Theo dấu chân Bác qua những cuốn sách

Những cuốn sách như 'Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng', 'Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Hành trình cứu nước'... giúp độc giả hiểu hơn về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Sách Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng năm nay đã được tái bản lần thứ 22. Ảnh: Thanh Trần.

Ngày 5/6/1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi ấy còn sử dụng tên Nguyễn Tất Thành) ra đi tìm đường cứu nước. Một số cuốn sách cung cấp chi tiết thông tin về sự kiện lịch sử này.

Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng

Cuốn sách của GS.TS Trình Quang Phú đưa độc giả ngược dòng thời gian, trở về làng Sen, nơi Bác trăn trở mối lo cứu nước..

Kể từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 1996, đến nay, qua 27 năm, cuốn sách đã được tái bản và chỉnh sửa nhiều lần. Lần tái bản thứ 22 có nhiều bổ sung, chỉnh sửa như sắp xếp lại thứ tự các bài viết, bổ sung 5 bài viết, trong đó có bài Bông Huệ thơm viết về bà Lê Thị Huệ ở Sài Gòn trước lúc Người ra đi tìm đường cứu nước.

Qua sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên vừa vĩ đại lại vừa gần gũi, thân tình. Trong buổi tọa đàm ngày 19/5 tại TP.HCM, tác giả Trình Quang Phú đã chia sẻ: “Viết văn, viết ký là phải chi tiết, không chỉ viết về những gì người ta kể mà còn phải đối chiếu với tất cả thông tin của thời kỳ đó. Để tác phẩm của mình đưa đến với công chúng thông tin chính xác, các nhà văn cần phải viết đúng, viết đủ về Bác, đó là trách nhiệm của nhà văn”.

Sách ảnh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Hành trình cứu nước. Ảnh: NXB TT&TT.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Hành trình cứu nước

Cuốn sách ảnh do ông Đỗ Hoàng Linh, người gắn bó nhiều năm với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chủ biên. Sách cung cấp nhiều tư liệu, tái hiện lại quá trình hoạt động của Bác Hồ.

Đầu sách có phần tiểu sử sơ lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong phần sau, đội ngũ biên tập đã lựa chọn hàng trăm bức ảnh tư liệu, tài liệu, bút tích liên quan đến hoạt động của Người trong giai đoạn 1911-1945.

Ngoài ra, nội dung sách được trình bày bằng 4 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng nga, tiếng Trung Quốc.

Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng

Đây là một kịch bản văn học (xuất bản lần đầu năm 1978) được chuyển thể từ tiểu thuyết Búp sen xanh.

Sách Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng. Ảnh: NXB KĐ.

Đến với Cuộc chia li trên bến Nhà Rồng, tác giả vẫn giữ nguyên những nội dung cơ bản của tiểu thuyết gốc, đồng thời khắc họa câu chuyện tình cảm giữa người thanh niên Nguyễn Tất Thành và cô gái Lệ Thị Huệ.

Kịch bản này chính thức được đưa lên màn ảnh vào năm 1990, lấy tên là Hẹn gặp lại Sài Gòn.

Tác giả Sơn Tùng từng nói: “Tôi mạnh dạn viết truyện phim về một chặng đường đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch không phải do một sự ngẫu nhiên, tình cờ nào. Nó xuất phát từ tình yêu kính Bác. Trải qua quá trình hình thành và tích lũy trong tâm hồn, điều đó đã dẫn tôi đến việc cầm bút viết những trang kể về thuở thiếu thời của Người".

Hồ Chí Minh: Hành trình tìm đường cứu nước

Nội dung sách được tuyển chọn từ tài liệu lưu trữ do Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phụ trách, trong đó có nhiều tư liệu lần đầu được công bố.

Các tài liệu và những bức ảnh quý về Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1911-1945, cho độc giả một cái nhìn trực quan về hành trình tìm đường cứu nước của Bác. Đó là một hành trình đầy gian nan, thử thách nhưng đáng tự hào, một hành trình khởi nguồn cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, gắn với những sự kiện lịch sử “gây tiếng vang lớn” trong cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người và có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành.

Hành trình theo chân Bác

Sách thuật lại hành trình của đoàn làm phim Hồ Chí Minh - Một hành trình, lần theo hành trình tìm đường cứu nước suốt hơn 30 năm của Bác.

Trong đó, câu chuyện xưa kia của Bác và chuyện "bây giờ" của đoàn làm phim xen kẽ, lồng ghép nhau, tạo nên mạch kể chuyện sinh động, phong phú. Lật giở từng trang sách, độc giả được tham gia vào một chuyến hành trình đến 16 nước và vùng lãnh thổ khắp thế giới để hiểu thêm về đất nước, con người nơi đó, từ đó, hiểu rõ hơn bối cảnh câu chuyện của Bác.

Cùng đó, nhiều hình ảnh minh họa, đa số được chụp trong những hành trình theo chân Bác trong thời gian gần đây và mười bản đồ thể hiện rõ lộ trình của Bác cho độc giả hiểu rõ về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác.

Anh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/theo-dau-chan-bac-qua-nhung-cuon-sach-post1437198.html