến đấu lên tới 38,5 tấn.

Ngoài ra có ý kiến cho rằng thay vì xe tăng hạng trung dòng T-54/55, khung gầm của xe cứu kéo BTS-2 hoặc BTS-4 đã lỗi thời cũng có thể được sử dụng làm cơ sở cho xe thiết giáp chở quân BTR-T.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thiet-giap-cho-quan-btr-t-cua-nga-vung-chac-hon-moi-xe-boc-thep-phuong-tay-post566924.antd