Thị trường ngách giúp doanh nghiệp xuất khẩu thoát khó

Hoạt động xuất khẩu tính chung 6 tháng kim ngạch giảm 12,1% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn chồng chất khi đơn hàng bị cắt giảm. Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường ngách và các sản phẩm ngách để thoát áp lực cạnh tranh, mang lợi nhuận cao, góp phần cải thiện hoạt động xuất khẩu vốn đối mặt nhiều thách thức như hiện tại.

Thị trường ngách giúp doanh nghiệp xuất khẩu thoát khó

Lợi thế của doanh nghiệp Việt với thị trường nghách các nước

Nông sản Việt Nam trùng với một số nước khi trồng cùng một loại nông sản, mùa vụ cùng thu hoạch. Nên nông sản có thế mạnh nhưng thị trường đầu ra hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nông sản thường bị sự cạnh tranh gay gắt từ các nước, đi liền với đó là giá cả đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí, lợi nhuận của nông dân, HTX, doanh nghiệp...

Theo các chuyên gia, nông sản Việt có nhiều lợi thế của vùng nhiệt đới nhưng xét về thị trường đầu ra chưa được rộng mở. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Việc xuất khẩu sang các thị trường châu Âu vẫn còn khiêm tốn hoặc bỏ ngỏ. Trong khi nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ hiện nay chưa phục hồi vì ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Gỗ cũng thuộc mặt hàng cạnh tranh khốc liệt trên thị trường các nước khi phải áp các loại thuế quan. Theo ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam cho rằng: Với những mặt hàng trang trí nội thất bằng gỗ càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các DN vừa và nhỏ của Việt Nam là một lợi thế, càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ “đánh” vào một số đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường EU. Hoặc như sản phẩm ngách đang có nhiều triển vọng trong ngành gỗ là XK viên nén. Sản phẩm này vừa giúp tận dụng phế phẩm ngành gỗ và vừa bù vào chỗ khuyết của XK đồ gỗ giữa khó khăn về đơn hàng.

XK đồ gỗ vào thị trường EU có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD.

Trong báo cáo gần đây từ Nhóm nghiên cứu các Hiệp hội Gỗ và Tổ chức Forest Trends cho thấy lượng XK viên nén tăng mạnh hồi năm 2022 với sản lượng đạt trên 4,88 triệu tấn (tăng 39,35% so với 2021), giá trị XK đạt trên 787 triệu USD (tăng hơn 90% so với 2021).

Hầu như toàn bộ viên nén của Việt Nam được XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồi năm ngoái, lượng viên nén XK sang hai thị trường này chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén XK của Việt Nam trong năm.

Trong khi các sản phẩm dệt may gặp khó thì các DN trong ngành đang tìm cơ hội ở mảng sợi để cải thiện XK. Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam nhận định, ngành kéo sợi Việt Nam là ngành tiên tiến trên thế giới. Các nhà máy kéo sợi Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại nhất, trình độ quản trị mới nhất với nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm. Hiện ngành kéo sợi Việt Nam cũng nhập khẩu các loại nguyên liệu tốt nhất thế giới về để sản xuất, trong đó có bông Mỹ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ tiêu thụ bông mỹ tại Việt Nam tăng rất nhanh, có những năm đạt mức tăng tăng 20%-30%, từ con số 100-200.000 tấn đến giờ là trên 800.000 tấn. Hiện Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bông đứng thứ 6 và nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới.

Ngành sợi của Việt Nam thời gian qua có mức tăng trưởng tốt là yếu tố giúp gia tăng nhu cầu đối với đơn hàng sợi nguyên liệu, trong đó có sợi tái chế được định vị tại phân khúc thị trường ngách

Vừa cạnh tranh thấp vừa lợi nhuận cao

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, để mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các HTX, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường ngách. Chẳng hạn như Iran hiện có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản mỗi người dân Iran có nhu cầu dùng 120-130kg trái cây/năm. Trong khi tổng dân số của nước này là 86 triệu người, nếu biết cách thâm nhập thì đây một thị trường tiềm năng cho các mặt hàng trái cây Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, hiện nay, nhiều thị trường lớn chưa phục hồi, việc chuyển hướng sang khai thác các thị trường mới nổi, thị trường có tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh, Nam Á... là cần thiết.

Chẳng hạn như việc xuất khẩu gạo sang châu Phi là một hướng đi được đánh giá cao vì các nước khu vực này chưa tự chủ được nguồn gạo phục vụ người dân trong nước. Trong khi về chất lượng nhập khẩu, điều kiện nhập khẩu lại không quá cao, không yêu cầu nhiều về mẫu mã. Điều này được cho là phù hợp với những HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để thu hút người tiêu dùng ở những thị trường này, HTX, doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng tiêu dùng để xác định những phân khúc thị trường nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh trực tiếp với những mặt hàng thế mạnh của các "đối thủ".

Bên cạnh đó nên khai thác thế mạnh sản xuất sản phẩm bản địa như một lợi thế cạnh tranh. Nhiều sản phẩm như cà pháo, mắm tôm, pudding xoài, cá nục kho… được các HTX, doanh nghiệp nhỏ khai thác và sản xuất bằng công nghệ, kỹ thuật mới đang chinh phục người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Mới đây, HTX chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (Quảng Nam) đã liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm cá nục rim và các sản phẩm của HTX xuất thị trường Mỹ, được cho là sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu chính ngạch cao hơn cho HTX cũng như nhiều loại nông sản.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Nga, Giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu thì phần bao bì cũng cần được quan tâm hơn. Dù bao bì lớn hay nhỏ cũng phải đảm bảo về nhãn hàng hóa, ngôn ngữ, có thông tin về tem, mã vạch (dù không bắt buộc) để hạn chế hàng giả, giúp cơ quan quản lý của các nước biết nguồn gốc, xuất xứ, từ đó hạn chế các thủ tục giấy tờ cần thiết trong xuất khẩu. Đồng thời đường đi của nông sản thực phẩm nếu bảo đảm được full chuỗi từ nông trại: thu hoạch, hái, sơ chế, vận chuyển, lưu kho, chế biến, đóng gói, quảng bá, đến người tiêu dùng thì giá trị xuất khẩu luôn cao hơn.

Đứng trước nhiều khó khăn, để hái “quả ngọt” đang đòi hỏi các DN XK cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách. Mặt khác, thời gian tới rất cần gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa các DN tiến sâu vào những thị trường ngách, tạo “sân chơi” cho các DN vừa và nhỏ nhằm góp sức thúc đẩy XK.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thi-truong-ngach-giup-doanh-nghiep-xuat-khau-thoat-kho-343458.html