Thích ứng với giá vé máy bay cao

Giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) đang được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao.

Cho dù cả cơ quan quản lý nhà nước (Cục Hàng không Việt Nam) và lãnh đạo một số hãng hàng không trong nước khẳng định, việc điều chỉnh trần giá vé vận chuyển hành khách hàng không nội địa tăng bình quân khoảng 5% kể từ ngày 1/3/2024 chưa gây xáo trộn lớn, nhưng người dân và nhiều công ty lữ hành lo ngại rằng, đã qua thời vé máy bay giá rẻ, thậm chí là giá vé sẽ đứng ở mức cao trên các đường bay trục, chí ít là trong 1 -2 năm tới.

Giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) đang được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ…

Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, ngày 3/5/2019 ban hành khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Gần đây nhất là Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT, ngày 30/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019, có hiệu lực từ ngày 1/3/2024. Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức, đảm bảo trong khung giá quy định tại các thông tư nêu trên.

Theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao. Ngược lại, với những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ tết, khi nhu cầu của hành khách rất thấp (cầu sụt giảm mạnh so với cung), các hãng hàng không đều hạ giá vé.

Thực tế, những lo ngại về giá vé máy bay ở mức cao, đặc biệt là trên trục Bắc - Nam là điều có thể cảm nhận được ngay từ dịp cao điểm vận chuyển Tết Giáp Thìn năm 2024 dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sụt giảm tới 13% so với cùng kỳ năm 2023. Cho đến thời điểm này, tuy đã qua giai đoạn cao điểm Tết, nhưng rất ít hành khách mua được vé ở các dải giá thấp, phần lớn là ở mức cao, thậm chí là cận khung giá quy định.

Do chưa có số liệu thống kê chính thức của các cơ quan chức năng, nên giá vé cao trên các đường bay nội địa mới dừng ở cảm nhận đơn lẻ của hành khách, song ngay cả khi hiện tượng này có thật, thì cũng phải chia sẻ, thông cảm với khó khăn của các hãng bay.

Ít người biết rằng, trần giá mới có hiệu lực từ ngày 1/3/2024 chính là trần giá của năm 2014, tức là sau hơn 10 năm điều chỉnh có tăng, có giảm, trần giá vé máy bay nội địa mới quay về mức cũ vốn được thiết lập trên cơ sở mức giá nhiên liệu bay trung bình là 80 USD/thùng Jet A1.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu bay hiện vẫn rất cao (khoảng 120 USD/thùng Jet A1), với giá trần mới thì ngay cả với đường bay Hà Nội - TP.HCM, các hãng bay cũng chỉ có thể đạt điểm hòa vốn khi bán vé với mức giá 3 triệu đồng/khách/lượt và phải đạt hiệu suất sử dụng ghế lên tới 80%. Đây là điều khó có thể đạt được trong bối cảnh thị trường vận tải hàng không nội địa đang so kè, cạnh tranh hết sức gay gắt do không hãng nào đạt được vị trí thống lĩnh thị trường.

Trong giai đoạn trước dịch Covid-19, nếu không được bù đắp bởi các đường bay quốc tế (vốn được phép thu phụ thu nhiên liệu), thì các hãng bay khó có thể hòa vốn hoặc có lợi nhuận từ ngành kinh doanh lõi.

Bước vào giai đoạn hậu Covid-19, do nhu cầu đi lại yếu, các hãng bay buộc phải tung ra nhiều chiến dịch khuyến mại lớn để kích cầu, tạo ra thời kỳ khá dễ chịu về giá vé. Tuy nhiên, hiện các hãng bay đã cạn nguồn lực, rất chật vật trong duy trì tính thanh khoản, nên dư địa giảm giá vé càng hẹp, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu, lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác đang ở mức cao cũng chất thêm gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2024, đồng thời làm hẹp thêm dư địa điều chỉnh giảm giá vé các đường bay nội địa.

Dự báo, tình hình này sẽ kéo dài đến hết năm 2024, trong bối cảnh cung tải thị trường có nguy cơ giảm mạnh do nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới). Tại Việt Nam, việc triệu hồi động cơ sẽ khiến 22 tàu bay A321NEO của 2 hãng bay lớn nhất nước phải dừng khai thác trong năm 2024 (bắt đầu từ tháng 1/2024). Tình trạng tương tương tự cũng sẽ diễn ra trong năm 2025.

Trong bối cảnh giá vé máy bay không còn “dễ chịu”, cả người dân lẫn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lữ hành cần chủ động thích ứng, theo đó giải pháp tối ưu nhất là lên kế hoạch di chuyển sớm hoặc lựa chọn khung giờ bay thấp điểm để mua được vé ở khung giá hợp lý.

Để đảm bảo quyền lợi của hành khách, các cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo các hãng bay và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không thực hiện đúng quy định, triển khai bán vé trong phạm vi khung giá và chính sách giá vận chuyển nội địa của hãng. Đồng thời, tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát để hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho hành khách, xử lý nghiêm các vi phạm tăng giá vé trái quy định, có cơ chế hiệu quả gắn việc điều chỉnh trần giá vé với cải thiện tỷ lệ chuyến bay đúng giờ đi kèm việc nâng cao chất lượng dịch vụ.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thich-ung-voi-gia-ve-may-bay-cao-d210112.html