Thí sinh cẩn trọng để không mất điểm ưu tiên

Do có một số thay đổi về địa giới hành chính, sáp nhập xã, phường cũng như các quyết định hành chính khác, để không mất điểm ưu tiên và mắc phải sai sót trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), thí sinh cần chú ý những thông tin quan trọng.

Xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký trên hệ thống

Thí sinh xét tuyển sớm tại trường ĐH, CĐ vẫn phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống: Thí sinh chọn thứ tự cho nguyện vọng đã được các trường ĐH, CĐ xét tuyển sớm (kết quả xét tuyển sớm được các trường ĐH, CĐ đưa lên hệ thống để hỗ trợ thí sinh lựa chọn).

Lưu ý: Thí sinh xét tuyển sớm phải cung cấp các minh chứng (điểm xét tuyển, minh chứng về đối tượng ưu tiên) cho trường ĐH, CĐ nếu nhà trường yêu cầu để làm căn cứ xét tuyển. Trường ĐH, CĐ không được yêu cầu thí sinh cung cấp văn bản xác nhận về nơi thường trú.

Đối với thí sinh xét tuyển thẳng (xét tuyển theo Điều 7 của quy chế tuyển sinh hiện hành), nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống sẽ không được đăng ký xét tuyển tiếp.

Trong thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh chọn cung cấp dữ liệu trên hệ thống để xét tuyển: Điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT, kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy (nếu có).

Quy trình khai báo

Để được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú, thí sinh cần thực hiện các bước sau đây:

Đăng nhập vào phần mềm tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn theo tài khoản và mật khẩu đã được cấp, thực hiện như sau: Mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận và mã xã/phường chỉ đối với các xã/phường thuộc Khu vực 1 sẽ do Bộ GD&ĐT quy định. Thí sinh cần tra cứu tại nơi đăng ký dự thi để ghi đúng mã tỉnh/thành phố, mã huyện/quận, mã xã/phường nơi thí sinh có nơi thường trong thời gian học THPT hoặc trung cấp vào các ô tương ứng ở bên phải. Thí sinh không có nơi thường trú tại xã Khu vực 1 thì bỏ trống ô mã xã. Sau khi điền đủ các mã đơn vị hành chính vào các ô, thí sinh ghi rõ tên xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố vào dòng trống.

Thí sinh có nơi thường trú trên 18 tháng ở Khu vực 1 (xã khó khăn hoặc xã đặc biệt khó khăn) trong thời gian học THPT hoặc trung cấp thì tích vào ô: "Nơi thường trú trên 18 tháng ở khu vực 1".

Thí sinh có nơi thường trú trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn trong thời gian học THPT hoặc trung cấp thì tích vào ô: "Nơi thường trú trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn". Thí sinh đáp ứng cả 2 điều kiện tại mục i) và ii) thì tích cả vào 2 ô.

Đối với thí sinh thuộc diện ưu tiên đối tượng hoặc khu vực có liên quan đến nơi thường trú, phải khai thời gian có nơi thường trú trên 18 tháng tại khu vực 1 (xã khó khăn hoặc xã đặc biệt khó khăn) hoặc trên 18 tháng ở xã đặc biệt khó khăn trong thời gian học THPT hoặc trung cấp, ví dụ khai báo như sau: 18 tháng, từ ngày 1.1.2020 đến ngày 1.5.2023.

Trách nhiệm của điểm tiếp nhận

Điểm tiếp nhận hồ sơ/trường ĐH, CĐ phân công kiểm tra, xác minh về diện khu vực ưu tiên của thí sinh (gọi tắt là người sử dụng) mở hồ sơ của thí sinh cần kiểm tra trên Hệ thống quản lý thi. Việc khai thác xác thực dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) tương đương với việc kiểm tra trực tiếp văn bản xác nhận bằng giấy như các năm trước.

Điểm tiếp nhận cần xác nhận kết quả kiểm tra cho thí sinh sau khi đã tra cứu, đối chiếu thông tin lịch sử thường trú được cung cấp bởi CSDLQGVDC (thể hiện dưới dạng Phiếu khai thác thông tin về cư trú). Hệ thống cho phép người sử dụng có thể tải phiếu về lưu dưới dạng file PDF và in phiếu để lưu hồ sơ.

Trường hợp phát hiện có sai sót về thông tin lịch sử thường trú được cung cấp bởi CSDLQGVDC hoặc thông tin cung cấp chưa đủ để xác nhận, điểm tiếp nhận liên hệ công an địa phương để được hỗ trợ giải quyết.

Người dùng thuộc trường ĐH, CĐ, nơi tiếp nhận thí sinh đăng ký xét tuyển được xem, kiểm tra minh chứng ưu tiên của thí sinh, đồng thời được quyền tra cứu thông tin công dân từ CSDLQGVDC để kiểm tra lại.

Chính sách ưu tiên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 25.5.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020: "Các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo khi được cấp có thẩm quyền công nhận lên phường, thị trấn hoặc đạt chuẩn nông thôn mới trong năm thì được tiếp tục hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đến hết năm; từ năm tiếp theo các xã này không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 131/QĐ-TT ngày 25.1.2017". Các xã trên sẽ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực đến hết năm ban hành quyết định phê duyệt (trừ trường hợp được hưởng ưu tiên tại các văn bản khác).

Đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên thì chế độ ưu tiên khu vực được thực hiện như hướng dẫn tại Mục 2 Công văn số 389/UBDT-CSDT ngày 30.3.2020 hướng dẫn thực hiện chính sách dân tộc, trong đó có việc quy định các xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, sáp nhập, đổi tên.

Ưu tiên khu vực đối với thí sinh học tại các cơ sở giáo dục THPT và tương đương có sự thay đổi chế độ ưu tiên như sau:

Đối với các cơ sở giáo dục THPT do thay đổi địa giới hành chính, chuyển địa điểm hoặc thay đổi cấp hành chính, chính sách dẫn đến thay đổi mức ưu tiên khu vực thì mỗi giai đoạn hưởng mức ưu tiên khác nhau, cơ sở giáo dục sẽ được gán một mã cơ sở giáo dục khác nhau cùng với một mức ưu tiên khu vực phù hợp. Thí sinh căn cứ thời gian học tập tại cơ sở giáo dục THPT chọn và điền đúng mã cơ sở giáo dục theo các giai đoạn để được hưởng đúng mức ưu tiên theo khu vực.

Xác định mức điểm ưu tiên

Các quy định “điểm xét tốt nghiệp” trong quy chế được hiểu là một điều kiện (ngưỡng bảo đảm chất lượng) để thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường ĐH, CĐ không được sử dụng để làm căn cứ xét tuyển trực tiếp (quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định “điểm xét tốt nghiệp” đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng, mức ưu tiên không giống với mức ưu tiên trong quy chế tuyển sinh).

Để tránh việc thí sinh cộng điểm ưu tiên 2 lần, nếu trường ĐH, CĐ sử dụng “điểm xét tốt nghiệp” để xét tuyển, thì phải trừ đi điểm ưu tiên đã được cộng vào trong “điểm xét tốt nghiệp”, sau đó mới cộng thêm ưu tiên theo quy định của quy chế tuyển sinh để xét tuyển.

Khu vực ưu tiên

Theo quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành, các xã thuộc khu vực ưu tiên bao gồm: "Các xã khu vực I, II, III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ." và "...các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31.7.1998 của Thủ tướng Chính phủ); các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ".

Danh mục phương thức xét tuyển (do Bộ GD&ĐT quy định)

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thi-sinh-can-trong-de-khong-mat-diem-uu-tien-a158732.html