Thiết bị tự động sản xuất mạ mầm

Hiện nay, nguồn đất đai dành cho trồng trọt lấy nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Hệ thống có thể tự sản xuất mạ mầm làm thức ăn chăn nuôi cho trâu bò.

Dây chuyền này được thực hiện tự động từ khâu ngâm hạt giống, cấp nước, tháo nước, rải hạt ẩm vào khay, chiếu sáng/ điều tiết ánh sáng, phun ẩm/ tạo ẩm… phục vụ chăn nuôi gia súc.

Trồng cây không cần đất

Hiện nay, nguồn đất đai dành cho trồng trọt lấy nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc chủ động được nguồn thức ăn cung cấp cho gia súc nói chung và cho bò nói riêng, nhất là nguồn thức ăn xanh trong mùa khô. Việc nghiên cứu, chế tạo ra một hệ thống trồng trọt mới không sử dụng đất là một yêu cầu cần thiết.

Viện Nghiên cứu Thiết kế Chế tạo máy Nông nghiệp (Bộ Công Thương) đã triển khai thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị tự động sản xuất mạ mầm làm thức ăn cho bò quy mô công nghiệp”, do ThS Mai Thanh Huyền làm chủ nhiệm.

Thành công này đã mở ra hướng mới cho ngành chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng, góp phần thúc đẩy ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đình Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế Chế tạo Máy nông nghiệp cho biết, trước sự phát triển của khoa học và công nghệ, trong lĩnh vực trồng trọt, mới chỉ có cây lúa có mức độ cơ giới hóa cao ở nhiều khâu.

Các loại cây trồng khác như mía, ngô, rau quả… chỉ mới cơ giới hóa ở khâu làm đất, gieo hạt và chưa áp dụng được nhiều trong khâu thu hoạch, bảo quản, nhất là khâu sản xuất chế biến. Do đó các nhà khoa học đã bắt tay nghiên cứu, cải thiện thực trạng này.

Trong hai năm thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu tổng quan về bò, về chăn nuôi bò và về công nghệ/ thiết bị sản xuất mạ mầm làm thức ăn cho bò trên thế giới và ở Việt Nam.

Từ những kết quả thu thập được, nhóm xây dựng nguyên lý, kết cấu của hệ thống, dây chuyền thiết bị thỏa mãn yêu cầu về công nghệ và năng suất, cũng như đáp ứng về tính đồng bộ và tự động hóa trong quá trình vận hành sản xuất.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được một hệ thống dây chuyền thiết bị mới phù hợp điều kiện ở Việt Nam và tiết kiệm chi phí về kinh tế so với dây chuyền thiết bị nhập khẩu. Hệ thống có khả năng trồng/tạo thức ăn thô xanh (tạo mạ mầm) từ nguyên liệu hạt ngũ cốc như ngô, lúa. Hệ thống dây chuyền thiết bị này được thực hiện tự động nhờ hệ thống điện điều khiển và điện - khí nén.

Thức ăn cho nhiều loại gia súc

Qua khảo nghiệm đo đạc số liệu thực tế ở quy mô công nghiệp cho thấy đối với hạt lúa thường tỷ lệ nảy mầm đạt 97,4%; tổng chiều dài của sản phẩm khoảng 137mm; đối với hạt ngô tỷ lệ nảy mầm đạt 98,7%; chiều dài mầm 155mm; đối với hạt lúa mì tỷ lệ nảy mầm đạt 98,2%; chiều dài mầm là 195,3mm, năng suất của hệ thống đạt 1,28 - 1,55 tấn sản phẩm/ngày. Hệ thống dây chuyền này hoàn toàn có thể sử dụng để sản xuất được nhiều loại rau mầm phục vụ cho con người.

Theo ThS Mai Thanh Huyền, tạo mầm thức ăn thô xanh/ thủy canh là một hệ thống canh tác mà không sử dụng môi trường đất. Môi trường được sử dụng chỉ là môi trường lỏng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cây.

Một số ưu điểm của phương pháp canh tác này bao gồm: Có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp lớn với thời gian nhanh hơn. Không cần đến diện tích đất nhiều. Việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc hóa học gần như không tồn tại/ không cần sử dụng. Các sản phẩm thực vật/ thức ăn xanh có thể được tạo ra trong suốt cả năm và không phụ thuộc vào mùa vụ.

PGS.TS Nguyễn Đình Tùng đánh giá, thành công của đề tài nghiên cứu đã mở ra định hướng mới cho ngành chăn nuôi gia súc nói chung và chăn nuôi bò nói riêng, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, ngoài ra thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp sản xuất xanh, bền vững và tiết kiệm năng lượng.

Nhằm phát triển hơn nữa kết quả của đề tài, nhóm tác giả mong muốn tiếp tục thực nghiệm với nhiều loại nguyên liệu khác làm thức ăn xanh cho nhiều loại gia súc khác nhau. Đồng thời, chuyển giao/ ứng dụng thiết bị này để sản xuất thức ăn xanh cho người, phát triển hệ thống ở quy mô lớn hơn nữa và ứng dụng điều khiển, giám sát thông minh cho hệ thống.

Ngoài ra, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Thiết kế Chế tạo Máy nông nghiệp đã triển khai nhiều đề tài/ dự án có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao, góp phần phát triển một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Điển hình như dự án: “Hoàn thiện thiết kế và chế tạo các hệ thống thiết bị sấy và sơ/ chế biến nông sản quy mô công nghiệp”. Các nhà khoa học của Viện đã chế tạo thành công dây chuyền thiết bị sấy và sơ/ chế biến nông sản (ngô, sắn khúc) đạt yêu cầu kỹ thuật về nâng cao công suất nhiệt cho lò đốt và hiệu quả quá trình sấy.

Đáng chú ý, so với các thiết bị tương đương trong và ngoài nước, dây chuyền do Viện chế tạo hoạt động ổn định, có ưu điểm nổi trội là tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường (công suất nhiệt lò đốt tăng khoảng gần 56% trong khi hiệu suất nhiệt lò đạt gần 88%; năng suất máy sấy tăng gấp 2 - 3 lần, độ khô đồng đều khoảng trên 99,6%, độ vỡ vụn nhỏ khoảng 0,15 - 1,05%, đặc biệt nhiên liệu đốt tiết kiệm được khoảng gần 20%).

Chi Nhật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thiet-bi-tu-dong-san-xuat-ma-mam-post667521.html