Thiêng liêng miền đất Tổ

Ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đang đến rất gần, đây là ngày mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý 'Uống nước, nhớ nguồn'.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp giáo dục truyền thống, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Tiêu Dao

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng là dịp giáo dục truyền thống, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Ảnh: Tiêu Dao

Trong hiện đại nhớ tiếng cội nguồn

Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.

Từ xa xưa, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470, đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “Uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hai lần về thăm Đền Hùng (ngày 19/9/1954 và ngày 19/8/1962). Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1/3 đến 10/3 âm lịch).

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể hiện lòng thành kính, tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân, giữ nước. Tục thờ cúng các Vua Hùng là một phong tục hiếm có, không một quốc gia trên thế giới nào có được. Tuy là một truyền thuyết huyền thoại, nhưng lại giáo dục cho tất cả các thế hệ con cháu của chúng ta lòng biết ơn, ý thức về cội nguồn, giống nòi, mối quan hệ máu thịt để hễ cứ là con dân đất Việt, dù ở đâu trên trái đất này đều được gọi bằng hai tiếng thân thương “đồng bào”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra nhà nước Việt Nam. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, dân tộc Việt Nam đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vương trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Nghi thức dâng bánh chưng, bánh giày lên các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Thanh Thủy

Nghi thức dâng bánh chưng, bánh giày lên các Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ. Ảnh: Thanh Thủy

Từ di sản thành động lực phát triển

Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, bởi tục thờ cúng các Vua Hùng không những thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn về lòng tự tôn dân tộc, tình cảm của con cháu đối với tổ tiên có từ hàng nghìn năm và được truyền lại từ rất nhiều đời nay.

Nói như Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam: “Không đâu có thể tạo được hình tượng Quốc tổ trong lòng dân tộc như ở Việt Nam. Hình thức thờ Quốc tổ của Việt Nam là hình thức phóng đại của thờ cúng tổ tiên vì người Việt coi dân tộc như một gia đình, có cha có mẹ, có “tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”. Nói đến giá trị văn hóa tâm linh thì đây là ý thức hướng về cội nguồn, cộng đồng, đặc biệt là sự kết nối cộng đồng. Quốc gia phải có nơi quy tụ mà sự quy tụ này rất ăn khớp với tâm thức của người Việt là hướng về cội nguồn, cộng đồng, tổ tiên của mình. Hình thức này đến nay ngày càng được vun đắp, vì người ta nhìn thấy ở đó sức mạnh đại đoàn kết, sức mạnh quy tụ dân tộc... Do đó, lễ giỗ Quốc tổ là một sự sáng tạo, một nghi thức hết sức độc đáo của Việt Nam. Có thể ở các nước cũng có hình thức tương tự nhưng chỉ là tín ngưỡng thờ cúng, còn lễ hội hằng năm thì chỉ Việt Nam mới có".

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thieng-lieng-mien-dat-to-post474674.html