Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023: 'Rẽ mây thấy mặt trời'

Khi loạt chính sách hỗ trợ được ban hành, tiêu dùng được thúc đẩy, đầu tư công đúng tiến độ, lãi suất hạ nhiệt… thị trường chứng khoán sẽ tìm lại được đà tăng trưởng

Năm 2023 đã đi qua được nửa chặng đường, nhưng những khó khăn, thách thức vẫn còn đó khi GDP quý I/2023 đã tăng trưởng thấp hơn so với kỳ vọng. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã đề ra, theo các chuyên gia, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ cần phải tăng tốc hơn nữa kể từ từ quý II/2023.

Trong cuộc phỏng vấn với Người Đưa Tin, ông Phạm Tuyến – Giám đốc tư vấn đầu tư (Chứng khoán KIS Việt Nam) và bà Thái Thị Việt Trinh – Chuyên viên cao cấp phân tích vĩ mô (Chứng khoán SSI) đã đưa ra những nhận định, đánh giá về tình hình thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023.

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp còn chịu nhiều áp lực

NĐT: Chính sách tiền tệ dần nới lỏng, nhưng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp chưa được cải thiện, TTCK chưa có sự tăng trưởng tốt, ông/bà có thể lý giải nguyên nhân vì sao?

Ông Phạm Tuyến: Thứ nhất, chính sách tiền tệ nới lỏng vừa qua chưa thực sự ngấm sâu vào các doanh nghiệp, có nghĩa là hầu hết nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn chưa đáp ứng đủ yêu cầu để tiếp cận được nguồn vốn này. Do vậy, chính sách này cần được tiếp tục kéo dài mới đủ ngấm cũng như giúp cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, từ đó mới cải thiện được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, nguyên nhân khiến TTCK hiện nay chưa thể bứt phá mạnh chính là các giải pháp đồng bộ phát triển của thị trường chưa được chú trọng, tính đồng bộ còn yếu, các cơ chế phát triển thị trường còn hạn chế đặc biệt là thị trường vẫn còn “ám ảnh” bởi những sự cố của năm 2022 để lại sau quá trình vi phạm của các chủ doanh nghiệp lớn về trái phiếu, về thao túng giá cổ phiếu…

Bà Thái Thị Việt Trinh: Chu kỳ kinh tế của Việt Nam hiện tại đang bước vào giai đoạn giảm tốc và việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nghiêng nhiều về mục tiêu hạ nhiệt mặt bằng lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng. Trong môi trường đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng và với độ trễ của chính sách tiền tệ, tăng trưởng lợi nhuận thực tế của doanh nghiệp vẫn sẽ chịu nhiều áp lực.

"Nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới khi mà quy mô thị trường tăng lên và các chính sách ổn định vĩ mô, thúc đẩy thị trường được Chính phủ và các cơ quan quản lý quan tâm sâu sắc hơn nữa".

NĐT: Trong quý I/2023, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 3,32%, nếu muốn đạt được mục tiêu 6,5% thì phải tăng tốc kể từ quý II. Vậy theo ông/bà, đâu sẽ là động lực giúp cho các doanh nghiệp tăng tốc cho đến cuối năm, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và TTCK tích cực hơn?

Ông Phạm Tuyến: Cần tiếp tục thực hiện chính sách hạ lãi suất, thực hiện các gói QE để lãi suất dài hạn tiếp tục giảm, từ đó khuyến khích chi tiêu và tiêu dùng.

Đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện giải ngân đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật, và cũng từ đó mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, các ngành phụ trợ liên quan đến đầu tư công, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng ngành, tăng trưởng liên ngành và các lĩnh vực kinh tế then chốt.

Thậm chí, Quốc hội và Chính phủ cũng cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt để thúc đẩy hoặc tìm các giải pháp phù hợp hỗ trợ các ngành lớn có tác động đến tăng trưởng kinh tế như bất động sản, dầu khí, tập trung hỗ trợ một số ngành sản xuất công nghiệp.

Nhóm ngành này cần hỗ trợ lớn về lãi suất, về dòng tiền và về các chính sách mở khác như tháo gỡ khó khăn về trái phiếu, tiếp cận vốn vay cũng như việc đáo nợ hoặc gia hạn nợ, hỗ trợ lãi suất…

Giới đầu tư chỉ cần nhìn thấy các giải pháp mà Chính phủ và các cơ quan quản lý đưa ra để thực thi, để hỗ trợ doanh nghiệp là đã có những phản ứng tích cực lên thị trường. Để TTCK phát triển lành mạnh, bền vững, các cơ quan quản lý thị trường cũng cần xây dựng luật, chế tài phù hợp với tình hình thực tế nhằm vừa tạo ra sân chơi minh bạch, công bằng nhưng cũng phải luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Bà Thái Thị Việt Trinh: Với những dữ liệu về sản xuất, tiêu dùng hay xuất nhập khẩu không quá tích cực trong tháng 4 và tháng 5, tôi cho rằng phải đợi sang nửa cuối năm 2023 mới có thể đánh giá được khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Tuy các chính sách hỗ trợ là đáng hoan nghênh, nhưng động lực chính đối với doanh nghiệp trong thời gian tới là sự cải thiện từ chính nội lực, bao gồm sự biến chuyển của thị trường đầu ra hay là khả năng tự đổi mới mình....

Quy mô thị trường lên, dòng vốn nước ngoài sẽ trở lại

NĐT: Trong bối cảnh chỉ số USD giảm và các điều kiện vĩ mô thuận lợi hơn, dòng vốn nước ngoài liệu có quay trở lại thị trường khi thời gian qua có tình trạng bán ròng?

Ông Phạm Tuyến: Tính từ đầu năm đến nay khối nhà đầu tư nước ngoài mua bán là cân bằng. Việc bán ròng của khối ngoại thực tế chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Với bối cảnh kinh tế hiện nay của Việt Nam thì việc khối ngoại tiếp tục mua và nắm giữ cổ phiếu là điều dễ hiểu. Vấn đề này có thể nhận thấy thông qua các quỹ lớn liên tục huy động dòng tiền hàng trăm triệu USD đổ vào TTCK Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt cuối năm trước và đầu năm nay.

Theo tôi đánh giá, nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đổ vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới khi mà quy mô thị trường tăng lên và các chính sách ổn định vĩ mô, thúc đẩy thị trường được Chính phủ và các cơ quan quản lý quan tâm sâu sắc hơn nữa, tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường.

Bà Thái Thị Việt Trinh: Thứ nhất, việc bán ròng của khối ngoại không đồng nghĩa với việc rút vốn ròng ra khỏi thị trường và tính đến hiện tại, theo tôi quan sát, sự rút ròng mạnh từ nhóm quỹ ETF nội (VFM VN30 và VFM VNDiamond) trong khi đó nhóm quỹ chủ động vẫn đang giao dịch khá thận trọng.

Thứ hai, nếu so sánh trong khu vực, VN-Index đang có mức tăng trưởng không quá hấp dẫn tính đến hiện tại, nên việc hút thêm dòng vốn ngoại mới vào thị trường là tương đối khó.

Cuối cùng, xét trong bối cảnh quốc tế, phân bổ dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu ở mức thận trọng và tập trung vào các nhóm phòng vệ và do vậy dòng tiền vào TTCK Việt Nam cũng khó có thể đứng ngoài xu hướng.

"Tuy các chính sách hỗ trợ là đáng hoan nghênh, nhưng động lực chính đối với doanh nghiệp trong thời gian tới là sự cải thiện từ chính nội lực, bao gồm sự biến chuyển của thị trường đầu ra hay là khả năng tự đổi mới mình...."

NĐT: Về câu chuyện nâng hạng, thị trường chứng khoán còn cần những yếu tố gì để có thể lên được thị trường mới nổi, thưa ông/bà?

Ông Phạm Tuyến: Câu chuyện nâng hạng TTCK được đánh giá là khá khó khăn trong nhiều năm trở lại đây. Hiện nay, TTCK Việt Nam đang ở thị trường cận biên và đang ở chế độ được theo dõi để đưa vào nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.

Theo như FTSE Russell, Việt Nam còn thiếu nhiều yếu tố như chưa đáp ứng chu kỳ thanh toán và bị đánh giá hạn chế do thông lệ thị trường về việc kiểm tra sự sẵn có về vốn trước khi tiến hành giao dịch. Ngoài ra còn một số yếu tố khác như giao dịch của khối ngoại về các chứng khoán sắp đạt đến giới hạn tỷ với nhà đầu tư nước ngoài cũng được coi trọng, giới hạn ngành nghề (ví dụ như ngành ngân hàng…) và hoặc là các thực thi chính sách, tính minh bạch…

Bà Thái Thị Việt Trinh: Câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam đã được đề cập từ khoảng gần 10 năm trước, tuy nhiên việc triển khai thực hiện các yêu cầu vẫn chưa có sự bứt phá.

Trên thực tế, FTSE Russell mới đây nhấn mạnh sự lo ngại liên quan tới việc thiếu rõ ràng về thời điểm thực hiện cải cách thị trường. Nếu điều này vẫn chưa rõ ràng hoặc thời gian thực hiện bị kéo dài, FTSE Russell cho biết có thể sẽ xem xét lại tư cách thành viên của Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 ở kỳ đánh giá tiếp theo diễn ra vào tháng 9/2023.

NĐT: Xin cảm ơn ông/bà!

Phạm Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thi-truong-chung-khoan-nua-cuoi-nam-2023-re-may-thay-mat-troi-a612341.html