Thị trường tranh Việt Nam đang đi xuống?

'Cứ tưởng rằng thị trường tranh Việt đang đi lên nhưng thực ra là đi xuống nếu không sớm chuyên nghiệp hóa và củng cố niềm tin', một nhà sưu tập tranh nói.

LTS: Trong loạt bài viết ‘Tranh đương đại Việt Nam: Thị trường và hướng đi’, chúng tôi muốn đưa ra góc nhìn thấu đáo có thể làm rõ phần nào các vấn đề: thị trường tranh đương đại giao dịch ra sao; dòng tranh và trường phái nghệ thuật nào được ưa chuộng nhất; khách hàng chủ yếu đến từ đâu; khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho các gallery và họa sĩ.

Thị trường tranh Việt Nam đang được giao dịch với nhiều hình thức, mua bán qua gallery, trao đổi trực tiếp với họa sĩ, mua bán chuyền tay và qua môi giới, mỗi hình thức có ưu nhược điểm phù hợp với từng toan tính của mỗi cá nhân. Chính vì tư duy manh mún này mà đến nay Việt Nam thiếu vắng các nhà giám tuyển chuyên nghiệp và chưa có một sàn giao dịch tranh nào tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, vấn nạn tranh giả vẫn đang hoành hành và biến tượng tinh vi.

Tranh giả tràn lan

Những năm gần đây, nhiều tin vui đến với thị trường nghệ thuật Việt Nam khi không ít tác phẩm của các danh họa Việt được giao dịch với giá cao trên sàn đấu giá quốc tế. Tuy nhiên, song hành với những con số triệu USD, vẫn còn đó nỗi lo về nạn tranh giả phát triển ngày càng ngang nhiên.

Bức tranh làm giả tác phẩm ‘Nắng hè’ của họa sĩ Lê Văn Đệ.

Bức tranh làm giả tác phẩm ‘Nắng hè’ của họa sĩ Lê Văn Đệ.

Nhận xét về bức tranh làm giả tác phẩm Nắng hè của họa sĩ Lê Văn Đệ, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho hay: “Đây là một bức tranh chép và được làm giả một cách vụng về, đường nét ngô nghê. Chữ ký và triện cẩu thả. Một điểm quan trọng nữa chứng minh bức tranh là hàng giả khi tranh ghi "Hanoi 1932", tuy nhiên thời điểm này họa sĩ Lê Văn Đệ đang ở Pháp.

Một ví dụ khác, bức tranh làm giả tác phẩm Nhà tranh gốc mít của họa sĩ Nguyễn Văn Tị tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội được sàn đấu giá Sotheby’s giới thiệu với giá ước tính 700.000 - 1.000.000 HKD (2 - 2,9 tỷ đồng). Nhà đấu giá này sau đó đã thông báo rút bức tranh giả này khỏi phiên đấu giá sau khi nhận được phản ứng dữ dội từ những người quan tâm.

Bức tranh làm giả tác phẩm ‘Nhà tranh gốc mít’ của họa sĩ Nguyễn Văn Tị. Ảnh: Sotheby’s

Bức tranh làm giả tác phẩm ‘Nhà tranh gốc mít’ của họa sĩ Nguyễn Văn Tị. Ảnh: Sotheby’s

Một nhà sưu tập tranh lâu năm ở Hà Nội cho biết: “Tranh giả, tranh chép, tranh thật, lẫn lộn ngay cả trong các triển lãm, buổi đấu giá, thậm chí là trên các sàn đấu giá quốc tế được tổ chức với quy mô rầm rộ dẫn đến những nghi ngại và mất niềm tin cho các nhà sưu tập. Thị trường nghệ thuật được tạo ra bởi các mắt xích độc lập kết nối với nhau bởi niềm tin, khi niềm tin bị lung lay thì thị trường đó sẽ sụp đổ. Người yêu tranh, chơi tranh đã hiếm nay lại càng hiếm hơn. Cứ tưởng rằng thị trường tranh Việt đang đi lên nhưng thực ra là đi xuống nếu không sớm chuyên nghiệp hóa và củng cố niềm tin”.

Chuyên nghiệp hóa thị trường là vấn đề cấp thiết

“Những con số triệu USD thuộc về các tác phẩm tranh Đông Dương. Nhà sưu tập nước ngoài hay Việt Nam đều quan tâm, yêu thích tranh Đông Dương nhiều hơn bởi vì ngoài yếu tố nghệ thuật nó còn chứa đựng những câu chuyện lịch sử. Một nguyên nhân nữa khiến họ yên tâm khi quyết định đầu tư là các họa sĩ Đông Dương phần lớn không còn nữa, do đó số lượng tác phẩm bị giới hạn và khan hiếm”, nhà sưu tập Đức Vinh nhận định.

Tác phẩm ‘Gia đình trong vườn’ của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 2,3 triệu USD (hơn 55 tỷ VND) tại sàn đấu giá Sotheby's. Ảnh: Sotheby's

Tác phẩm ‘Gia đình trong vườn’ của họa sĩ Lê Phổ được bán với giá 2,3 triệu USD (hơn 55 tỷ VND) tại sàn đấu giá Sotheby's. Ảnh: Sotheby's

Theo nhà sưu tập Ngọc Đại: “Tranh Đông Dương đang dần bão hòa, có một thời người ta đổ xô đi săn lùng loại tranh này trong các bộ sưu tập gia đình với tâm thế cầu may, mua rẻ, bán đắt và việc một tác phẩm tăng giá 5 - 10 lần trong thời gian ngắn không phải hiếm gặp. Bây giờ thì khác rồi, rất ít trường hợp như thế. Vì thế dòng tiền đổ vào thị trường tranh dần chuyển dịch sang tranh hiện đại, đây là cơ hội cho các họa sĩ trẻ. Nếu như có sự xuất hiện của các đơn vị trung gian đủ uy tín và thực sự chất lượng thì việc phát hiện họa sĩ, tác phẩm chất lượng và đưa đến với công chúng không còn là một vấn đề khó khăn”.

“Thị trường tranh đương đại Việt là một thị trường mới, cần nhiều thời gian nữa để hoàn thiện những vấn đề cơ bản trước khi trở nên chuyên nghiệp, chúng ta đang rất thiếu các ông lớn để thúc đẩy thị trường. Đơn giản nhất là mức giá một bức tranh, họa sĩ tự phát giá một cách cảm tính vì chẳng có ai giúp định giá, đôi khi họ đưa ra giá tận… trên trời nhưng lúc gặp vấn đề về tài chính lại bán rất thấp.

Trường phái hiện thực vẫn được giới sưu tập quan tâm nhiều nhất vì dễ thụ cảm hơn các trường phái khác. Bởi vậy nếu những họa sĩ đương đại muốn phát triển các trường phái khác thì phải nhẫn nại chờ đợi sự thay đổi về ‘gu’ của khách hàng, việc bán được tranh không phải một sớm một chiều”, nhà sưu tập tranh đương đại Phạm Sửu phân tích thêm.

Thị trường tranh Việt Nam đang còn non trẻ, tồn tại nhiều vấn đề phức tạp nhưng không thể phủ nhận đây là một thị trường tiềm năng. Vì thế mà các ông lớn như Sotheby’s, Christie’s, Phillips ngoài việc bán tranh của họa sĩ Việt với giá cao, họ còn bổ nhiệm nhân sự nghiên cứu về nghệ thuật và thị trường Việt Nam.

Một buổi đấu giá trực tiếp kết hợp với đấu giá online của nhà Christie's. Ảnh: Christie's

Một buổi đấu giá trực tiếp kết hợp với đấu giá online của nhà Christie's. Ảnh: Christie's

Các “ông lớn” của nghệ thuật quốc tế đang hướng đến Việt Nam đó là một tín hiệu đáng mừng, khi họ tham gia vào thị trường sẽ tạo ra sân chơi và thúc đẩy thị trường nghệ thuật phát triển. Những nhà giám tuyển sẽ được đào tạo bài bản chứ không hoạt động nghiệp dư và tự phát như hiện nay.

Triển lãm ‘Timeless Souls: beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ’. Ảnh: Sotheby’s

Triển lãm ‘Timeless Souls: beyond the Voyage - Hồn xưa bến lạ’. Ảnh: Sotheby’s

Vai trò của các nhà giám tuyển rất quan trọng, là cầu nối giữa họa sĩ và công chúng, giữa họa sĩ với nhà đấu giá hay giữa họa sĩ với họa sĩ trong thị trường khó tính này. Họ rất nhạy bén nên có thể phát hiện ra các nghệ sĩ tài năng và những tác phẩm chất lượng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi

“Một chính sách cởi mở để thu hút đầu tư và những công trình nghiên cứu chuyên sâu về thị trường nghệ thuật là những điều bắt buộc chúng ta phải sớm xây dựng để có được một thị trường chuyên nghiệp. Điều này không thể có trong ngày một ngày hai nhưng các nước làm được thì tôi tin Việt Nam chúng ta cũng làm được”.

Đông Phong

Đông Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-lam-mot-thi-truong-nghe-thuat-chuyen-nghiep-2251972.html