Thị trường lịch Tết 2024: Xu hướng hoài cổ tiếp tục được phát huy

Tiết trời se lạnh, người dân bắt đầu tìm kiếm những quyển lịch Tết để đón chào năm mới. Trong thời đại số hóa ngày nay, lịch Tết có sẵn không chỉ tại các hiệu sách truyền thống mà còn trên các sàn thương mại điện tử. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Theo ghi nhận, hiện các cửa hàng sách trên phố Nguyễn Xí, Đinh Lễ và một số nhà sách như Nhã Nam, Kim Đồng, Kim Anh, Trí Tuệ, Phương Nam… đã bày bán các loại lịch 2024. Mẫu mã tuy chưa đột phá nhưng lại tập trung hơn vào chất lượng nội dung. Dù các nhà xuất bản trung thành với những họa tiết quen thuộc nhưng lại thể hiện theo phong cách mới, như bộ lịch bàn chữ in nổi Phúc - Lộc - Thọ, lịch phong cảnh, vật phẩm phong thủy, các loài hoa,... Trên lịch xuất hiện nhiều hình ảnh gần gũi mang giá trị truyền thống, như ảnh phố Hà Nội xưa. Xu hướng hoài cổ này tiếp tục được những người làm lịch phát huy.

Hình tượng con rồng của năm mới Giáp Thìn 2024 là một trong những họa tiết chủ đạo. Họa tiết rồng năm nay được thể hiện ở nhiều tư thế như bay lên, vờn mây hoặc ngậm ngọc, hai rồng chầu mặt trời, chầu chữ Thọ,… với sắc đỏ và vàng thể hiện phú quý. Cách vẽ cũng đa dạng, đặc biệt phải kể tới những cuốn lịch mang họa tiết rồng thời Lý.

Tại các hiệu sách, nhà sách, người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy các cuốn lịch Tết bắt mắt với giá cả phù hợp.

Chủ một số quầy sách trên phố Đinh Lễ dự đoán năm nay lịch thư pháp sẽ là mẫu lịch được nhiều người ưa chuộng. Đại diện nhà sách Ngân Nga (số 7A, Đinh Lễ, Hà Nội) cho hay: “Có lẽ năm nay mẫu lịch thư pháp vẫn sẽ nhanh chóng hết hàng. Dòng lịch in dọc này có mầu sắc và hình ảnh rất đẹp, sản xuất với số lượng ít, như năm ngoái lịch thư pháp của nhà sách Liên Việt “cháy hàng”, thậm chí còn được rao bán với giá cao tới một triệu đồng. Hiện tại, mẫu lịch này đang được bày bán ở các cửa hàng với giá khoảng 600 - 700 nghìn đồng”.

Năm nay, thị trường lịch ít có đơn vị in mới, chủ yếu thị phần vẫn thuộc về một số nhà xuất bản có kinh nghiệm lâu năm và đầu tư lớn. Chủ một quầy sách trên phố Nguyễn Xí chia sẻ: “Lịch của các nhà xuất bản ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có mầu đậm và sặc sỡ hơn. Nhiều nhà xuất bản chọn họa tiết hoạt hình rất trẻ trung, hợp với thị hiếu hiện đại. Trong khi đó, các nhà xuất bản ở miền bắc thường có chất giấy mỏng hơn, họa tiết thiên về kiểu truyền thống với các kiến trúc, thư pháp và các loài hoa...”.

Thực tế, số nhà xuất bản in lịch đã giảm so trước đây, số lượng lịch được sản xuất trong một lần phát hành cũng giảm đáng kể. Đây có thể do sự tác động chung của nền kinh tế, nhưng cũng một phần từ sự phát triển của công nghệ. Công năng xem ngày tháng của lịch bloc treo tường, lịch để bàn,... dần bị các ứng dụng lịch kỹ thuật số thay thế.

Chia sẻ về biến động của giá lịch Tết năm nay, ông Thành Nam, Giám đốc kinh doanh Nhà sách Kim Anh cho hay: “Nếu chỉ so sánh với năm ngoái, giá lịch năm nay không thay đổi gì nhiều. Nhưng so với bốn năm trở lại đây sẽ thấy giá đã tăng rất nhiều. Đây là điều không thể tránh khỏi khi chi phí sản xuất lẫn nguồn nguyên liệu đầu vào đều đang tăng còn số lượng sản xuất lại nhiều”.

Sự ảnh hưởng này cũng rõ ràng hơn đối với những người làm trung gian. Khi mọi chi phí tăng cao để bảo đảm chất lượng sản phẩm cũng như quyền lợi, các nhà xuất bản bắt buộc phải giảm chiết khấu trung gian, thắt chặt hơn về việc xuất trả hàng, bao tiêu đầu cuối của lịch. Thông thường, các nhà bán lẻ bắt đầu nhập lịch Tết từ đầu tháng 10. Nhưng phải đến giữa hoặc cuối tháng 12, thị trường bán lịch mới có thể sôi động. Dù trước đây, từ tháng 9, các sạp hàng đã treo lịch đỏ rực, tháng cao điểm bán hàng cũng tới sớm vào tháng 11.

Một bạn trẻ đang tìm mua lịch để bàn tại một hiệu sách truyền thống.

Cũng về giá thành lịch Tết, chị Nhật Hoa, nhân viên một công ty bảo hiểm cho rằng: “Tôi nghĩ giá cả của nhiều mặt hàng tăng lên theo tình hình chung nên lịch Tết cũng phải tăng giá do đối mặt với chi phí sản xuất và nguyên vật liệu tăng”.

Anh Thắng Văn, làm việc tại một công ty truyền thông cũng cho rằng: “Tôi nghĩ lịch Tết năm 2024 đắt hơn mọi năm do có sự thay đổi về thiết kế. Kiểu thiết kế ngày càng thịnh hành là những thiết kế của gen Z, sẽ có nhiều thiết kế ấn tượng hơn cho lịch”.

Mặc dù kinh tế năm nay có phần khó khăn hơn những năm trước, tuy nhiên với nhiều người dân Hà Nội, việc mua cho mình và người thân những cuốn lịch mới khi năm cũ sắp qua đi và năm mới sắp tới một là thói quen được duy trì đều đặn mỗi năm.

“Năm nay chi tiêu khó khăn hơn năm ngoái, nhưng chắc chắn gia đình tôi sẽ vẫn dành một khoản để mua lịch về trang trí nhà lúc gần Tết. Có thể bây giờ nhiều người xem ngày bằng lịch điện thoại, nhưng để đánh dấu thời khắc năm mới rực rỡ hơn, không gì thay thế được cái thú vị của lịch giấy. Nội dung trên những tờ lịch chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhiều câu danh ngôn, ca dao tục ngữ hay tranh thư pháp rất phù hợp cho việc răn dạy, nhắc nhở lớp trẻ thêm yêu truyền thống”, bà Nguyễn Thị Lan, sống tại phố Hàng Bài chia sẻ.

Trong khi lịch Tết ở các hiệu sách truyền thống cơ bản vẫn giữ nguyên các mẫu mã quen thuộc như mọi năm thì sự đa dang của lịch Tết trên các sàn thương mại điện tử lại đem đến cho người tiêu dùng nhiều trải nghiệm hấp dẫn và nhiều sự lựa chọn.

Trên thực tế, những cuốn lịch được rao bán trên những sàn thương mại điện tử thì có giá rẻ hơn với những thiết kế mẫu mã đặc sắc và độc đáo hơn rất nhiều ở ngoài các cửa hàng. Người dùng có thể dễ dàng lựa chọn một cuốn lịch ưng ý trong hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau chỉ trong vài phút. Đa dạng về mẫu mã, chủ đề và kích thước, lịch Tết bán online đảm bảo mọi người đều có thể tìm thấy sản phẩm phù hợp với sở thích và ngân sách cá nhân.

Trên sàn thương mại điện tử Shopee có giá lịch Tết dao động từ 55.000 đồng đến 450.000 đồng, nhưng lại không đa dạng bằng sàn thương mại điện tử Tiki về giá lẫn kiểu mẫu. Giá lịch Tết trên Tiki dao động từ 5.000 đồng đến 700.000 đồng/1 sản phẩm chưa tính phí vận chuyển.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thi-truong-lich-tet-2024-xu-huong-hoai-co-tiep-tuc-duoc-phat-huy-163999.html