Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ 'hạ cánh mềm'?

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Hoàng Bình và TS Bùi Duy Tùng, hai chuyên gia ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng: Các chính sách điều hành kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước vừa qua đã hỗ trợ khôi phục niềm tin của giới đầu tư với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Có tín hiệu tích cực

. Phóng viên: Nhiều công ty đã quay lại phát hành TPDN và khá thành công. Liệu rằng niềm tin của nhà đầu tư đang quay lại hay sức hấp dẫn lãi suất trái phiếu cao thu hút họ, thưa ông?

+ TS Nguyễn Hoàng Bình: Những kết quả khả quan đáng chú ý trong việc phát hành TPDN thời gian gần đây có được do sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Ví dụ, việc ban hành Nghị định 08/2023 đã loại bỏ một số rào cản trong việc quản lý thanh toán nợ và mua lại trái phiếu. Điều này giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát hành trái phiếu, đồng thời phần nào ổn định tâm lý của nhà đầu tư.

Dù đã có một số tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn khá sớm để khẳng định rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Với chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiết kiệm đã giảm thấp. Do đó, nhà đầu tư có xu hướng chuyển dòng tiền vào các tài sản mang lại lợi nhuận hấp dẫn hơn như TPDN.

Vì nhóm ngành ngân hàng và bất động sản chiếm tỉ trọng rất lớn trong cơ cấu phát hành TPDN nên việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ tín dụng và thị trường bất động sản trong thời gian qua đã tạo dấu hiệu tích cực, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư TPDN đối với nhóm ngành này.

Sự cộng hưởng từ những yếu tố trên dự kiến sẽ tạo động lực tích cực cho thị trường TPDN, đặc biệt là trong ngắn hạn.

. Theo ông, thời điểm khó khăn nhất của thị trường TPDN đã qua chưa khi mà khối lượng phát hành có xu hướng ngày càng cao?

TS Nguyễn Hoàng Bình.

+ TS Nguyễn Hoàng Bình: Vẫn còn khá sớm để khẳng định thị trường TPDN đã vượt qua những thử thách khó khăn nhất. Cụ thể, thị trường TPDN trong năm 2024 dự kiến sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là áp lực từ việc trái phiếu đến hạn, đặc biệt là trong nhóm ngành bất động sản.

Theo đó, sự phục hồi và phát triển của thị trường TPDN sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi của thị trường bất động sản nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung. Hơn nữa, như đã phân tích trước đó, sự tích cực của thị trường TPDN trong những tháng gần đây chủ yếu được thúc đẩy bởi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, như nới lỏng, tạm hoãn các quy định về TPDN và chính sách giảm lãi suất.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số chính sách tạm thời này có thể sẽ hết hiệu lực trong thời gian tới. Do đó, sự điều chỉnh liên quan đến những chính sách này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển của thị trường trái phiếu thời gian tới.

Cung cấp cho các nhà đầu tư một kênh đáng tin cậy

. Ngày 19-7 vừa qua, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động và tiếp nhận đăng ký từ DN. Ông đánh giá thế nào về những chuyển động tích cực của sàn giao dịch này?

+ TS Bùi Duy Tùng: Việc triển khai nhanh chóng hệ thống giao dịch này đóng vai trò then chốt để xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư và tính minh bạch của thị trường. Trước đây, các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp bị hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, phụ thuộc vào hệ thống phân phối và các công ty môi giới.

Hệ thống giao dịch tập trung sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư một kênh đáng tin cậy khi cần theo dõi và truy cập các thông tin liên quan đến các tổ chức phát hành. Đây là công cụ giúp giảm thiểu rủi ro do phổ biến thông tin không đầy đủ và cách truyền đạt chủ quan của các kênh phân phối như trước đây.

. Nghị định 08/2023 không tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng như không kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ tác động đến thị trường TPDN ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

TS Bùi Duy Tùng.

+ TS Bùi Duy Tùng: Quyết định trên có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và hiệu quả của thị trường TPDN trong thời gian tới.

Thứ nhất, quy định này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì các tiêu chuẩn thị trường nghiêm ngặt. Thứ hai, tiêu chí dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được thiết kế để bảo vệ các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu ổn định về tài chính khỏi các khoản đầu tư phức tạp và rủi ro cao như TPDN.

Thứ ba, việc xếp hạng tín dụng bắt buộc đối với TPDN là một động thái chiến lược nhằm nâng cao uy tín của thị trường. Hệ thống xếp hạng tín dụng là công cụ đánh giá rủi ro, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt. Khi áp lực lạm phát vẫn tồn tại, khả năng đánh giá được mức độ rủi ro của việc phát hành trái phiếu góp phần tạo ra môi trường đầu tư ổn định.

Thứ tư, động thái hướng tới duy trì các quy định thị trường nghiêm ngặt và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm này là dấu hiệu cho thấy TPDN Việt Nam đang thay đổi theo quy luật của thị trường, phức tạp hơn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Quá trình chuyển đổi này rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như sự tăng trưởng và ổn định của thị trường tài chính.

Minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư

. Thực tế, thị trường TPDN vẫn còn điểm nghẽn khi lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023 và bước sang năm 2024 không hề nhỏ. Vậy theo ông, làm thế nào để TPDN “hạ cánh mềm”, không gây sốc cho thị trường tài chính?

+ TS Bùi Duy Tùng: Đánh giá khả năng “hạ cánh mềm” của thị trường TPDN tại Việt Nam trong bối cảnh khối lượng lớn trái phiếu đáo hạn vào năm 2024 là một thách thức.

Với gần 300.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, đặc biệt là bất động sản, việc quản lý các loại trái phiếu này mà không làm gián đoạn thị trường đòi hỏi phải có sự can thiệp mang tính chiến lược từ phía cơ quan quản lý.

Để nâng cao khả năng “hạ cánh mềm”, không gây sốc thì thị trường TPDN cần phải đạt được những tiêu chí: thanh khoản thị trường mạnh mẽ để hấp thụ các khoản mua lại trái phiếu, quản lý nợ hiệu quả thông qua chiến lược tái cơ cấu hoặc tái cấp vốn, hỗ trợ pháp lý để đảm bảo tính linh hoạt, niềm tin của nhà đầu tư được duy trì thông qua sự minh bạch và truyền thông rõ ràng về tình hình tài chính, đánh giá và quản lý rủi ro chủ động để xác định và giảm thiểu tác động của thị trường.

. Ông có khuyến nghị gì để tiếp tục lành mạnh hóa và tạo sự phát triển bền vững của thị trường TPDN cũng như là nơi gọi vốn quan trọng cho các DN?

+ TS Bùi Duy Tùng: Cần tăng cường khung pháp lý, đó là chìa khóa cho tính toàn vẹn của thị trường và bảo vệ nhà đầu tư. Ví dụ, hoàn thiện và duy trì các quy định như xếp hạng tín dụng bắt buộc, đánh giá mức độ tin cậy của các tổ chức phát hành trái phiếu.

Cần phải giám sát và cập nhật liên tục các quy định này để đảm bảo chúng vẫn có hiệu lực và phù hợp, thích ứng với những thay đổi của thị trường và thông lệ quốc tế tốt nhất.

. Xin cảm ơn hai ông.•

Tín hiệu tốt với hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
riêng lẻ tập trung

Tại tọa đàm “Thúc đẩy phát triển thị trường TPDN hiệu quả, an toàn, bền vững” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết: Từ 19 trái phiếu của ba DN tham gia đăng ký giao dịch vào ngày đầu (19-7-2023), đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 DN đăng ký. Khoảng 2/3 DN cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.

Quy mô giao dịch trung bình một phiên là trên 3.000 tỉ đồng. Quy mô giao dịch trung bình năm tháng đầu hoạt động đạt trên 1.200 tỉ đồng/phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường. Điều này tác động tích cực lại thị trường phát hành sơ cấp.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-se-ha-canh-mem-post767977.html