Thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất

Thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả cho thị trường vốn.

Năm 2023, ngành Bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376.162 tỷ đồng.

Cơ hội “thử lửa” để thanh lọc, chấn chỉnh thị trường

Một trong những thách thức lớn nhất mà thị trường bảo hiểm Việt Nam đã phải đối mặt trong năm qua là thiếu hụt sự tin cậy và hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm từ phía khách hàng.

Nhìn lại năm 2023, cuộc khủng hoảng niềm tin người tiêu dùng không dừng lại ở một vài doanh nghiệp, mà lan ra toàn Ngành. Dù chỉ là một số trường hợp cá biệt trục lợi niềm tin khách hàng, không đại diện cho cả toàn ngành Bảo hiểm, nhưng lại tác động tiêu cực tới cả hệ thống.

Theo nhiều chuyên gia, để xảy ra khủng hoảng là bài học đắt giá cho các doanh nghiệp, cho thị trường, nhưng nhìn lại, chưa thực công bằng cho ngành Bảo hiểm vì các thông tin khách hàng nhận chi trả hay bồi thường bảo hiểm thường không mấy khi được lan tỏa, trong khi những thông tin tiêu cực lại lan truyền rất nhanh.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, chi trả quyền lợi bảo hiểm trong năm 2023 ước đạt 86.376.162 tỷ đồng (tăng 31,14% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả 23.814 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả 62.562 tỷ đồng.

Như vậy, nếu không có bảo hiểm, các cá nhân, tổ chức sẽ phải tự mình chi trả số tiền hơn 86 nghìn tỷ đồng cho những rủi ro, tổn thất không may xảy ra. Việc chi trả số tiền lớn và kịp thời đã giúp các cá nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng như nền kinh tế.

Đối diện với cuộc khủng hoảng này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự nhìn nhận lại và coi đây là cơ hội “thử lửa” để thanh lọc, chấn chỉnh lại thị trường sau thời gian tăng trưởng nhanh, ưu tiên phát triển thị trường theo hướng bền vững, minh bạch và an toàn.

Nhiều giải pháp đã được Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đưa ra để tăng cường tính minh bạch của thị trường, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Cụ thể, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị định số 46/2023/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 67/2023/TT-BTC, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Minh bạch là yếu tố then chốt để phát triển thị trường

Theo ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), thị trường bảo hiểm đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nên cần thêm thời gian để chuyển biến theo hướng tăng chiều sâu, tăng chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

“Thời gian tới, Bộ Tài chính hướng tới quản lý, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm trên cơ sở rủi ro thông qua việc kiểm tra chỉ tiêu an toàn vốn, phân loại, đánh giá doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cập nhật và hoàn thiện hệ thống giám sát và cảnh báo sớm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật để tăng tính răn đe, thượng tôn pháp luật”, ông Trung nói.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, các doanh nghiệp sẽ phải công khai nhiều thông tin “nóng” như thông tin về quyết định xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án về hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát của công ty bảo hiểm…

Hay để đảm bảo sự phát triển theo hướng bền vững của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, theo quy định tại Nghị định số 46/2023/NĐ-CP và Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngoài tăng cường tính minh bạch trong cung cấp bảo hiểm qua ngân hàng, còn phải tập trung vào 2 trụ cột chính là đảm bảo quyền chủ động lựa chọn tham gia của khách hàng và tăng cường giám sát, đảm bảo chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Bộ Tài chính cho biết, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; tăng cường truyền thông phổ biến pháp luật về hợp đồng bảo hiểm.

Có thể thấy, các cơ quan quản lý đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm chấn chỉnh thị trường bảo hiểm. Sự minh bạch hóa thông tin cùng với chế tài xử phạt mạnh tay các vi phạm sẽ đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường, giúp bảo hiểm lấy lại niềm tin của người dùng và giúp thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-bao-hiem-da-di-qua-giai-doan-kho-khan-nhat.html