Thị trường carbon và cơ hội cho các nước khu vực Trung Đông - châu Phi

Với việc thông qua Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thị trường carbon chính thức ra đời năm 1997, hoạt động dựa trên nguyên tắc mua bán, trao đổi các hạn ngạch phát thải nhà kính. Từ khi thị trường này chính thức ra đời, đã mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các nước khu vực Trung Đông - châu Phi.

COP28 đã thông qua thỏa thuận cắt giảm sâu phát thải khí nhà kính và nâng cao cam kết tài chính cho các nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, các nước thu về 95 tỷ USD tiền phí phát thải carbon, tăng mạnh so với mức 84 tỷ USD vào năm 2021. Hiện nay, tín chỉ carbon được giao dịch trên 2 thị trường chính bao gồm: thị trường chính thống (bắt buộc) và thị trường tự nguyện. Trong đó, thế giới có khoảng 30 thị trường carbon chính thống và hàng loạt các thị trường tự nguyện.

Mục tiêu của thị trường cacbon là thúc đẩy việc chuyển đổi nền kinh tế để giảm lượng khí thải carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0. Đồng thời tăng cường sử dụng các công nghệ sạch, năng lượng tái tạo… Ngoài ra, thị trường này cũng tạo động lực cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn thông qua các hạn ngạch được quy định sẵn đối với từng doanh nghiệp.

Đây cũng là cơ hội tốt để tạo ra nguồn thu đáng kể cho các nước đang phát triển, trong đó có các nước khu vực Trung Đông - châu Phi, từ đó có thêm nguồn tài chính đầu tư vào các dự án quan trọng khác, đặc biệt đối với các dự án xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Đối với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi, nguồn thu từ thị trường carbon không chỉ giải quyết bài toán kinh tế và môi trường, sự phát triển của thị trường carbon còn góp phần ổn định trật tự xã hội do giảm thiểu các tác động của ô nhiễm môi trường.

Cơ hội cho phát triển

Cơ hội thứ nhất đến từ việc tận dụng Điều 06 Thỏa thuận Paris. Trong đó, các quốc gia cam kết hạn chế lượng khí thải của mình (được gọi là Đóng góp quốc gia tự nguyện - NDCs) bằng cách mua các khoản tín chỉ carbon từ nước khác, thiết lập cơ chế trao đổi, đấu giá tín chỉ carbon và tăng cường hợp tác song phương/đa phương nhằm bù đắp lượng khí thải không thể loại bỏ bằng các biện pháp khác.

RVCMC - công ty của Saudi Arabia đi đầu trong việc mở rộng thị trường carbon tự nguyện và khuyến khích các hoạt động kinh doanh bền vững. RVCMC đã giám sát việc bán hơn 1,4 triệu tấn tín chỉ carbon vào tháng 10/2022. Sau đó, vào tháng 6/2023, công ty này cũng đã tổ chức cuộc đấu giá tín chỉ carbon tự nguyện tại Kenya với hơn 2 triệu tấn tín chỉ carbon đã được bán cho 15 người mua, chủ yếu từ Saudi Arabia và các tổ chức quốc tế khác.

Về tăng cường hợp tác song phương và đa phương nhằm bù đắp lượng khí thải Ghana và Senegal đã bán tín chỉ carbon cho Thụy Sĩ trong một thỏa thuận song phương. Gabon có thỏa thuận thí điểm với Hàn Quốc trong khi Ethiopia và Kenya ký thỏa thuận với Nhật Bản. Rwanda cũng đã ban hành hệ thống giao dịch phát thải carbon (ITMO) đáp ứng các tiêu chuẩn của Điều 6 Thỏa thuận Paris. Một số quốc gia khác bao gồm Bờ Biển Ngà, Senegal và Botswana đang xem xét đưa ra các chính sách thương mại carbon. Trong khi đó, Burundi, Ethiopia, Kenya, Rwanda, Sudan, Tanzania và Uganda cũng sẵn sàng giao dịch trên thị trường carbon tự nguyện.

Cơ hội thứ hai đến từ các hoạt động giảm phát thải nhà kính thông qua sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh. Từ các ưu thế có sẵn, như cơ sở hạ tầng, dự trữ khí tự nhiên, mạng lưới khách hàng…, nhiều quốc gia tại khu vực Trung Đông – châu Phi đã tăng cường đầu tư, đưa mục tiêu sản xuất hydrogen xanh, năng lượng sạch, tái tạo vào chương trình, chiến lược quốc gia của mình.

Đối với Trung Đông, Oman đã công bố Chiến lược hydrogen xanh, dự kiến đầu tư 140 tỷ USD đến năm 2050 để đạt năng lượng sản xuất 1-1,25 triệu tấn hydrogen xanh/năm vào năm 2030 và khoảng 7,5-8,5 triệu tấn vào năm 2050.

Các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng đã chuyển giao một số đơn hàng hydrogen xanh cho các đối tác cho châu Âu và Nhật Bản. Đối với châu Phi, đến năm 2035, khu vực này dự kiến sẽ bổ sung 50 triệu tấn hydrogen xanh, sản xuất bằng năng lượng mặt trời với gia tăng cạnh tranh để phục vụ nội địa và xuất khẩu (khoảng 22 triệu tấn) tập trung vào 3 trung tâm xuất khẩu chính là Marrocco - Mauritania, Ai Cập, Nam Phi - Namibia. Ngoài ra, Ai Cập và EU cũng đã ký Tuyên bố chung trong lĩnh vực hydrogen tái tạo, lập nhóm liên lạc EU - Ai Cập và thậm chí các nước châu Phi đã thành lập Liên minh hydrogen xanh châu Phi nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh lực này.

Cơ hội thứ ba đối với thị trường carbon khu vực đó là việc tín chỉ carbon có thể được tạo ra từ việc tăng cường hoạt động trồng rừng, tái tạo rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng. Gabon là một trong những nền kinh tế đầu tiên của châu Phi bắt đầu kiếm tiền từ nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon liên quan đến rừng từ năm 2021. Quốc gia này đã được tổ chức Sáng kiến rừng Trung Phi (Central Africa Forests Initiative) đầu tư 14 triệu Euro như một phần ban đầu để quản lý loại bỏ 127 triệu tấn carbon hàng năm từ rừng lưu vực Congo. Bên cạnh đó, Gabon còn có tiềm năng thu về 126 triệu euro vào năm 2025 nếu nước này cắt giảm được một nửa lượng khí thải carbon.

Việc mua bán tín chỉ carbon mang lại tiềm năng lớn cho các quốc gia Trung Đông – châu Phi.

Những thách thức

Việc mua bán tín chỉ carbon mang lại tiềm năng lớn cho các quốc gia Trung Đông – châu Phi, tuy nhiên điều này cũng đi kèm những thách thức tiềm ẩn trong tương lai. Nguyên tắc không được tính hai lần đối với tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris đã đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia đặc biệt là các nước châu Phi, mong muốn ban hành ITMO để huy động nguồn tài chính cho các dự án thuộc các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nhiên liệu…

Chính vì vậy, việc chọn các lĩnh vực đủ điều kiện cho ITMO ngày càng trở thành một phần quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế của một số chính phủ châu Phi. Việc thiếu tài chính và hỗ trợ có thể làm hạn chế khả năng phát triển và tham gia vào thị trường carbon ở khu vực.

Sự hoài nghi về tiềm năng tiết kiệm carbon của các khoản tín chỉ, đặc biệt là các khoản tín chỉ dựa trên các dự án lâm nghiệp, cũng là một trong những thách thức lớn đối với các nước khu vực. Vào tháng 8/2023, một nghiên cứu trên tạp chí Science cho rằng 94% tín chỉ liên quan đến 26 dự án ở các nước đang phát triển không thực sự liên quan đến việc giảm phát thải.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khi nhiều nước giàu và phát triển đang cắt giảm dần các khoản viện trợ cho châu Phi, Trung Quốc cũng cho vay ít hơn và các chủ nợ thương mại yêu cầu lãi suất cao, các quốc gia châu Phi chắc chắn sẽ còn rất gian nan trong quá trình tìm kiếm thêm các nguồn vốn đầu tư mới.

Bên cạnh đó, việc thiếu chính sách, quy định, khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả để định giá carbon có thể là một thách thức lớn đối với việc phát triển thị trường carbon khu vực. Theo báo cáo, chưa có quốc gia nào xây dựng chính sách hoặc luật pháp rõ ràng về việc tiếp tục vận hành các hoạt động của Thị trường carbon tự nguyện (VCM) và mối quan hệ của việc vận hành này với mục tiêu thực hiện NDCs.

Ngoài ra, sự thiếu sự rõ ràng về việc liệu kết quả giảm thiểu từ các hoạt động VCM có thể được xuất khẩu ra nước ngoài hay không vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ đối với các quốc gia trong khu vực. Điều này đặt ra yêu cầu cần có các khung pháp lý và quy định để thúc đẩy bảo đảm tính minh bạch, công bằng.

Cuối cùng là cam kết việc ngăn chặn nạn phá rừng. Điều này lý giải cho phản ứng trái chiều ở một số quốc gia, khi các thỏa thuận tạm thời được ký kết bởi 5 quốc gia châu Phi với công ty tín chỉ carbon do một thành viên Hoàng gia Dubai ở UAE điều hành - Blue Carbon. Công ty này đã ký các thỏa thuận ban đầu với Tanzania, Liberia, Zambia và Zimbabwe để quản lý rừng trên tổng diện tích đất liền rộng gần bằng nước Anh. Sau đó, Blue Carbon có thể bán ITMO cho các quốc gia gây ô nhiễm nhiều, chẳng hạn như UAE. Mặc dù chưa có thỏa thuận nào được chính thức thống nhất song các nhà phê bình gọi đó là “chủ nghĩa thực dân carbon”.

Thị trường carbon tại Việt Nam

Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) tháng 11/2021, với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris. Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon khi được xem là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ này. Tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Arap thống nhất (UAE) tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tái cam kết tiếp tục tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) trong ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như đưa phát thải ròng tại Việt Nam về "0" vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết, ngày 7/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, trong đó quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Đồng thời, Việt Nam sẽ thí điểm thị trường tín chỉ carbon từ năm 2025. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn với phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm có thể mua tín chỉ carbon trong nước, nếu các giải pháp khác chưa đủ để đạt các tiêu chuẩn giảm phát thải.

Nhìn ra thế giới, trong đó có những cơ hội và thách thức mà các nước khu vực Trung Đông – châu Phi, cũng có thể là những kinh nghiệm cho phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, nhằm thực hiện lộ trình giảm phát thải mà Chính phủ đã cam kết đến năm 2050.

Lê Hồng Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thi-truong-carbon-va-co-hoi-cho-cac-nuoc-khu-vuc-trung-dong-chau-phi-269682.html