Thị trường đồ cúng ngày ông Công ông Táo ảm đạm

Tới hôm nay (23 tháng Chạp), sức mua hoa tươi, trái cây, đồ cúng tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM vẫn rất chậm, đa số người dân mua với số lượng ít ỏi, các mặt hàng giá rẻ được ưa chuộng hơn. Còn tại Hà Nội, thị trường phục vụ tết 23 tháng Chạp cũng trầm lắng hơn mọi năm.

Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM trong sáng nay, giá cả mặt hàng cúng ông Công, ông Táo chỉ tăng từ 5-10%.

Cụ thể, hoa cúc vạn thọ có giá 15.000 – 20.000 đồng/bông, hoa mẫu đơn có giá 110.000 đồng/bó, hoa cát tường có giá 40.000 đồng/bó, quýt có giá 40.000 – 100.000 đồng/kg, táo đỏ có giá 50.000 – 100.000 đồng/kg, giá vú sữa dao động khoảng 40.000-60.000 đồng/kg, cá chép đỏ phóng sinh có giá 50.000-200.000 đồng/con, vàng mã có giá từ 30.000-200.000 đồng/bộ,…

Những ngày cận Tết, bà Tư mở cửa hàng từ 4 giờ sáng phục vụ người dân (Ảnh: Hoàng Minh)

Những ngày cận Tết, bà Tư mở cửa hàng từ 4 giờ sáng phục vụ người dân (Ảnh: Hoàng Minh)

Bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ tại Quận 1) đi chợ Thị Nghè để mua đồ về cúng ông Công ông Táo cho biết: “Tết cúng ông Táo, tôi mua chè, bánh mứt, hoa, quả. Năm nay thấy người ta bán mứt ít nhưng xôi chè vẫn nhiều, giá tăng không nhiều. Tết ông Táo mua cũng đông nhưng người ta mua ít lại để tiết kiệm vì kinh tế khó khăn”.

Khách mua đồ cúng tại khu vực chợ Tân Định không cần phải tới sớm xếp hàng chờ tới lượt như mọi năm (Ảnh: Hoàng Minh)

Khách mua đồ cúng tại khu vực chợ Tân Định không cần phải tới sớm xếp hàng chờ tới lượt như mọi năm (Ảnh: Hoàng Minh)

Các mặt hàng cúng ông Công, ông Táo như: Xôi nếp, chè trôi nước, hoa tươi, trái cây, bánh mứt, vàng mã, cá chép đỏ,… được bày bán nhiều, mẫu mã đa dạng, giá cả phải chăng. Tuy vậy, năm nay, tại một số chợ không còn cảnh người dân đứng xếp hàng mua đồ từ sáng sớm.

Cửa hàng xôi nếp, chè trôi nước, bánh mứt cũng ảm đạm, ít người mua (Ảnh: Hoàng Minh)

Cửa hàng xôi nếp, chè trôi nước, bánh mứt cũng ảm đạm, ít người mua (Ảnh: Hoàng Minh)

Bà Nguyễn Thị Tư, tiểu thương bán trái cây và hoa tươi tại chợ Thiếc, Quận 11 chia sẻ, cứ đến những ngày cận Tết, bà thường dậy từ 4 giờ sáng nhập hàng về bán. Năm nay, do kinh tế khó khăn, khách tới cửa hàng mua sắm ít hơn và chủ yếu chọn các mặt hàng giá rẻ. Nhiều khách quen chỉ mua hàng với số lượng chưa bằng một nửa so với mọi năm.

Tiểu thương tại chợ Phú Nhuận ngóng chờ khách (Ảnh: Hoàng Minh)

Tiểu thương tại chợ Phú Nhuận ngóng chờ khách (Ảnh: Hoàng Minh)

“Mấy năm trước ngày này đông lắm, bà con phấn khởi đi mua đồ để tranh thủ đưa ông Táo về trời. Thường thường trước 1-2 ngày, bắt đầu nhộn nhịp từ ngày 20, sáng 22 bắt đầu đông nườm nượp, ba người làm không kịp. Còn bây giờ mình tôi ngồi không, coi như tình hình bây giờ chỉ còn 4/10 phần. Bây giờ đưa ông Táo rồi mà từ sáng tới giờ bán đâu có được bao nhiêu”, bà Nguyễn Thị Tư nói.

Còn tại Hà Nội, theo phản ánh của phóng viên Nguyên Nhung/VOV1: Thị trường phục vụ Tết ông Công ông Táo khá dồi dào nhưng người mua cũng thưa thớt, nhiều người sắm lễ cũng gọn nhẹ hơn các năm trước rất nhiều.

Xôi giò, gà luộc sẵn đẹp mắt tại cổng chợ Hôm cũng thưa vắng khách

Xôi giò, gà luộc sẵn đẹp mắt tại cổng chợ Hôm cũng thưa vắng khách

Cá chép vàng được bày bán sẵn, tạo thuận lợi cho người mua

Cá chép vàng được bày bán sẵn, tạo thuận lợi cho người mua

Người mua lựa chọn những bộ cá nhỏ và hoa quả giản đơn

Người mua lựa chọn những bộ cá nhỏ và hoa quả giản đơn

Nguyên Nhung/VOV1; Hoàng Minh/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/thi-truong-do-cung-ngay-ong-cong-ong-tao-am-dam-post1075312.vov