Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nâng hạng phải đi kèm nâng chất

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một việc khó, nhưng việc giữ hạng lại càng khó hơn. Vì vậy, để giữ ổn định thị trường, chúng ta cần phải chú trọng nâng chất lượng, minh bạch thị trường, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Đó là chia sẻ của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối nghiên cứu và Phát triển sản phẩm khách hàng cá nhân - Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh

Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh

Nâng hạng sẽ tác động tích cực đến TTCK Việt Nam

Nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025. Việc nâng hạng thị trường thành công sẽ đem lại những cơ hội gì, thưa ông?

- Việc nâng hạng sẽ tác động tích cực đến TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Trước hết, khi nâng tiêu chuẩn của thị trường lên, đồng nghĩa với việc các tiêu chí minh bạch thông tin, thuận lợi cho nhà đầu tư giao dịch trên TTCK. Cơ hội thứ hai đó là giúp TTCK Việt Nam có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính nước ngoài.

Trong đó, tác động sớm nhất và rõ nét nhất đó là việc mua vào của các quỹ ETF đang sử dụng bộ chỉ số MSCI Emerging Markets Index và FTSE EM làm tham chiếu. Mặt khác, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển về chất và tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn DN niêm yết.

Hiện nay, TTCK Việt Nam đang ở thị trường cận biên, mang dáng vóc của thị trường đầu cơ, nên việc tiếp cận quỹ có tiêu chuẩn với quy mô khá nhỏ và thông thường có tính đầu cơ cao. Như vậy, khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì sẽ giảm bớt các yếu tố đầu cơ, tiếp cận quỹ có quy mô lớn hơn, dễ dàng cho sự dịch chuyển dòng vốn ngoại. Đối với những quỹ chủ động họ cũng có những quy tắc đầu tư khắt khe, thông thường ưu tiên nhóm thị trường mới nổi hơn là thị trường cận biên.

Đối với nền kinh tế, nhờ có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các DN nội địa có cơ hội tiếp xúc với trình độ, kinh nghiệm quản lý mới, hiện đại. Các DN và các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước có động lực phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới, qua đó năng lực hoạt động của DN và tổ chức trung gian thị trường được nâng cao.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu không có trong rổ xem xét của các tổ chức xếp hạng cũng được hưởng lợi từ sự đi lên chung của thị trường, giúp việc huy động vốn trở nên thuận lợi hơn.

Mặc dù các cơ quan quản lý Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, nhưng đến nay các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với TTCK Việt Nam? Theo ông, điểm nghẽn đang nằm ở đâu?

- Hiện có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm Công ty tài chính uy tín của Mỹ (MSCI), nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập (S&P Dow Jones) và tổ chức tài chính của Anh chuyên cung cấp các dịch vụ chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu (FTSE Russell).

Theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên. Mặc dù là 3 tổ chức khác nhau, nhưng đều có 1 số tiêu chuẩn về mặt định lượng và mặt định tính.

Về mặt định lượng, hầu như TTCK Việt Nam đã bảo đảm phần lớn tất cả các tiêu chí. Trong các nhóm tiêu chí còn vướng mắc để được nâng hạng, FTSE Russell và MSCI đánh giá một số hạn chế liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài, chưa đầy đủ thông tin trong quy trình thoái vốn và cổ phần hóa DN Nhà nước, thông tin về hoạt động của DN và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các DN chưa được cập nhật kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng tiếng Anh.

Tiếp đó là việc quy mô thị trường còn hạn chế do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các DN Nhà nước còn chậm. Trên thực tế, chúng ta đang có quá nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như vậy đồng nghĩa với việc giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề cốt lõi của thị trường Việt Nam, nếu không giải quyết được thì mãi mãi không nâng hạng được.

Ngoài các trở ngại lớn nêu trên, còn một số vấn đề khác cũng cần giải quyết để TTCK Việt Nam được nâng hạng như thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn tốn nhiều thời gian; một số thông tin về DN, các quy định về pháp lý không có sẵn bằng tiếng Anh và còn một số hạn chế về mức độ tự do hóa trên thị trường giao dịch ngoại hối.
Qua đó có thể thấy, để xem xét nâng hạng một thị trường thì tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài là quan trọng nhất. Hiện tại TTCK nước ta đang bị vướng yếu tố này.

Nâng vốn hóa, tăng thanh khoản

Trước những điểm nghẽn của thị trường, theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ?

- Để tháo gỡ những điểm nghẽn của việc nâng hạng, giải pháp ngắn hạn là cần đẩy nhanh triển khai hệ thống KRX (hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc), như vậy một số tiêu chí về mặt định tính chúng ta có thể tăng lên. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ thống chính sách phát triển TTCK, thông qua việc rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập; rà soát và bổ sung các quy định nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn.

Đồng thời, cần dứt khoát nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để tránh lỗi sai sót; kiểm soát hành vi của nhà đầu tư bằng cách tăng chế tài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Mặt khác, cần sớm đưa ra thông tư hướng dẫn phát hành NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyên biểu quyết). Nếu phát hành NVDR thì giải quyết được vướng mắc của thị trường Việt Nam, đó là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Tức là nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu MVDA này mà không cần phải giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Như vậy, rõ ràng MVDA là cách lách được tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Giải pháp dài hạn, đầu tiên nên đối chiếu lại luật DN để giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện xuống. Như vậy chúng ta sẽ tăng được tỷ lệ sở hữu của nhà đầu nước ngoài lên, tạo một hành lang thông thoáng với nhà đầu tư nước ngoài.

Nâng hạng là một việc khó, nhưng việc giữ hạng lại càng khó hơn. Thực tế, đã có nhiều thị trường từng vướng phải tình trạng này. Vậy, để tránh đi lại vết xe đổ, theo ông TTCK Việt Nam nên hướng đến mục tiêu gì?

- Lâu nay mọi người vẫn nghĩ nâng được hạng thị trường là hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nên nhớ, với một số quỹ chỉ số khi nâng hạng lên, cái khó khăn nhất đó là phải tồn tại trong nhóm mới nổi đó. Có rất nhiều quốc gia khi được nâng hạng, nhưng chỉ sau một năm đã bị loại, nguyên nhân do không cạnh tranh được về mặt vốn hóa, không cạnh tranh được về mặt thanh khoản của thị trường. Đây là 2 tiêu chí rất quan trọng. Để giải quyết câu chuyện này, chúng ta nên sớm cổ phần hóa và niêm yết các DN lớn khác.

Rõ ràng chúng ta muốn nâng hạng thì bản thân thị trường phải nâng chất lên trước. Hiện nay, TTCK Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhóm bất động sản và nhóm ngân hàng.

Hai nhóm này chiếm hơn 40% quy mô vốn hóa của thị trường. Đối với những nước phát triển khi nhìn vào một quốc gia phụ thuộc vào bất động sản và ngân hàng thì đó là một quốc gia rủi ro. Có thể đưa một số nhóm như viễn thông, công nghệ… để tăng tính bền vững của thị trường.

Đặc biệt, vấn nạn về số tài khoản rác của TTCK Việt Nam đang rất cao. Theo thống kê đang có hơn 7 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm hơn 7% tổng quy mô dân số Việt Nam, nhưng số tài khoản có giao dịch chỉ chiếm tỷ lệ rất ít.

Một hạn chế nữa của thị trường đó là chất lượng của hàng hóa niêm yết. Hiện thị trường có 1.700 mã cổ phiếu, trong khi vốn hóa rất thấp. Rõ ràng câu chuyện chúng ta không nên chạy đua công bố số tài khoản, thay vào đó nên tập trung những tài khoản có giao dịch trên thị trường.

Về hệ thống vận hành, TTCK Việt Nam đang vận hành trên hệ thống của Thái Lan chuyển nhượng từ năm 2000, nên không giải quyết được những yêu cầu của thị trường về thanh khoản.

Trong giai đoạn hiện tại chúng ta nên học tập thêm những Luật Chứng khoán ở các nước tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore. Hoặc có thể học theo thị trường của Mỹ, đó là có những thể loại xếp hạng tiêu chuẩn cho những cổ phiếu hạng A, B, C. Đặc biệt, cần nâng mức chế tài xử lý vi phạm. Mặc dù không nên hình sự hóa, nhưng cần nâng chế tài dân sự.
Với tình hình hiện nay, TTCK Việt Nam có thể kỳ vọng đến tháng 9/2024 có thể được xem xét nâng hạng. Tuy nhiên, để chính thức nâng hạng có thể phải chờ đến tháng 3/2025.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh

Trên TTCK Việt Nam hiện đang rất nghèo nàn sản phẩm tài chính. Như vậy khi triển khai hệ thống KRX sẽ giải quyết được 2 bài toán, thứ nhất là về năng lực của thị trường, tức là giải quyết được tính thanh khoản của thị trường mà không còn bị tình trạng tắc nghẽn, đứt mạng như năm 2021. Thứ 2 là có thêm sản phẩm tài chính tốt hơn.

Luật Chứng khoán cũng cần cải thiện điều kiện niêm yết có tiêu chuẩn cao. Hiện Luật Chứng khoán còn nhiều kẽ hở, dẫn đến các DN niêm yết vẫn có thể lách được, khiến thị trường không minh bạch, tồn tại những DN làm giá, tạo ra sự lũng đoạn, thậm chí niêm yết khống, tăng vốn ảo. Để xảy ra tình trạng này do chúng ta không làm chặt chẽ trong khâu niêm yết các DN, hoặc phát hành tăng vốn, chế tài cho việc này còn rất nhẹ nhàng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-nang-hang-phai-di-kem-nang-chat.html