Thèm quê

Người ta tự thỏa mãn nỗi thèm quê bằng điền viên ở ngoại vi đô thị nhưng kín cổng cao tường, quê vẫn xa và làng quê vẫn trống rỗng ánh sáng của những con người như cha ông xưa.

Quốc gia lúa nước, nông thôn rập rờn trong tâm tư của mọi con dân. Cánh đồng bờ bãi dòng sông con kinh cái lạch. Vạt đồi nương rẫy tiếng suối con cá lá rau. Ai nhau cuống với đất đai đã đành, những người mấy thế hệ đô thị vẫn đau đáu tổ tiên ở đó, cắm cúi hẻm mòn hay vỉa hè hoa lệ vẫn thương nơi kia làng quê lam lũ.

Cầu bê tông đã thay thế hết cầu khỉ cầu ván, mừng rơi nước mắt. Hàng thế kỷ, mấy thế hệ người xưa đành ôm giấc mơ vào lòng đất. Nay con cháu phóng ô tô về, ngỡ ngàng, như đắm trong một bộ phim xa lạ trên màn ảnh nhỏ. Rẫy khóm bạt ngàn hơn, bông lục bình tím ngát hơn, ngọn cau ngọn dừa tình tứ hơn.

Đến đầu xóm, nhất định phải bỏ xe, xách dép chân trần đi bộ. Hoa ven đường, cây trái sau hàng rào, xe máy và xe đạp vun vút, chỉ muốn ngồi lại với từng kỷ niệm, không vội vàng, không việc gì mà vội vàng. Nói với chính mình, với lòng mình, sao dằng dặc thế, từ sau 1975 đến giờ là bao lâu?

Quốc gia lúa nước, nông thôn rập rờn trong tâm tư của mọi con dân. Ảnh: TL

Quốc gia lúa nước, nông thôn rập rờn trong tâm tư của mọi con dân. Ảnh: TL

Quê chồng cũng là quê, một đôi hạnh phúc thì sẽ có hai quê. Quê chồng bán sơn địa, thung lũng và những viền núi. Những cây sim những vạt đồi những con trâu và những mảnh ruộng, những cái bàu. Suốt 80 năm sự lâng lâng con trẻ ở người đàn ông này, quê trong tim cùng quê hiện hữu, không gì có thể sánh được.

Ăn gì cũng quê là nhất và trên nền gạch, những người đàn ông đàn bà xếp bằng, đầu gối chạm nhau, lạc rang lạc luộc với nước chè xanh, không ngủ. “Ban đêm xe máy không phải cất vào nhà hả Gia?” Người cháu họ ôm nhà thờ cười lớn “Làng quê thanh bình, chú mự về hẳn đi”.

Lỡ nhịp. Tưởng thế hệ mình lỡ nhịp điền viên nhưng không phải. Ba đứa con của cháu Gia đều kiếm bằng cấp ở Sài Gòn và quyết không về. Lũy tre, bờ ruộng, con trâu và cái cày ư? Chạnh nhớ quê chính mình, vườn nhà dành hẳn 5.000m2 cho Khu mồ mả ông bà nhưng không có chỗ để con cháu qua đêm. Những người trẻ lên Sài Gòn hay đi Nhật đi Hàn, còn lại là những người hết cơ hội ôm những đứa trẻ với hy vọng nhiều cơ hội. Nhà trên 5.000m2 ấy nếu xây thì ai chấp nhận về, hay chỉ dành cho cóc và chuột?

Ai cũng thèm quê, chắc chắn. Thấy mỗi ngày niềm vui của cư dân mạng bên bờ ao bên bếp lửa bên mái lá bên đụn rơm thì biết. Những đứa trẻ vừa được hóa thân, giống nhau đến kinh ngạc ở sự ngất ngây thơ trẻ ấy. Nhưng rồi xe máy hoặc ô tô lại nhả khói gửi lại, lòng chùng xuống thầm hẹn lần sau, không lâu, nhất định lần sau. Đô thị như con bạch tuộc khổng lồ cuốn lấy họ. Mỗi năm vài ba “lần sau” như vậy thì mươi năm, hai mươi năm đã xế một đời người. Rồi thì lại phân vân bài toán của hàng chục triệu người “Về thì ở đâu, sống ra sao khi bệnh tật đang sầm sập đến?” Hóa ra con người thà chịu chết thèm quê chứ không chịu rời kiếp nạn bê tông hóa do quá sợ ở xa bệnh viện.

Đừng nghĩ làng quê thế kỷ trước chỉ có khốn khó. Nghèo và thanh bình, ông cha ta đã từng và không chỉ xứ ta mới có thanh bình trong nghèo khổ. Trí thức làng, vừa Nho học vừa Tây học, những đứa con ưu tú đi học xa và các cụ thay chúng nó tri điền, tri thức để có tri túc cho họ mạc, cho làng quê. Nhưng thời cuộc như mỗi chúng ta đều nếm trải, xốc xáo và đứt gãy.

Thực sự hai mươi năm gượng dậy từ đầu thế kỷ mới đến nay, người Việt trung lưu đông lên đáng kinh ngạc. Người ta tự thỏa mãn nỗi thèm quê bằng điền viên ở ngoại vi đô thị nhưng kín cổng cao tường, quê vẫn xa và làng quê vẫn trống rỗng ánh sáng của những con người như cha ông xưa.

Nghịch lý đau lòng. Quê hương thư thả của những đứa con thèm quê là những nơi không liên quan đến nhau cuống và mồ mả tổ tiên. Đường bê tông đã kín, họ mạc ở quê vẫn mong ngóng nhưng người ta vẫn không về hẳn. Về với ai? Về với những bữa nhậu của giỗ chuyền tiệc chuyền ư? Về với mùi trâu ư? Về với những người già như những bảo mẫu ư? Không sách, không y tế, không có nhiều thứ để chuyện trò sau khi hết lạc rang và lạc luộc ư? Đời người chưa hết và đời những đứa con rời quê còn bao nhiêu thứ để người ta sống cho ra sống mỗi ngày.

Cần một làng quê khác, trên nền quê hằng có và hằng được mến yêu. Ai sẽ làm ra sự thay đổi ấy nếu không phải là những người cho mình già, cần con cháu và bệnh viện và vô số tiện nghi khác ở cạnh mình? Một thế kỷ sắp qua kể từ các cụ Nho học và Tây học, những nhân tố sáng trong xưa. Chừng như khuyên người hay phán xét thì quá dễ, nhưng chính mình đây, chỉ Khuyến học khuyến đọc ở quê cũng là để có một chút quê trong lòng mình thôi. Vẫn cứ là xoa dịu, bề mặt, thậm chí cho cái cục lương tâm ăn ngon ngủ yên thôi.

Lẽ nào Thèm quê là một bệnh và chúng ta đang chữa bệnh theo cách của người đã bị đô thị hóa làm cho ô nhiễm tận xương tủy? Không, một thế hệ mới (như Thái Hạo – Lường Tú Tuấn) đã hình thành, gan góc và đơn độc nhưng không cô đơn khi toàn cầu hóa đã đem internet đến từng nhà. Nhất định phải đông đảo dần lên và nhất định quê sẽ hửng sáng và lai láng sáng.

Ôi, vui quá với kỳ vọng này, với tin yêu này.

Dạ Ngân

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/them-que-42168.html