Thị trường lúa, gạo Huế vẫn trong tầm kiểm soát

Tuy một số lao động thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu do giá gạo tăng, nhưng nhìn chung, tình hình thị trường lúa, gạo trên địa bàn tỉnh không quá nhiều biến động và vẫn trong tầm kiểm soát.

 Chưa xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ ở Huế

Chưa xuất hiện tình trạng găm hàng, đầu cơ ở Huế

Chị Nguyễn Thị Hoa (TP. Huế) mua 10kg gạo Cỏ May của tập đoàn Cỏ May. Theo đơn giá, số tiền chị phải trả so với lần mua trước cao hơn 35 ngàn đồng. “Thời điểm trước, 10kg gạo loại này có giá 145 ngàn đồng, nay lên 180 ngàn đồng. Nhưng do cả nhà đã quen ăn nên tôi không thể chuyển sang loại khác rẻ hơn”, chị Hoa nói.

Nhưng không phải ai cũng như chị Hoa, nhất là với những người thu nhập thấp. Anh Lê Phú Nghĩa – chủ đại lý gạo Nguyệt (chợ Bến Ngự - TP. Huế) cho hay, từ khi gạo tăng giá, có một số khách quen chuyển sang ăn loại rẻ hơn. “Trung bình một gia đình 4 người ăn 10kg gạo chỉ trong 10-15 ngày. Vậy nên, rất nhiều khách hàng của tôi phải tính toán lại chi tiêu và chuyển sang loại gạo rẻ hơn, có mức tăng thấp hơn”, anh Nghĩa nói.

Ở khía cạnh khác, hiện trên thị trường, gạo ở Huế chủ yếu được nhập từ 2 tập đoàn: Cỏ May, An An. Những loại gạo của 2 tập đoàn này đều có mức tăng khá cao, từ 25-35 ngàn đồng/10kg. Trong khi đó, những loại sản xuất ở Huế, như loại giống của Nhật, hay một số thường gọi là gạo ruộng, giá chỉ tăng trên dưới 10 ngàn đồng/10kg.

Điều này chỉ ra, tại Huế, giá tăng chủ yếu là những loại gạo nhập từ nơi khác về. Còn với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phục vụ thị trường sở tại là chính, lúa, gạo do nông dân Huế sản xuất không có biến động đáng kể.

Thực tế cho thấy, khi giá gạo tăng, nếu tăng từ nguồn (từ lúa) sẽ giúp nông dân có lợi. Tuy nhiên, nếu gạo tăng giá không xuất phát từ giá lúa, đồng nghĩa đang có một bộ phận thu gom, cũng tức là mang lại lợi ích cho giới đầu cơ chứ không phải cho người nông dân.

Và tuy trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, nhưng để ngăn chặn từ trong “trứng nước”, ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho hay, đơn vị đã yêu cầu các lực lượng trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường.

 Thị trường gạo ở Huế vẫn đang hoạt động bình thường

Thị trường gạo ở Huế vẫn đang hoạt động bình thường

“Theo số liệu thu thập được, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 40 đầu mối kinh doanh gạo quy mô. Với vai trò quản lý thị trường và là thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành hữu quan và của UBND tỉnh, đơn vị đã chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi tình hình giá gạo, tình hình vận chuyển; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, qua đó, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua - bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo”, ông Phan Hùng Sơn cho hay.

Theo Sở Công thương, sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg của TTCP ngày 5/8/2023, Sở Công thương đang phối hợp các địa phương chỉ đạo các đầu mối kinh doanh gạo chủ động có phương án duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu đảm bảo ổn định thị trường trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Cục QLTT tỉnh theo dõi sát tình hình sản lượng sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý nếu xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, tăng giá gây bất ổn thị trường.

Ngoài những động thái trên, với việc UBND tỉnh không chỉ đạo dự trữ lúa, gạo liên quan đợt tăng giá gạo hiện nay, kết hợp số liệu của Cục Thống kê khi tính đến ngày 15/7/2023, diện tích gieo trồng lúa hè thu toàn tỉnh ước đạt 25.315ha, tăng 3,5% so cùng kỳ; hệ thống thủy lợi được đầu tư mới, sửa chữa, nâng cấp nên một số nơi có diện tích bị bỏ hoang đã chủ động được nguồn nước và đưa cây lúa vào canh tác trở lại... có thể thấy, tình hình lúa, gạo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không đáng lo ngại, ít nhất cho đến hết năm 2023.

Dẫu vậy, ở khía cạnh khác, từ chuyện giá gạo tăng nhưng người trồng lúa ở Huế không chịu nhiều tác động đã cho thấy, loại lương thực này của Huế chưa có tiếng nói trên thị trường trong nước. Và một khi nông dân một số nơi tận dụng thời cơ tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới thì nông dân Huế phải đứng ngoài cuộc. Và đây là điều đáng suy ngẫm.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thong-tin-thi-truong/thi-truong-lua-gao-hue-van-trong-tam-kiem-soat-131041.html