Thiên tai làm thiệt hại nhiều vườn cây ăn trái

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mùa mưa năm 2021 xuất hiện sớm tại nhiều khu vực và mùa mưa bắt đầu giữa tháng 4. Theo đó, cuối tháng 5 có một đợt mưa trên diện rộng, kéo dài 7 ngày với một vài nơi mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa các tháng đầu năm hầu hết cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Cùng với đó, nắng nóng cục bộ xuất hiện sớm nhưng mùa nắng nóng năm nay hoạt động ở mức dưới TBNN.

Tại tỉnh Sóc Trăng, đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nên xuất hiện nhiều đợt mưa dông, lốc xoáy làm ảnh hưởng đến cây ăn trái của người dân khoảng 39ha, tập trung tại huyện Kế Sách. Thiệt hại về cây ăn trái đã làm giảm thu nhập của hộ dân, gây tâm lý lo lắng của người dân về các mùa vụ sản xuất trong những tháng mùa mưa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do mưa dông, lốc xoáy đã làm thiệt hại các loại cây ăn trái đặc sản như: sầu riêng, vú sữa, xoài, măng cụt... của nhiều nhà vườn tại xã Xuân Hòa (Kế Sách).

Nhiều loại cây ăn trái trồng lâu năm bị ngã đổ do mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra vào đầu tháng 7 tại xã Xuân Hòa (Kế Sách). Ảnh: THÚY LIỄU

Nhiều loại cây ăn trái trồng lâu năm bị ngã đổ do mưa dông kèm lốc xoáy xảy ra vào đầu tháng 7 tại xã Xuân Hòa (Kế Sách). Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Võ Văn Thắng, ấp Cứ Mạnh, xã Xuân Hòa (Kế Sách) bộc bạch: “Mấy mươi năm sinh sống tại địa phương, tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng như thời điểm hiện nay, bởi thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng “cháy da”, còn mưa bao giờ cũng kèm theo dông, lốc xoáy. Với vườn cây ăn trái, nếu cây lâu năm cành lá sum suê, gặp những đợt gió mạnh, chắc chắn vườn sẽ bị ngã đổ cây cối ít nhiều. Như trong đợt mưa lớn, lốc xoáy vừa qua, trong vườn có 12 cây sầu riêng bị bật gốc. Để trồng được cây sầu riêng đến cho thu hoạch trái tốn thời gian 6 năm. Do đó, cho dù thiệt hại 1 cây ăn trái cũng ảnh hưởng đến thu nhập của nhà vườn”.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn, ấp Cứ Mạnh, xã Xuân Hòa (Kế Sách) góp lời: “Tôi trồng được 50 gốc sầu riêng và trong đợt mưa dông vừa qua, trong vườn có 4 cây sầu riêng bị ngã đổ. Mất vài ba triệu đồng không tiếc bằng cây bị bật gốc do mưa bão, tiếc vô cùng bởi trồng và chăm sóc để cây ra hoa, kết trái đến thu hoạch là một quá trình lâu dài, không hề đơn giản. Ngoài 4 cây sầu riêng bị bật gốc, còn có 10 cây cóc Thái cũng bị đổ ngã do mưa dông. Tính thiệt hại về kinh tế khoảng 8 triệu đồng/năm và mất khoảng 6 năm trồng lại cây. Để đảm bảo cho vườn cây ăn trái tránh bị ngã đổ, tôi sẽ tiến hành việc chằng chống cho cây kết hợp với đôn gốc cây xuống và cắt thấp hơn những cây ăn trái phát triển chiều cao…”.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quyết Thắng, xã Xuân Hòa (Kế Sách) Nguyễn Văn Thiên thông tin: “Trong đợt mưa dông, lốc xoáy vừa qua, trong HTX có hơn 220 cây ăn trái bị thiệt hại, trong đó vú sữa khoảng 70 cây, còn lại là xoài, cóc, mít. Tôi để ý khoảng 5 năm trở lại đây, thời tiết có chuyển biến ngày càng khó lường. Năm nay, mưa dông sớm hơn mọi năm nên việc thiệt hại về cây ăn trái còn chưa lớn, bởi trái trên cây còn nhỏ, khi gió đi qua, cây còn chống chịu tốt. Nhờ vậy, nhà vườn đã chủ động chằng chống cho các loại cây ăn trái, tránh ngã đổ cho những trận mưa dông trong thời gian tới…”.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong những tháng tới, bão và ATNĐ có khả năng hoạt động trên khu vực Bắc biển Đông và tầng suất tăng dần trong những tháng tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ từ tháng 9 cho đến hết năm 2021. Dự báo số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh đất liền nước ta, khoảng 12 - 14 cơn, trong đó có khoảng 4 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Đối với các tỉnh Nam bộ ít ảnh hưởng bão nhưng dông lốc diện rộng sẽ bị ảnh hưởng. Dự báo mùa mưa sẽ kết thúc vào tháng 11 - 12 và mùa mưa thấp hơn TBNN.

Với dự báo của ngành chuyên môn về tình hình thời tiết như trên, nhất là các đợt mưa dông diện rộng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam bộ, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Vì vậy, để bảo vệ tốt diện tích hoa màu, nhất là các loại cây ăn trái, nhà vườn cần quan tâm áp dụng các biện pháp chăm sóc cây, đặc biệt là cắt tỉa bớt cành trên cây, chằng chống cây ăn trái để giúp cây chống chịu tốt, trong thời điểm mưa dông xảy ra.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/thien-tai-lam-thiet-hai-nhieu-vuon-cay-an-trai-50723.html