Thích ứng văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp công nghệ 4.0

Việt Nam là một quốc gia nhiệt đới với sự đa dạng về văn hóa và kiến trúc bản địa, được gắn kết mật thiết với điều kiện tự nhiên ở khắp các vùng miền. Việc kết hợp cơ hữu và thích ứng giữa văn hóa và kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, trên nền tảng tôn trọng và hài hòa với thiên nhiên chính là việc phát huy nguồn lực từ trong văn hóa kết hợp với công nghệ thuộc về văn minh, nhằm kiến tạo các công trình kiến trúc theo hướng hiện đại, có bản sắc và trên hết là tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng tự nhiên, hướng tới phát triển theo xu hướng sinh thái, bền vững. Đây cũng chính là cuộc cách mạng cần thiết trong lĩnh vực kiến trúc, nhằm hướng tới phát triển cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, bản sắc và tiên tiến.

Tôn trọng hệ sinh thái và hệ sinh học tự nhiên, cùng với bù đắp và kiến tạo các hệ sinh cảnh, phát triển năng lượng tái tạo, nhằm phát triển bền vững.

Tôn trọng hệ sinh thái và hệ sinh học tự nhiên, cùng với bù đắp và kiến tạo các hệ sinh cảnh, phát triển năng lượng tái tạo, nhằm phát triển bền vững.

Vai trò văn hóa kiến trúc bản địa theo dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam

Văn hóa kiến trúc nói chung hay văn hóa kiến trúc bản địa nói riêng là tổng hợp, tổng hòa những biểu hiện của hệ tư tưởng, những giá trị về vật chất, tinh thần, xã hội, thông qua các đặc trưng về cốt cách tinh hoa, truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền, dân tộc, quốc gia… từ đời này qua đời khác, được thể hiện ở những đặc trưng cơ bản.

Theo dòng chảy của lịch sử, văn hóa của mỗi quốc gia, kiến trúc bản địa là hiện thân không gian vật chất và tinh thần, nơi chất chứa các giá trị và kể cả là sự thất bại, minh chứng hùng hồn cho quá trình ra đời, phát triển, suy tàn… của mỗi chế độ xã hội, mỗi quốc gia, dân tộc. Đó là sự phản ánh các sự tiếp nối, tiếp biến, giao thoa, cộng hưởng… giữa văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa tổ chức xã hội.

Kiến trúc bản địa là một thành tố đóng góp vào sự rực rỡ và phong phú của văn hóa Việt Nam. Đồng thời, văn hóa kiến trúc Việt Nam là một quá trình, một chặng đường của văn hóa dân tộc chứ không chỉ đơn thuần là sản phẩm vật chất. Ở đó, di sản kiến trúc và các công trình kiến trúc đều là thể cộng sinh văn hóa giữa “cái mang nghĩa”- yếu tố vật lý và “cái có nghĩa” - cặp yếu tố xã hội và tinh thần.

Nhưng ngày nay, các quốc gia đang phải đương đầu với một loạt vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, trong đó nổi bật là nghịch lý của nền "văn minh công nghiệp". Mặc dù đem lại cho xã hội loài người sự phát triển vượt bậc ở mọi phương diện, nhưng văn minh công nghiệp lại mang đến nguy cơ san bằng và đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ thống giá trị, đe dọa và làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa, trong đó có các giá trị thuộc về văn hóa kiến trúc bản địa. Song song với đó là sự tác động và tàn phá từ biến đổi khí hậu, kéo theo những thảm họa thiên tai, dịch bệnh…

Đây là những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác và thiết kế các công trình kiến trúc đương đại, làm sao để có thể cân bằng được các giá trị giữa văn hóa và văn minh, vừa tận dụng khai thác được những lợi thế từ công nghệ và kỹ thuật số, vừa kế thừa và phát huy được những giá trị văn hóa bản địa và quan trọng hơn cả là bảo vệ được hệ môi trường sinh thái để có thể phát triển theo hướng bền vững.

Văn hóa kiến trúc bản địa kết hợp công nghệ 4.0

Để có thể kết hợp có hiệu quả giữa văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0 trong việc tạo lập các công trình kiến trúc đương đại theo xu hướng bền vững, cần phải có chiến lược xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời luôn tôn trọng và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh học đa dạng và không ngừng tái tạo, phục hồi, bù đắp các hệ sinh cảnh trong quá trình kiến tạo. Đây là các yêu cầu tiên quyết, được thực hiện và quản lý ở mọi Bộ, ngành, địa phương… được cụ thể hóa thông qua các cấp đồ án quy hoạch, các yêu cầu cụ thể trong các quần thể và công trình kiến trúc…

Các lý thuyết hình học như Topology, Fractal... cùng các công nghệ số khác, đang tham gia và hỗ trợ đắc lực cho sáng tác kiến trúc theo cảm hứng mô phỏng sinh học.

Chính các hệ sinh thái, hệ sinh học tự nhiên, ở các vùng miền khác nhau sẽ đóng vai trò vừa là chủ thể hoặc khách thể, là yếu tố vừa chi phối, tác động và làm nên, hun đúc các giá trị văn hóa bản địa. Ở góc độ rộng và lớn hơn, đó cũng chính là việc gìn giữ và tạo lập nên bản sắc văn hóa đa dạng.

Hiện nay, công nghệ và kỹ thuật số đã tham gia vào tất cả các hoạt động của một quốc gia. Việt Nam là một quốc gia đang trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, các đồ án quy hoạch xây dựng cần phải được thiết lập trên cơ sở tích hợp các dữ liệu về quy hoạch phát triển của mọi ngành trong xã hội. Một công trình kiến trúc hoặc một quần thể tập hợp bởi nhiều công trình đạt tiêu chí bền vững, không thể đứng đơn lẻ, riêng lẻ nếu như chúng được đặt ở trong một vùng miền, một khu vực, một thành phố, một đô thị, một địa bàn nông thôn… không được quy hoạch phát triển theo hướng sinh thái, thông minh và bền vững.

Sự bền vững chỉ có được, khi có sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, mọi chủ thể trong xã hội, thông qua quy định của các bộ Luật, kèm theo việc triển khai tổ chức thực hiện, vận hành, quản lý, quản trị… một cách khoa học và đồng bộ. Do đó, cần phải xây dựng, thiết lập hệ thống ngân hàng dữ liệu được số hóa, đủ ở các lĩnh vực về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, con người… để xây dựng đồng bộ các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc và xây dựng.

Với việc công nghệ số tham gia trực tiếp vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, rất cần đồng bộ hóa trong việc xây dựng không gian xã hội số. Tất cả công việc từ quy hoạch đến thiết kế các không gian công cộng, cần phải được chú ý quan tâm như các không gian đường giao thông, nhà ga, bến tàu, công viên, quảng trường, vườn hoa, vỉa hè, các không gian mở…

Việc thiết kế các công trình kiến trúc đương đại sẽ có những xu hướng theo cảm hứng mô phỏng từ sinh học, gần gũi với thiên nhiên, hoặc mô phỏng theo các hệ tư tưởng, gắn với văn hóa bản địa hoặc tôn giáo tín ngưỡng. Vì vậy, song song với việc sử dụng các công nghệ, kỹ thuật và các thiết bị thông minh có tính chủ động trong thiết kế, cần nghiên cứu xây dựng và Việt hóa các phần mềm, ứng dụng các phương pháp lý thuyết hình học trong thiết kế kiến trúc như Topology, Fractal… để chủ động tìm tòi ý tưởng, hỗ trợ cho thiết kế các công trình kiến trúc phức hợp.

Mặc dù có sự kết hợp các yếu tố giữa văn hóa và kiến trúc bản địa với các công nghệ và kỹ thuật 4.0 trong sáng tác kiến trúc, nhưng chúng cần phải được đặt trong một quy hoạch khoa học và bền vững. Chẳng hạn, hàng trăm ngôi nhà đơn giản nhưng bền vững có thể che chở cho những người vô gia cư, hoặc cho những cư dân ở những vùng bị tàn phá bởi bão, lũ lụt, động đất… hoặc cho các bệnh viện dã chiến, được xây dựng bằng máy in 3D.

Với sự xuất hiện của cách mạng khoa học 4.0, các kiến trúc sư sẽ có những công cụ để tạo ra tương lai. Không giống như nhiều phương pháp xây dựng cũ, ngôi nhà in 3D có thể có mức độ chính xác và siêu cách nhiệt, ngay cả khi đưa chất thải vật liệu gần bằng không. Kết nối thiết kế mô phỏng sinh học và tính toán, cho phép kết nối các tiêu chuẩn hiệu suất cao và tầm nhìn thẩm mỹ độc đáo. Các công cụ chuỗi cung ứng sáng tạo cho phép lựa chọn các vật liệu và nhà cung cấp bền vững nhất. Mọi bộ phận đều có thể được sửa chữa, thay thế và tái sử dụng hiệu quả trong tương lai. Biết được những dự báo về khí hậu trong tương lai, các kiến trúc sư có thể lập kế hoạch cho những ngôi nhà để chống chọi với từng kịch bản khí hậu có thể xảy ra cho một vùng lãnh thổ nhất định.

Và để kết hợp văn hóa kiến trúc bản địa với công nghệ 4.0, cần chú trọng thay đổi hình thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực kiến trúc thông qua các hình thức đào tạo KTS thực hành và KTS công nghệ với mô hình CDIO (Conceive - Design - Implement - Operate, tức Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai thực hiện - Vận hành). Ở đó, các KTS tương lai sẽ được đào tạo theo hướng sáng tạo, được kết hợp các ý tưởng sáng tác lồng ghép giữa những yếu tố về văn hóa, bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ số và thông minh.

TS.KTS Nguyễn Tất Thắng
Nghiên cứu viên Cao cấp - Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thich-ung-van-hoa-kien-truc-ban-dia-ket-hop-cong-nghe-40-360508.html