Thị trường vận tải khó khăn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam chủ động giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận

Kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam dự kiến đạt 13.354 tỷ đồng (bằng 87% thực hiện năm 2022) với lợi nhuận hợp nhất đạt 2.330 tỷ đồng (bằng 76% thực hiện năm 2022)...

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn 2022

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2023 thấp hơn 2022

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (mã chứng khoán: MVN-UPCoM) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Báo cáo tại Đại hội, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng giám đốc VIMC cho biết, năm 2022 doanh thu hợp nhất của VIMC đạt 15.300 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 3.055 tỷ đồng, bằng 84% cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận công ty mẹ đạt 653 tỷ đồng, bằng 283% cùng kỳ.

Trong đó, khối cảng biển tiếp tục tăng trưởng ổn định với lợi nhuận đạt 1.483 tỷ đồng (bằng 57% so với năm 2021). Hệ thống cảng của VIMC phát triển thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới; đồng thời đã triển khai và thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối trực tiếp cảng Cửa Lò với Ấn Độ, Bangladesh, thử nghiệm đưa tàu container vào cảng Cái Cui – Cần Thơ.

Lợi nhuận toàn khối vận tải biển năm 2022 đạt 1.823 tỷ đồng (bằng 170% so với năm 2021). Lợi nhuận toàn khối dịch vụ năm 2022 đạt 81 tỷ đồng (bằng 81% so với năm 2021).

Đặc biệt, VIMC tích cực triển khai thỏa thuận hợp tác chiến lược đã ký kết với hãng tàu container lớn nhất thế giới - MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh, nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Mặc dù có những kết quả rất tích cực trong năm 2022, nhưng bước vào năm 2023 với những khó khăn lớn, VIMC chủ động giảm mục tiêu doanh thu, lợi nhuận so với năm 2022.

Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 13.354 tỷ đồng (bằng 87% thực hiện năm 2022) với lợi nhuận hợp nhất đạt 2.330 tỷ đồng (bằng 76% thực hiện năm 2022). Doanh thu công ty mẹ đặt mục tiêu đạt 2.024 tỷ đồng, bằng 84% thực hiện năm 2022.

Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhận định thị trường vận tải biển năm 2023 sẽ rất khó khăn.

Theo phân tích, lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia làm tăng gánh nặng lên nền kinh tế thế giới. Việc đóng cửa nền kinh tế để phòng ngừa dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu năng lượng hóa thạch như than sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm hàm lượng khí thải từ hoạt động sản xuất thép và tránh phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu bằng việc đẩy mạnh tiêu thụ sản lượng nội địa cũng sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhu cầu vận chuyển bằng đường biển.

Nguồn cung tàu tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thị trường vận tải tàu hàng rời và tàu container. Thị trường tàu dầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong năm 2023 như việc áp giá trần đối với dầu của Nga đến từ các quốc gia Phương Tây, tình trạng bất ổn nguồn cung dầu của Nga, sự thay đổi trong chính sách cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc...

Khối cảng biển đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ khi nhiều địa phương và doanh nghiệp tiếp tục triển khai các dự án đầu tư và xây dựng cảng biển để hoàn thiện và mở rộng hoạt động. Trong khi đó, nguồn hàng có nguy cơ suy giảm sau một năm bùng nổ do nhiều yếu tố (dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, chính sách…).

Ngoài ra, còn các yếu tố khác tác động đến thị trường vận tải biển năm 2023 như những quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) liên quan tới Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra. Công ước mới được đánh giá sẽ tiếp tục tác động tới thị trường vận tải biển trong năm 2023 trong bối cảnh phần lớn đội tàu toàn cầu hiện chưa đáp ứng được nhu cầu mới về hàm lượng khí thải.

Sự thay đổi với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, các thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ là những rủi ro lớn với giá cước tàu hàng khô và container. Mặt khác, sản lượng than sản xuất trong nước tăng mạnh của Trung Quốc và nhu cầu container giảm nhanh do suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn tác động lớn tới giá cước trong trung và dài hạn.

"Biến động mạnh về giá dầu trong bối cảnh nguồn cung không chắc chắn như hiện nay sẽ làm tăng chi phí hoạt động khai thác tàu, sẽ tác động mạnh mẽ tới doanh thu và lợi nhuận trong năm 2023", lãnh đạo VIMC đánh giá.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, trong kế hoạch năm 2023, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh mang lại hiệu quả bền vững, ưu tiên với các dự án trọng điểm như đảm bảo tiến độ bến 3, 4 Lạch Huyện, hoàn thành tiến độ các thủ tục cho dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng), phát triển đội tàu container...

Đối với hoạt động vận tải, doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới khách hàng. Đồng thời, tập trung tái cấu trúc các doanh nghiệp cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics...

Châu Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-van-tai-kho-khan-tong-cong-ty-hang-hai-viet-nam-chu-dong-giam-muc-tieu-doanh-thu-va-loi-nhuan.htm