Thêm những mùa vàng

Mặc dù vụ mùa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sâu bệnh hại phát triển tăng. Cùng với đó là giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao nhưng nông dân huyện Lâm Thao đã tích cực chuyển đổi cơ cấu trà lúa, sử dụng các giống lúa chất lượng cao và áp dụng nhiều biện pháp canh tác tiên tiến, mang lại năng suất chất lượng cao

Bao tải thóc đầu tiên được hong khô, sàng sảy kỹ lưỡng được đưa vào bồ cất đi để phục vụ lương thực cho gia đình. Những hạt thóc vàng óng ánh đều chằn chặn dường như đang nhảy múa trong lòng bàn tay, khuôn mặt rạng ngời đã không giấu được niềm vui được mùa của chị Nguyễn Thị Hiền- khu 3, xã Sơn Vi huyện Lâm Thao. Chị chia sẻ: “Vụ mùa này nhà tôi cấy trên 20 sào lúa JO2, giặt đến đâu HTX thu mua đến đấy, tôi chỉ để lại ít phục vụ nhu cầu gia đình. Do chăm bón đúng quy trình nên cây lúa phát triển tốt, năng suất ước đạt hơn 2,3 tạ/sào, giống này cho chất lượng gạo ngon, giá trị kinh tế cao. Năm nay, tuy khó khăn đầu vụ do thời tiết nhưng đến giai đoạn trỗ bông, làm đòng thời tiết ủng hộ nên lúa ít bị sâu bệnh, bông lúa to, tỷ lệ hạt lép thấp. Hiện nay, giá thị trường lúa thương phẩm khoảng 12.000đ/kg. Công sức bỏ ra trong mấy tháng cấy cày, chăm sóc của chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng”.

Gia đình chị Hiền cấy trên 20 sào lúa JO2, giặt đến đâu HTX thu mua đến đấy

Là xã có diện tích nông nghiệp lớn, lại được dồn đổi ruộng đất liền vùng liền thửa; bên cạnh đó địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ đã tạo điều kiện cho bà con gieo trồng. Vụ mùa năm nay, xã Vĩnh Lại cấy gần 387ha chủ yếu là JO2, năng suất ước đạt trên 61 tạ/ha, sản lượng ước 2.362 tấn. Trong quá trình gieo cấy, nông dân trong huyện đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất như thực hiện phương pháp gieo mạ khay, cấy máy, thu hoạch bằng máy nên đã rút ngắn được thời gian và công lao động.

Đồng chí Đoàn Minh Huân- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại cho biết: “Qua đánh giá tại các cánh đồng, chúng tôi cho rằng đây là một vụ mùa thắng lợi. Thành công của vụ mùa là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng từ công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất và sự nỗ lực của người dân”.

Lâm Thao được biết đến là vựa lúa của tỉnh, với những cánh đồng thẳng cánh cò bay nhu Vĩnh Lại, Cao Xá, Xuân Huy, Hợp Hải…Ngay từ ngày đầu vụ lúa mùa, huyện đã chủ động sớm xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, thực hiện đồng bộ các biện pháp, phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo về thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng. Phân công cán bộ các phòng, ban chuyên môn, ban chỉ đạo sản xuất tăng cường kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo sản xuất ở cơ sở, tập trung vào những khâu quan trọng như: Chuẩn bị giống, vật tư phân bón, gieo mạ đúng khung lịch thời vụ; cung cấp đầy đủ nước phục vụ sản xuất, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật SRI, IPM, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây trồng…

Vụ mùa năm nay bà con nhân dân xã Cao Xá phấn khởi mùa bội thu

Dưới sự chỉ đạo của huyện, các xã, thị trấn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con triển khai sản xuất theo kế hoạch, thực hiện tốt các khâu: Thủy lợi, giống, vật tư, cơ cấu giống, thời vụ gieo cấy; mở rộng diện tích lúa chất lượng cao; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong gieo cấy lúa (SRI, IPM); chăm sóc, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu, bệnh, chuột hại trên cây trồng…Xây dựng và thực hiện hiệu quả phương án phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, khoanh vùng và tổ chức phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh gây hại, giảm tỷ lệ thiệt hại do sâu, bệnh gây ra. Vụ mùa năm nay toàn huyện gieo cấy gần 2.100ha, trong đó lúa chất lượng cao gần 1.410 ha, năng suất bình quân 61,5 tạ/ha, sản lượng 12.773 tấn.

Vụ Chiêm xuân 2022 - 2023 dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ gây khó khăn cho sản xuất, các đợt rét xảy ra không theo quy luật; các đối tượng sâu, bệnh, chuột hại gia tăng mạnh, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát gây hại trên diện rộng; thiếu hụt lao động trong nông nghiệp do chuyển dịch cơ cấu lao động… một bộ phận nông dân còn quen với sản xuất truyền thống, chưa bắt nhịp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa, còn tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước. Để chỉ đạo những vụ tiếp theo thắng lợi, huyện Lâm Thao gieo cấy 3.100ha lúa, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm từ 90%; năng suất phấn đấu đạt 66 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 20.460 tấn.

Đồng chí Dương Hoàng Phúc - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Tập trung chỉ đạo gieo cấy trên hai trà lúa chính gồm: Xuân muộn trà 1 và Xuân muộn trà 2. Các xã, thị trấn tiếp tục bố trí cơ cấu giống phù hợp với điều kiện địa phương (khoanh vùng, lựa chọn một xứ đồng chỉ gieo cấy một đến hai giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau để thuận lợi cho việc sử dụng cơ giới hóa và thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại. Áp dụng đại trà kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); mở rộng diện tích ứng dụng IPM. Khuyến khích phát triển dịch vụ gieo cấy, thu hoạch, bảo vệ thực vật gắn với thực hiện mô hình cánh đồng lớn nhằm giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích sử dụng dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe…”

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/them-nhung-mua-vang/188105.htm