Thi hành án dân sự Sóc Trăng tiếp tục giữ vững thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Năm 2023 là một năm khá thành công của Thi hành án dân sự Sóc Trăng, vì không những thực hiện đạt mà còn vượt chỉ tiêu được giao (vượt 0,10% về việc và 5,44% về tiền). Án thụ lý năm nay tăng nhưng với nỗ lực rất cao của cán bộ thi hành án, đơn vị đã giữ vững thành tích, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chủ động trong mọi tình huống

Đối với công tác thi hành án dân sự, mỗi cán bộ, đơn vị phải có quyết tâm cao và chủ động trong mọi tình huống. Đồng chí Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Sóc Trăng cho biết, để có được kết quả hôm nay, hai cấp đã biết phát huy những kết quả đạt được của năm trước. Chính từ kinh nghiệm đó, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo cục đã tiến hành giao chỉ tiêu tạm thời “nhiệm vụ năm sau sẽ cao hơn năm trước” để các đơn vị có sự chủ động. Đồng thời, quán triệt trong hai cấp cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; không được phép “ngủ quên” với kết quả đạt được mà lơ là nhiệm vụ ở hiện tại và quan trọng phải dẹp ngay tư tưởng “đầu năm thảnh thơi, cuối năm chạy nước rút”.

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng, triển khai và bám sát kế hoạch công tác đề ra. Trong đó, xác định rõ từng nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, công chức phụ trách, công tác phối hợp và nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và có sự chỉ đạo kịp thời, trong đó, chú trọng công tác tự kiểm tra. Không những vậy, cục chỉ đạo hai cấp tập trung thực hiện tốt 2 đợt cao điểm rút án và đẩy mạnh việc tổ chức thi hành các vụ việc liên quan tín dụng, ngân hàng, án lớn, án kéo dài.

Cục luôn quan tâm công tác hướng dẫn (trả lời 100% các văn bản xin ý kiến của chi cục), chỉ đạo nghiệp vụ các chi cục rút kinh nghiệm, sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, vi phạm kịp thời, hạn chế việc kéo dài các vụ việc thi hành án trên địa bàn tỉnh. Cục còn tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; khen thưởng đột xuất những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để lan tỏa, làm động lực trong thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo cục luôn thận trọng, cân nhắc, xem xét điều động, luân chuyển và tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác.

Năm 2023, hai cấp đã thụ lý 16.109 việc (thụ lý mới tăng trên 28% việc so với cùng kỳ) và đã giải quyết xong 10.289 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 82,90% (vượt 0,10% so với chỉ tiêu; giải quyết tăng 1,25% so với cùng kỳ). Về tiền, thụ lý gần 2.491 tỷ đồng và đã giải quyết xong trên 640 tỷ đồng, đạt 51,24% (vượt 5,44% chỉ tiêu được giao). Đối với các mặt công tác khác đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ Tổng cục giao.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thi hành án dân sự hai cấp rất được sự quan tâm từ lãnh đạo. Ảnh: SỚM MAI

Phối hợp chặt, kết quả cao

Để có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của từng cán bộ và sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều phía. Đồng chí Võ Hồng Diệp - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Kế Sách (Sóc Trăng) từng chia sẻ ngay từ đầu năm: “Cơ quan thi hành án dân sự "đơn thương độc mã" trong thực hiện thì khó hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Do vậy, luôn cần phải có sự phối hợp tốt với các đơn vị, địa phương nhằm tạo được sự đồng tình, thấu hiểu và huy động được sức mạnh tổng hợp đối với công tác vận động, thuyết phục tự nguyện thi hành án.

Điều này chứng tỏ sự phối hợp trong thi hành án là rất cần thiết và vô cùng quan trọng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Uốt, công tác phối hợp với đơn vị hữu quan luôn được hai cấp tăng cường và cơ chế phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn. Khi đó, cục đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh thống nhất nội dung, chương trình thực hiện kiểm sát gắn với kiểm tra công tác thi hành án dân sự tại các chi cục. Cùng kỳ, hai cấp phối hợp với viện kiểm sát nhân dân rà soát, lập hồ sơ đề nghị tòa án xét miễn, giảm đối với 66 việc. Thực hiện việc giao tang vật, vật chứng với cơ quan công an; việc chuyển giao bản án, quyết định với tòa án; phối hợp với Sở Tư pháp trong xác minh, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp…

Trong năm, Cục Thi hành án dân sự còn chủ trì tổ chức 4 cuộc họp liên ngành để trao đổi giải quyết đối với 9 vụ việc khó khăn, phức tạp. Đồng thời, trao đổi và đi đến thống nhất hướng giải quyết đối với các trường hợp kê biên xử lý quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng; giao quyền sử dụng đất theo nội dung bản án tuyên; kê biên quyền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất giáp ranh không hợp tác để xác định ranh đất. Đặc biệt, hai cấp còn phối hợp tốt với Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng kịp thời đăng tải thông tin, hình ảnh liên quan đến hoạt động thi hành án nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật. Đưa công tác truyền thông về thi hành án đi vào chiều sâu, góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin đối với công chức, người lao động trong hệ thống; định hướng dư luận xã hội, tránh những thông tin một chiều, sai lệch gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, vị thế hệ thống ngành…

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định, nhất là tình trạng án tăng mà lại thiếu người (thiếu 6 biên chế). Nhưng bằng sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức và sự nhiệt tình hỗ trợ từ nhiều phía sẽ giúp cho thi hành án dân sự hai cấp Sóc Trăng giữ vững thành tích, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/thi-hanh-an-dan-su-soc-trang-tiep-tuc-giu-vung-thanh-tich-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-68385.html