Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần 'tan băng' nhưng khó bứt phá

Tốc độ hồi phục của thị trường TPDN hiện nay chậm và khó có sự bứt phá trong 12 tháng tới xét về môi trường lãi suất cũng như sức cầu vốn của doanh nghiệp và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Dữ liệu từ FiinRatings cho biết, lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, đa phần là riêng lẻ chiếm hơn 90% trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi nhu cầu vốn doanh nghiệp suy giảm.

Dự báo về thị trường trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, tại Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVIAM, được tổ chức ngày 21/9, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và Tổng Giám đốc FiinRatings cho rằng thị trường trái phiếu phục hồi với tốc độ chậm sẽ khó có bứt phá về khối lượng phát hành trong vòng 12 tháng tới.

Đồng tình với ý kiến này, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ PVI (PVIAM) cũng không hy vọng thị trường có sự bứt phá thời gian tới, sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ. Mặc dù chỉ mới giải ngân các khoản đầu tư trái phiếu trở lại trong vài tháng gần đây, song cầu TPDN luôn tồn tại, kể cả bên bán lẫn bên mua.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.

“Hiện quy mô thị trường TPDN Việt Nam còn rất nhỏ, chỉ khoảng 11% GDP trong khi so sánh các nước trong khu vực khoảng 30-40% GDP. Tôi tin rằng thị trường đã qua giai đoạn khủng hoảng và đi vào giai đoạn khôi phục dần dần”, bà Giao nói.

Trong giai đoạn thị trường TPDN bị khủng hoảng, hiện tượng “fund run” (yêu cầu quỹ đầu tư thanh toán tiền mua chứng chỉ quỹ) đã xảy ra. Tuy nhiên, hiện thị trường đã hồi phục, bằng chứng là các quỹ đầu tư trái phiếu đã mở trở lại, đến nay lượng mua vào TPDN đã hồi phục về mức bình thường, cho thấy niềm tin đã quay trở lại.

Về lãi suất, thời gian qua xuất hiện những lô trái phiếu có lãi suất từ 12-15%, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu, nhiều ngân hàng phát hành trái phiếu lãi suất chỉ 5-7%/năm. Vậy, điều này có bất thường?

Theo các chuyên gia, lãi suất không phản ánh rủi ro của trái phiếu mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: ngành nghề, sức khỏe của tổ chức phát hành, thanh khoản thời điểm phát hành, tài sản đảm bảo… Nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất 13-14% nhưng tỷ suất sinh lời có thể lên tới 40% nên mức lãi suất này không có gì bất thường.

Ông Nguyễn Quang Thuân nhận định, chủ trương của Chính phủ và NHNN là giảm lãi suất cho vay, điều này phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, với TPDN, lãi suất 12-15% cao, nhưng minh bạch thế nào nhà đầu tư ra làm sao mới là vấn đề quan trọng. TPDN lãi suất bình quân quý 1/2023 là 9% có lô 14% do doanh nghiệp tự chào và có giao dịch thành công. "Đó là thực tế thị trường, không nên đánh đồng lãi suất cao là tốt hay không tốt. Bình quân chi phí vốn một dự án bất động sản dân cư chiếm 5-7% chi phí đầu tư, lợi nhuận gộp bình quân ngành 35-40%, có dự án chiếm từ 50-60%, nên không nhất thiết phải có lãi suất rẻ, chỉ cần doanh nghiệp họ có lãi và đầu tư", ông nói.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, các chuyên gia khuyến cáo: Nếu nhà đầu tư cá nhân không có đủ kiến thức nên thông qua các cố vấn tài chính hoặc các quỹ chuyên nghiệp. Nếu có kiến thức chuyên nghiệp phải tìm hiểu thông tin cẩn thận, đầy đủ, tham khảo kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-dang-dan-apos-tan-bang-apos-nhung-kho-but-pha-1095489.html