Thích ứng với xâm nhập mặn

Cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mùa khô 2023 - 2024 đã qua. Song xâm nhập mặn vẫn tăng theo kỳ triều cường.

Ảnh: minh họa

Cục Thủy lợi cho biết, nhu cầu sử dụng nước đã qua thời kỳ cao điểm vì vụ lúa Đông Xuân đang thu hoạch. Tuy vậy, trong tháng 4/2024, xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt. Tại vùng các cửa sông Cửu Long, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây..., ranh mặn lên tới 4g/lít có khả năng xâm nhập từ 50-90km đang ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 43.300ha vùng chuyên canh cây ăn trái ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng và 20.500ha lúa vụ Đông Xuân muộn được sản xuất ngoài kế hoạch, cần phải tăng cường các giải pháp cấp nước tưới cho các khu vực này. Trong khi lượng nước ngọt tích trữ tại các hồ chứa ở vùng Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 48% dung tích thiết kế.

Theo các chuyên gia môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh mẽ, tiêu cực. Nếu như năm 2016 là 100 năm mới xảy ra hạn mặn lịch sử thì từ năm 2020 đến 2024, chỉ trong vòng 4 năm, hạn mặn đã quay trở lại ĐBSCL. Nằm trong vùng khí hậu nhạy cảm và đặc thù địa chính, ĐBSCL đang đối mặt với xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt nghiêm trọng.

Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn để chủ động triển khai các phương án ứng phó và tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, cũng như đề xuất các sáng kiến, thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu. Mặt khác, chính quyền các địa phương buộc phải thay đổi chính sách quản lý về tài nguyên, đầu tư cơ sở hạ tầng cho phù hợp.

Thực tế, để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt sang sử dụng nước lợ, nước mặn vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Điển hình như tỉnh Sóc Trăng chủ động điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả; tỉnh Long An rà soát và quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hướng đến phát triển bền vững nền nông nghiệp...

Rõ ràng, vấn đề nước ngọt cho ĐBSCL khá nan giải. Bên cạnh sự phụ thuộc vào dòng Mekong từ phía thượng nguồn thì sự phân bổ nguồn nước ngọt ở các tỉnh, thành ĐBSCL cũng không đồng đều. Trước tình trạng ngày càng khan hiếm nguồn nước ngọt trong mùa khô thì địa phương nào cũng cần và tìm cách giữ nguồn nước ngọt cho mình, nên dẫn tới các tỉnh đầu nguồn dẫn nước vào nội đồng thì các tỉnh cuối nguồn lại khan hiếm nước.

Theo nhiều chuyên gia, cần thống nhất nguyên tắc là không địa phương nào được giữ nước cho riêng mình. Thay vào đó, các địa phương nào đang có nguồn nước dồi dào có trách nhiệm chia sẻ cho các địa phương thiếu nước, đảm bảo việc quản lý nguồn nước mang tính kết, liên vùng. Để làm được việc đó, các địa phương ĐBSCL cần có quy chế phối hợp trong việc san sẻ, đảm bảo an ninh nguồn nước cho toàn vùng; khôi phục các vùng trữ nước thiên nhiên mang tính liên vùng.

Ngoài các giải pháp công trình để giải quyết sự xung đột nguồn nước khi mặn xâm sâu vào nội đồng, thì việc ưu tiên điều kiện thực tế của địa phương, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để thích ứng với thời gian hạn hán kéo dài, tập quán sinh hoạt và nhu cầu sử dụng nước của người dân là giải pháp linh hoạt nhất.

Một yếu tố không thể thiếu nữa là công bố và cập nhật thường xuyên bản đồ hạn hán, xâm nhập mặn qua các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội phổ biến, phương tiện thông tin đại chúng để người dân từng tiểu vùng sinh thái kịp thời theo dõi, chủ động ứng phó, dịch chuyển lịch thời vụ, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch cây trồng, vật nuôi và sinh hoạt nhằm giảm thấp nhất mức độ thiệt hại.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thich-ung-voi-xam-nhap-man-post474737.html