Thị trường chứng khoán thế giới: Xu hướng tăng chiếm ưu thế

Thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên 14/4, trong đó chứng khoán Phố Wall giảm, còn chứng khoán châu Âu đi lên.

Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thị trường chứng khoán thế giới đi ngược chiều nhau trong phiên 14/4, trong đó chứng khoán Phố Wall giảm, còn chứng khoán châu Âu đi lên trong bối cảnh số liệu về doanh số bán lẻ gây thất vọng của Mỹ đã “lấn át” báo cáo lợi nhuận ngành ngân hàng tốt hơn dự kiến.

Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 33.886,47 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.137,64 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 12.123,47 điểm.

Trong khi đó, tại châu Âu, chỉ số CAC 40 tại Paris tăng 0,5% lên 7.519,61 điểm. Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,4% lên 7.871,91 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,5% lên 15.807,50 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.390,75 điểm.

Doanh số bán lẻ đã bất ngờ giảm 1% trong tháng 3/2023, nới rộng xu hướng giảm mà cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Số liệu đáng thất vọng này cũng đã lấn át báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự kiến từ ngân hàng JPMorgan Chase và các ngân hàng lớn khác, vốn góp phần khích lệ những nhà đầu tư đang quan ngại về lĩnh vực này.

Sau khi mở cửa tăng nhẹ thì các chỉ số chính của Mỹ đã giao dịch trong sắc đỏ suốt phiên. Chỉ số S&P 500 đã xóa sạch đà tăng trong tuần này và khép tuần với mức giảm 0,2%.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng những bình luận từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller đã khiến thị trường phải đánh giá lại các báo cáo lạm phát của Mỹ trong tuần này. Trước đó, lạm phát giảm đã làm dấy lên hy vọng về việc tạm dừng tăng lãi suất sớm.

Chris Beauchamp, giám đốc phân tích thị trường của nền tảng giao dịch trực tuyến IG, cho biết số liệu doanh số bán lẻ yếu kém của Mỹ khiến các nhà đầu tư "lại lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ".

Nhìn chung trong tuần này, xu hướng tăng chiếm ưu thế hơn cả nhờ các báo cáo tích cực về thị trường việc làm và lạm phát của Mỹ.

Chứng khoán Mỹ chào phiên đầu tuần 10/4 với sắc xanh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ tăng 236.000 trong tháng Ba, thấp hơn mức dự báo 240.000 của thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm từ mức 3,6% trong tháng Hai xuống 3,5% trong tháng Ba.

Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên 11/4 khi thị trường chờ đợi báo cáo lạm phát tháng 3/2023 của Mỹ. Các nhà đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố số liệu lạm phát vào thứ Tư (12/4) để đoán định liệu Fed có tiếp tục nâng lãi suất hay không, sau khi dữ liệu vào tuần trước cho thấy tuyển dụng nhân công tăng mạnh.

Fed đã tăng mạnh lãi suất trong nỗ lực phòng chống lạm phát nhưng các nhà đầu tư lo ngại việc thắt chặt tiền tệ có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 2,8% nhưng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 1,6%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó. Nền kinh tế tăng trưởng có thể giúp Fed có thêm phương án tăng lãi suất.

Tuy nhiên, biên bản cuộc họp của Fed công bố ngày 12/4 đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán Mỹ khi các chuyên gia kinh tế của Fed đưa ra dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế nhẹ ở Mỹ sẽ diễn ra vào cuối năm 2023. Theo biên bản, các quan chức của Fed dự đoán kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ bắt đầu từ năm nay và phục hồi trong hai năm sau đó. Chuyên gia Edward Moya của công ty môi giới chứng khoán OANDA cho rằng Fed đang lo ngại hơn về triển vọng của nền kinh tế và tác động của bất ổn ngân hàng hiện tại.

Trước đó, thị trường đã tiếp nhận số liệu cho thấy lạm phát theo năm của Mỹ đã giảm từ 6% trong tháng Hai xuống 5% trong tháng Ba, mức tăng giá thấp nhất kể từ tháng 5/2021.

Dù vậy, các chuyên gia phân tích lưu ý rằng lạm phát vẫn còn xa mức mục tiêu 2% của Fed, và không tính đến giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, lạm phát cốt lõi theo năm của Mỹ đã tăng 5,6% trong tháng Ba, cao hơn mức 5,5% trong tháng trước đó.

Sang phiên 13/4, chứng khoán Mỹ khởi sắc trở lại khi số liệu lạm phát khả quan của Mỹ đã củng cố những kỳ vọng về sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Fed.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW nhận định lạm phát đang có xu hướng chậm lại, qua đó mở ra khả năng Fed sẽ sớm dừng chu kỳ nâng lãi suất của mình./.

Minh Hằng (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-xu-huong-tang-chiem-uu-the/287976.html