'Theo đóm ăn tàn'

Ngày 23-10-2022, trang facebook Chân trời mới Media đăng bài 'Ai dám nhìn thẳng nói thật đây?'. Bài viết nói về một thanh niên người Việt Nam bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ với tội danh lao động bất hợp pháp. Đây là điều rất bình thường tại nhiều nước khi đối xử với lao động nhập cư không giấy tờ. Đó là hành động vi phạm pháp luật nước sở tại và phải bị bắt giữ, sau đó cảnh sát sẽ liên hệ với đại sứ quán hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của công dân để giải quyết. Tuy nhiên, qua cái kiểu viết xiên xỏ của Chân trời mới Media thì sự việc không dừng lại đơn giản như vậy.

Cụ thể, tác giả bài viết cho rằng vì đâu mà anh thanh niên kia phải tha phương, cầu thực, sống, lao động chui để bị bắt như thế? Vẻ mặt anh ta thể hiện sự bất lực, bị Nhà nước dồn đến bước đường cùng, phải trả tiền cho bọn buôn người để được qua nước ngoài lao động… Bài viết này đã thu hút gần 1.000 người bày tỏ cảm xúc, 85 lượt chia sẻ và 127 “bình loạn” của “những kẻ tay nhanh hơn não”. Chúng đều đồng thanh đổ lỗi cho Nhà nước Việt Nam đã để dân phải khổ; Nhà nước đã buôn bán chính người dân nước mình; Nhà nước không tạo được việc gì cho dân mà phải để dân bị bọn buôn người lừa khắp nơi trên thế giới; Nhà nước tiếp tay cho bọn buôn người để thu ngoại tệ… Nhưng sự thật có phải như những gì Chân trời mới Media và đám “theo đóm ăn tàn” phát ngôn không?

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu mua bán người là gì? Mua bán người theo Điều 2 Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác để: chuyển giao người nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; tiếp nhận người để giao tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao người để người khác bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Theo số liệu của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2022, ngành đã điều tra 33 vụ với 75 đối tượng phạm tội mua bán người; đề nghị viện kiểm sát truy tố 17 vụ.

Trong bối cảnh phát triển của nền tảng công nghệ 4.0, tội phạm buôn bán người đã lợi dụng mạng xã hội để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin. Chúng hứa hẹn người lao động sẽ được ra nước ngoài làm việc với mức lương cao, công việc nhàn hạ. Sau đó, chúng tổ chức cho những lao động này vượt biên trái phép và bán vào các cơ sở kinh doanh trá hình massage, karaoke, đánh bạc... Trong số nạn nhân này, rất nhiều người bị ép làm nô lệ, cưỡng bức lao động hoặc bán dâm. Con đường thoát khỏi những chỗ này để về quê hương trở nên xa vời hơn bao giờ hết khi họ phải trả giá chuộc thân quá cao.

Ngày 11-10-2022, Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Không phải tự nhiên Việt Nam là một trong 14 thành viên của tổ chức này. Đó chính là sự ghi nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế về một Việt Nam luôn có chính sách nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Ở đó, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nhằm phát triển con người là việc đấu tranh phòng, chống mua bán người. Minh chứng được thể hiện thông qua nhiều chính sách, pháp luật mà Việt Nam đã ban hành trong những năm qua về phòng ngừa mua bán người, cưỡng bức lao động, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và bảo vệ trẻ em. Điều này cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.

Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946, qua các lần sửa đổi đến năm 2013 đều quy định quyền công dân và quyền con người được Nhà nước bảo hộ. Đặc biệt, tháng 5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30-7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội trong chủ động tham gia đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xóa bỏ loại tội phạm nguy hiểm này, đó là mục đích tối thượng của việc ban hành quyết định nêu trên. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nhằm mục đích quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc các nạn nhân của hành vi mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là những bước tiến lớn về pháp lý trong việc bảo đảm quyền con người, phòng, chống mua bán người mà nước ta đang quyết tâm thực hiện.

Ngày 18-7 vừa qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp liên ngành tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Đó là sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ban, ngành trong hoạt động phòng, chống mua bán người được thể hiện rõ nét. Trước đó, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 cũng đã được Chính phủ ban hành vào tháng 2-2021. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân chính là mục đích lớn lao mà chương trình mang lại. Chương trình cũng xác định công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được tập trung đẩy mạnh hơn nữa.

Việt Nam đã tham gia và là thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người. Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp thu, hợp tác với cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế để tìm ra các biện pháp nhằm chấm dứt hoạt động mua bán người, hỗ trợ các nạn nhân và điều đó thực tế đã được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Liên hợp quốc xác định mua bán người là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất được đưa vào Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu. Loại tội phạm này đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực trong phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Đó là một thực tế mà các nước, tổ chức và tất cả mọi người cần ghi nhận một cách khách quan, trung thực. Đừng để Chân trời mới Media và các đối tượng xấu xuyên tạc, kích động rồi bị lầm đường, lạc lối.

Đỗ Thành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/138229/theo-dom-an-tan